ẢO TƯỞNG BAO GIỜ CŨNG ĐẸP HƠN SỰ THẬT

Bắt đầu bước ra ngoài xã hội, tiếp xúc với nhiều “cái Tôi” khác nhau, do đó chúng ta có nhu cầu tự khẳng định rất cao. Nhưng chúng ta đã biết, “thùng rỗng” khi va chạm thì lại “kêu rất to”. Một số khác phải cường điệu hóa bản thân mình để tránh những cú sốc tâm lý khi nhận ra sự thật phũ phàng về thực lực của mình khi gặp thất bại, khi bị phê bình…

Những thành công nho nhỏ đầu đời rất dễ làm cho người ta “ngỡ” bản thân đã trở thành tài giỏi. Với vẻ bề ngoài có một chút xinh xắn do tô tô trét trét, chỉnh sửa từ camera 365, thỉnh thoảng có vài bài đăng, vài hình ảnh trên tường facebook được nhiều người like… cộng với “chất xúc tác” là những lời comment tán dương sẽ làm cho phản ứng hóa học “bom tấn” xảy ra, ngọn lửa tự mãn lại bùng lên và thiêu cháy đi mất sự khiêm tốn cần thiết.

Môi trường xã hội ngày nay dễ tạo nên “tên tuổi ảo”. Chỉ cần chụp một bộ ảnh “nóng bỏng” hay bốc lửa rồi tung lên mạng là có thể trở thành một người tai tiếng (nhưng thường chủ nhân sẽ nghĩ là… nổi tiếng). Những cơn bão sành điệu đổ bộ vào giới trẻ qua kênh phim ảnh, internet… khiến thanh thiếu niên không thể chấp nhận cho mình một vị thế “hai lúa”, quê mùa trong khi muốn mang danh hot boy, hot girl một cách nhanh nhất thì chỉ còn cách “nổ”.

Thông thường, khi ngã vào hiện tượng “ăn cơm mặt đất nhưng sống trên mây” này sớm muộn cũng sẽ bị “chiếc roi thực tế” quất cho thức tỉnh sau vài cú ngã điếng người. Tuy nhiên, nhiều trường hợp “hơi bị nặng” sẽ không tự thoát ra được và cuối cùng là họ chết trong suy nghĩ tự ngưỡng mộ bản thân, và quên mất mình cần làm gì cho tương lai phía trước.

Hãy dành một chút thời gian xem chú gà trống trong câu chuyện ngụ ngôn này té như thế nào trong sự ảo tưởng của mình nhé!...

Cồ Tía bước những bước dõng dạc khoan thai. Ði đủ năm bước, nó quay ngang, chầm chậm nhìn một vòng quanh sân. Những sợi đuôi vổng lên cao rung rinh. Cái mào đỏ rực cắt răng cưa chống lên cao, rung rinh. Cồ Tía phùng cổ cất lên một tràng tiếng gáy dõng dạc: “Cô ô... Cô ô... Cô ô... Cô ô...”.

Rồi nhảy lên đứng ở đống gỗ chất nơi cuối sân.

Nghe tiếng gáy, một chú Vịt con đang rúc tỉa ở vại nước cạnh mẹ lật đật chạy về phía Cồ Tía. Chú nhỏ chạy lạch bạch, hai cái cánh ngắn cũn chấp chới lia lịa, cổ và mình dài ngoẵng mà chân thì lùn tịt, trông thật ngộ nghĩnh. Chú dừng lại đứng nhìn Cồ Tía.

Cồ Tía vươn vai gáy tiếp một tràng dài “Cô ô... Cô ô...” hùng dũng. Cái mào đỏ lại rung rinh, cái mặt lại quay trái quay phải nhìn đó đây, vẻ hiu hiu tự mãn. Chú Vịt con cứ say mê nhìn, kiễng hai chân ngắn ngủn lên mà nhìn, trong khi mấy mụ gà mái, vì quen quá, cứ thản nhiên chúi mũi vào máng thức ăn hoặc bới đất tìm sâu. Chỉ khi nào Cồ Tía đi sát lại gần, rè rè đôi cánh thì mấy mụ mới bẻn lẻn xúc động. Nhìn chú Vịt con chiêm ngưỡng mình. Cồ Tía hứng chí, dồn thêm sức vào tiếng “Cô ô... cô ô...”.

Ngày nào cũng vậy, mỗi lần Cồ Tía nhảy lên đống gỗ đứng gáy là chú Vịt con lạch bạch chạy tới đứng nhìn. Cồ Tía lần lần có cảm tình với chú nhỏ hơn cả đối với lũ gà con. Nghĩ đến lũ gà con mà giận. Mình là cha chúng nó mà mình gáy mặc kệ mình, chúng nó cứ nhào vô đá nhau một cách chăm chỉ say mê, hoặc một đứa tha con trùn chạy trước, cả bầy lúc thúc chạy theo sau lưng một đám rước. Trong khi đó thì chú Vịt con biết thưởng thức âm thanh và phong cách biểu diễn, biết kính trọng bậc tiền bối, biết bái phục danh nhân.

Ðể tỏ lòng ân cần, một hôm, sau mươi tiếng gáy dõng dạc, Cồ Tía nhảy từ đống gỗ xuống, bước về phía Vịt con. Ðịnh bụng vuốt ve nó và nói đôi lời thân ái, không dè Vịt con vừa thấy Cồ Tía bước lại gần liền vội vàng bỏ chạy. Cồ Tía kêu:

- Ðứng lại cháu! Không sao đâu.

Vịt con không những không đứng lại mà còn gia tốc, chạy xiểng liểng. Cồ Tía gọi to hơn:

- Chú không làm gì cháu đâu. Ðứng lại kẻo té.

Tiếng to càng làm Vịt con hốt hoảng chạy, chạy thục mạng, chạy bán sống bán chết, vừa chạy vừa té, té chúi sấp, té bật ngửa. Trời phú cho một thân thể không cân xứng thật hết đổi bất tiện. Ðể lội dưới ao mới phải chỗ.

Cồ Tía đứng dừng lại, thương hại. Không ngờ cái uy của mình có thể gây khiếp đảm đến vậy.

Dẫu có sự sợ hãi khốn khổ dường đó, nhưng hôm sau, khi Cồ Tía đứng uy nghi nơi đống gỗ cất tiếng gáy thì Vịt con vẫn vội vàng chạy ra say sưa đứng nhìn. Lần này Cồ Tía sắp đặt sự làm quen một cách nhẹ nhàng hơn. Cồ Tía chầm chậm đi về phía Vịt mẹ, lân lạ cạnh Vịt mẹ. Cồ Tía bới một con trùn rồi túc túc mời Vịt mẹ. Như mọi người đàn bà nạ dòng khôn ngoan, Vịt mẹ không từ chối. Cồ Tía nhặt những hột gạo, những cộng rau mời tiếp. Vịt mẹ chiếu cố không cần nài. Qua hôm sau, qua những hôm sau nữa, việc mời mọc lại tiếp tục, những chú Vịt con quen lần lần đi, sẵn sàng rỉa vào những món quà mà Cồ Tía đem đến, không còn sợ hãi. Cứ như vậy cho đến một lúc Cồ Tía đối thoại được với Vịt con.

- Cháu lên mấy?
- Dạ, cháu được một tháng tuổi.
- Ðã bơi được chưa?
- Dạ được. Cháu bơi trong thau nước.
- Cha cháu đâu?
- Dạ, cháu không có cha.
- Tội nghiệp. Vậy là mẹ góa con côi.

Những cuộc đàm thoại ngắn như vậy diễn ra ở sân chuồng Vịt, gần kề họ hàng nhà Vịt.

Một sáng. Cồ Tía đứng gáy và Vịt con kiểng chân chiêm ngưỡng như thường lệ. Cồ Tía nhảy xuống đống gỗ, bước lại gần Vịt con. Vịt con quen, không chạy nữa. Cồ Tía tươi cười:

- Chào cháu.
- Cháo chú.
- Hôm nay cháu lại ra nghe chú gáy. Tốt lắm. Hơn lũ ngan, ngỗng, hơn cả mấy mụ gà mái họ hàng của chú chỉ biết ăn. Tiếng gáy đó nó cao siêu lắm, kẻ thường không hiểu nổi đâu. Tổ tiên của chú có viết sách lưu lại rằng: “Thuở Tây Lũng tam canh trống thúc, gà gáy đầu ba tiếng: Thiên nhật tác thì – Quốc tộ tác xương – Nhân gian tác lạc”.

Vịt con ngơ ngẩn lắc đầu tỏ ý không hiểu. Cồ Tía cười.

- Ồ, cái đó cao siêu lắm. Thôi, ta hẵng nói cái tầm thường
thôi. Nào, hôm nay chú gáy có hay hơn mọi bữa không?

- Cháu không biết.
- Hôm nay chú gáy tiếng: “Cô ô” thứ hai với dấu giảm. Âm thanh thanh thoát hơn mọi lần. Ðó là một nét sáng tạo thành công của chú. Chú rất thích. Cháu có thèm được gáy hay như chú không?

- Không.

Cồ Tía tròn xoe mắt ngạc nhiên. Cứ đinh ninh nó sẽ nói ngay “thèm lắm... thèm lắm”. Cồ Tía lấy giọng ôn tồn:

- Sao vậy? Ðừng sợ ai hết, cháu cứ nghĩ sao nói vậy. Cháu vẫn say mê nhìn chú đứng gáy kia mà, chú thấy rõ.
- Không phải.

- Kìa, mỗi lần chú đứng gáy là cháu lật đật chạy ra.
- Ðúng vậy.

- Rồi cháu kiễng chân chong mắt nhìn chú.
- Có vậy.

- Vừa say mê lắng nghe tiếng gáy của chú.
Vịt con lắc đầu:
- Không có nghe.

Cồ Tía nhún hai vai:
- Ðáng thương thay! Không biết thưởng thức âm thanh mà chỉ trầm trồ cái vẻ đẹp của chú! Nhưng thôi, cũng được đi. Mỗi người có một cách nhìn, một cách thưởng thức, một cách cảm nhận cái đẹp. Cháu thích cái dáng đẹp của chú lắm chứ gì?

Vịt con lại lắc đầu.

Nữa! Ðúng là con vịt ngớ ngẩn. Mất trí, xuẩn ngốc. Mắc bệnh tâm thần như cả loài Vịt. Cồ Tía sốt ruột. Giọng bắt đầu hơi xẵng:
- Vậy thì cháu nhìn chú, thích chú ở điểm nào?
- Cháu không có nhìn chú.

Ngạc nhiên.
- Chớ nhìn cái gì?
- Cháu nhìn cái... cái... trời xanh xanh... cái... cái (tới đây nó lắc lắc cái đầu) cái... không có gì hết... cái... thật xa ở đằng sau chú).

- Vòm trời xanh, khung trời xanh đó chứ có gì.
Vịt con không trả lời được vì không biết “vòm trời xanh, khung trời xanh” là cái gì? Ðành chỉ áp úng nói tiếp:

- Nó đẹp, cháu thích lắm. Nhưng mặt trời mọc lên phía đó, chói lòa, mà mắt cháu thì yếu. Có chú đứng che mặt trời thì cháu mới nhìn thấy được.

Cồ Tía cảm thấy tưng tức. Vậy là nó... là mình... Nhưng Vịt con cứ thong thả tiếp:
- Bởi vậy mà mỗi lần nghe chú gáy, biết chú đang đứng che mặt trời, cháu mới lật đật chạy ra... để nhìn cái “không có gì” xanh xanh xa xa – cái đó chú gọi tên là “khung trời” hả chú?

- ????? (thiệt là bó chân với chú mày, vậy mà tao cứ tưởng...)
(V/H)