STRESS...

Một diễn giả, khi đang giải thích cho độc giả của ông về cách đối mặt với stress, đã đưa ra một cốc nước và hỏi:
- Cốc nước này nặng bao nhiêu?

Những con số được vang lên từ phía khán giả là 20 gam, 500 gam...

Khi nghe các câu trả lời, diễn giả nói:

-  Trọng lượng chính xác không phải là vấn đề. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn cố giữ cốc nước trong bao lâu”.

“Nếu tôi giữ cốc nước trong 1 phút, sẽ không có vấn đề gì. Nếu tôi giữ nó trong 1 giờ, tôi sẽ bị đau cánh tay phải. Nếu tôi giữ nó trong một ngày, các bạn sẽ phải gọi sẽ cứu thương cho tôi. Trong mỗi trường hợp, trọng lượng cốc nước là như nhau, nhưng tôi giữ cốc nước càng lâu thì nó càng trở nên nặng hơn”.

Ông tiếp tục, “và điều đó cũng xảy ra tương tự với việc kiểm soát stress vậy. Nếu chúng ta luôn mang gánh nặng của mình theo, chẳng sớm thì muộn, khi gánh nặng đó ngày càng nặng, chúng ta sẽ không thể tiếp tục. Cũng như với cốc nước, bạn phải đặt nó xuống một chút và nghỉ ngơi trước khi giữ nó tiếp. Khi chúng ta được tỉnh táo, chúng ta có thể chịu đựng được gánh nặng”.

----<><><>----

Cuộc sống hiện nay, khi mà các nhu cầu hưởng thụ vật chất được nâng cao thì tinh thần lại xuống thấp, thấp đến dường nào, mức độ nào thì không ai định rõ, nhưng hiện thực thì con người càng ngày càng điên loạn cả lên khi dung lượng tinh thần đã bị chậc cứng không đủ sức chứa đựng. Các hiện tượng căng thẳng, strees, trầm cảm… làm người ta điêu đứng. Một tinh thần như thế thì có ngồi bên bàn cơm ngon canh ngọt nghi ngút hương thơm, ngồi bên trong các căn biệt thự sang trọng... thì cảm giác cũng chẳng yên lành gì. Một chiếc lọ tinh thần nhơ nhớp thì có bỏ vào đấy những thứ nước hoa cao cấp, sang trọng thì nó cũng biến đổi mùi thành một thứ hương hăng hắc khác lạ khó ngửi. Tâm lý hưởng thụ của con người không bao giờ chấm hết, nhưng làm sao, có cách gì để tinh thần được thoải mái, nhẹ nhàng thì mới thỏa mãn tiếp nhu cầu hưởng thụ vật chất đây?

Đời sống có bao lâu đâu! Mấy mươi năm hà. Nghe một số tôn giáo nói: “chết không phải là hết”. Lại cũng có một số người quan niệm: “chết là không còn gì nữa”. Mệt quá! Bận tâm chi, hết cũng được mà còn thì càng tốt, bây chừ còn sống đây thì cứ hưởng chứ, vật chất có tội tình chi mà không hưởng. Phí, phí của “giời”
     
Vậy đó, tâm chúng ta cũng giống như con khỉ, hết chuyền cành này đến cành khác mà không bao giờ chịu đứng yên. Tha hồ lý sự, luôn luôn lý luận. Ẩn sâu phía dưới tâm có các chất liệu tiêu cực hay tích cực thì trồi lên kích thích mà nó nhảy nhót, chuyền cành miễn sao có lợi cho bản thân thì được.
        
Đời sống luôn có hấp dẫn lực nên rất dễ kéo tâm chúng ta chạy lang thang suốt ngày ở bên ngoài, đến khi lên bàn ăn hay giường ngủ ta vẫn tiếp tục để nó chìm nổi trong những dự án kế hoạch. Theo thời gian chúng ta dần đánh mất thói quen nghỉ ngơi hay để tâm chuyên chú vào một đối tượng, trái lại chúng ta còn cho rằng càng nghĩ ra được nhiều ý tưởng mang lại lợi nhuận thì càng tốt. Làm như thể con người sinh ra chỉ để làm việc và kiếm tiền. Thế nên chậu kiểng trước nhà khô héo đã lâu chúng ta cũng không thấy, chiếc áo đã sứt nút mà ta cũng không hay, trong nhà có bao nhiêu người đang có mặt chúng ta cũng không biết, chúng ta đã ăn cơm chưa hay có hẹn với ai hôm nay chúng ta cũng không nhớ. Thật tệ! Chúng ta cũng hay tự trách mỗi khi phát hiện ra mình bị đãng trí, nhưng rồi chúng ta cũng tự bào chữa bằng lý do bận rộn rồi dễ dàng cho qua để tiếp tục thả tâm rong ruỗi đi tìm nơi trú ẩn hấp dẫn.

Cho nên, không suy nghĩ là một trạng thái rất quan trọng để giúp cho tâm quân bình và sâu sắc, nhiều khi suy nghĩ chỉ đốt cháy năng lượng và làm cho chúng ta thêm căng thẳng hay nhận thức lệch lạc chứ không giải quyết được vấn đề gì cả.

Vài năm gần đây xã hội rộ lên các phong trào tập thiền, tập Yoga,… như là một phương thức thư giãn, là món ăn trợ giúp nuôi dưỡng tinh thần. Trên kênh HTV Phụ Nữ cũng dành một thời lượng nhất định trong chuyên mục “góc hàn huyên”, trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm, lối sống thường nhật bao gồm nội dung về “thiền tập” của các doanh nhân, các văn nghệ sĩ… nói chung là mọi người ở các lãnh vực trong xã hội.

Đối với tôn giáo, nếu muốn chạm được chéo áo của Chúa, chéo y của Phật, muốn bước qua cánh cổng Thiên đường, bước và bầu trời giác ngộ giải thoát thì Thiền Định là phương pháp thực tập chuyên sâu. Kệ tôn giáo đi, mình đang sống ở đời thường mà, có tôn giáo cũng được không tôn giáo cũng được miễn sao nâng cao sức khỏe, thêm sự dẻo dai, thêm phần sảng khoái để tiếp tục nắm bắt rượt đuổi các cảm xúc do giá trị vật chất đem lại là được. Lắng nghe cảm nhận cuộc sống, chắt lọc các tinh hoa của đất trời mỗi ngày nếu được nữa thì càng tốt hơn.

Để làm được điều đó, trước hết chúng ta phải rèn luyện cho mình thói quen tĩnh tâm.

Điều kiện đầu tiên là chúng ta phải bớt bận rộn, phải cho mình một cơ hội lớn tìm về chính mình. Chúng ta không thể ra lệnh cho tâm mình dừng lại và ép nó không được suy nghĩ trong khi chúng ta vẫn còn muốn nắm bắt cái này cái nọ. Một không gian nhẹ nhàng và tĩnh lặng sẽ rất giúp chúng ta dễ dàng thu tâm mình trở về kết thành một mối với thân. Thân ở đâu thì tâm ở đó. Cũng như khi dùng chiếc kính lúp đón nhận những tia nắng song song thì nó sẽ hội tụ lại thành một điểm, sau đó chúng ta lấy miếng rơm khô để phía dưới kính lúp thì chùm ánh sáng hội tụ ấy sẽ đốt cháy miếng rơm khô ngay tức khắc. Khả năng tập trung của tâm ý cũng có khả năng đốt cháy phần nào phiền não thô lậu trong chúng ta, làm cho chúng ta trở nên nhẹ nhàng, trầm tĩnh và sáng suốt hơn.
         
Chúng ta cần cố gắng tập luyện sống chậm hơn bình thường càng nhiều càng tốt, nhưng cũng đừng quá chậm để mất đi vẻ tự nhiên. Mỗi khi mở vòi nước, đóng cánh cửa hay đặt tách trà xuống ta đều quan sát kỹ những đối tượng đó và ghi nhận rõ ràng ta đang làm gì. Chúng ta có thể cắt từng hành động của mình ra thành từng mẫu nhỏ để thực nghiệm việc định tâm cho dễ dàng. Thí dụ khi bưng tách trà lên chúng ta có thể chia làm 3 giai đoạn để chú tâm: bưng lên, đưa tới và uống. Trong khi uống chúng ta cũng chia làm 3 giai đoạn để chú tâm: vừa uống, đang uống và uống xong. Mục đích cho sự thực tập chậm rãi giúp tâm chúng ta không dễ dàng bay nhảy nơi khác vì nó phải tinh tế mới chuyên chú được trên những đối tượng nhỏ nhặt.
         
Bất kỳ cứ việc gì hay nơi đâu chúng ta cũng có thể áp dụng bài thực tập chia nhỏ từng thao tác hành động để quan sát, trừ khi đó là những việc có tính chất nguy hiểm hay quá khẩn thiết. Tập quan sát bước chân của mình trong khi đi trong phòng thì sự định tâm cũng dễ dàng xảy ra. Chỉ cần thả lỏng hai tay theo chiều cơ thể và bắt đầu chú ý vào bước chân đi trong 3 giai đoạn: dở lên, đưa tới, đặt xuống. Chúng ta cũng có thể chia mỗi động tác như vậy thành 3 lần nhỏ hơn nữa để sự chú ý của chúngta càng thêm mạnh mẽ: phần đầu – phần giữa và phần cuối của sự dở lên, phần đầu – phần giữa và phần cuối của sự đưa tới, phần – phần giữa và phần cuối của sự đặt xuống. Nên nhớ chúng ta chỉ dùng tâm để cảm nhận chứ không cần phải nhìn xuống bước chân mình. Bài tập này tuy hơi khô khan, nhưng nếu kiên trì trong nửa giờ chúng ta sẽ gặt hái kết quả rất bất ngờ. Và đây chính là bài tập căn bản của thiền.
         
Những vị thực tập thiền thành công từ nhiều thế hệ qua luôn xem hơi thở là sự lựa chọn hàng đầu để tĩnh tâm, vì hơi thở không chỉ là một tiến trình vật lý mà nó còn là nhịp cầu nối với các tiến trình tâm lý nữa, nghĩa là thông qua hơi thở mà chúng ta có thể biết được những trạng thái biến đổi của tâm lý. Điều thú vị là chúng ta có thể cảm nhận hơi thở một cách trực tiếp mà không cần đến sự can thiệp của tư tưởng hay kinh nghiệm có sẵn. Nên nhớ hơi thở là một tiến trình tự nhiên, chúng ta không dùng ý chí can thiệp thì hơi thở vẫn vào và ra theo nhịp độ riêng của nó. Do vậy khi chọn hơi thở làm đối tượng chú tâm thì chúng ta vẫn tôn trọng tính tự nhiên của nó, chỉ cần nhận biết và hiểu biết nó chứ không ép buộc nó phải như thế này hay như thế kia. Trên thực tế chúng ta cũng hay vấp váp trong khi thở, vẫn muốn áp đặt hơi thở theo ý mình, muốn nó dài hơn hoặc ngắn hơn, muốn nó êm dịu hay nhẹ nhàng. Đó là một thái độ sai lầm cần phải tránh. Ranh giới giữa hơi thở tự nhiên và hơi thở có nhồi nặn rất mong manh, chúng ta phải cẩn thận. Chúng ta chỉ đơn thuần quan sát nó, thỉnh thoảng nhắc nhở tâm đang làm cái việc đó chứ không phải chạy rong, đừng đọc lầm bầm trong tâm bằng một danh hiệu ai đó hay một câu kệ nào đó hoặc tưởng tượng thêm cái gì hết.
         
Nhưng muốn quan sát được chúng ta phải nhận diện ra hơi thở của mình như thế nào trước đã.  Chúng ta có thể chú tâm vào sự phình xẹp của bụng, khi hơi thở đi vào thì bụng sẽ tự động phình lên và khi hơi thở đi ra thì bụng sẽ tự động xẹp xuống. Song cách thở này chỉ phù hợp với một số ít người thôi, bởi nó sẽ làm cho ta dễ hồi hộp vì phải rượt đuổi theo hơi thở, vả lại, cách theo dõi này sẽ không làm cho chúng ta cảm nhận hơi thở một cách trực tiếp.  Cách mà nhiều vị thực hành thiền thường sử dụng đó là chú tâm vào chỗ phần chóp mũi, có thể là ngay vành trong của mũi hay ngay phía môi trên, điều này còn tùy thuộc vào chiếc mũi của mỗi người. Đầu tiên, chúng ta hãy hít vào một hơi cho thật dài và sâu rồi ghi nhận không khí bên ngoài đi vào, nó sẽ chạm vào phần nào đó của chiếc mũi rõ ràng nhất, và đó chính là điểm mà chúng ta cần ghi nhớ để quan sát hơi thở trong những lần thực tập sau này mà không nên để tâm chạy kiếm hơi thở lung tung. Đuổi theo hơi thở sẽ rất mệt mỏi nhưng không bao giờ đuổi kịp vì hơi thở nó cứ trôi chảy mãi.
          
Hãy tập quan sát mối liên hệ rất tinh tế giữa hơi thở và ý muốn điều khiển hơi thở và cả thái độ muốn ngưng sự điều khiển nữa. Ban đầu sẽ hơi khó chịu, nhưng dần dần chúng ta sẽ cảm nhận được giá trị của hơi thở tự nhiên hoàn toàn khác biệt với hơi thở bị điều khiển, và chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều về thái độ hay mong muốn của mình. Với thái độ quan sát hơi thở tinh vi như vậy thì chỉ trong một thời gian ngắn chúng ta sẽ không còn muốn điều khiển nó nữa. Thời gian đầu việc quan sát hơi thở sẽ làm cho chúng ta rất dễ chán nản vì cảm thấy nó thật là vô vị, nhưng nếu kiên trì một thời gian ngắn và thở đúng cách chúng ta sẽ thấy nó rất đa dạng và kỳ diệu vô cùng. Thực ra, không có hơi thở nào giống với hơi thở nào, chúng biến hóa rất tinh xảo mà với tâm hời hợt hay có thành kiến rằng nó vốn là như vậy thì chúng ta không thể nào khám phá và thấu hiểu được. Cho nên quan sát hơi thở không chỉ là quan sát đường nét của nó, mà chúng ta còn quan sát đến cả nội dung của nó, nó là một bản nhạc hòa tấu giữa những trạng thái hổn hển rồi lắng dịu, sâu rồi cạn, gấp gáp rồi nhẹ nhàng.
         
Nhiều lúc chúng ta có cảm giác như không nhận ra được hơi thở của mình. Đừng quá lo lắng.  Hãy chú tâm trở lại ngay điểm mà chúng ta đã chọn chỗ phần đầu chóp mũi hay sự phồng xẹp của bụng bằng một hơi thở mạnh thì chúng ta sẽ nắm bắt được ngay. Nên nhớ, chúng ta đừng bao giờ tự trách móc tâm mình trong khi thiền tập, điều đó chẳng lợi ích gì vì nó chỉ là kết quả của quá trình sống trong lãng quên của chúng ta. Chỉ cần nhắc nhở nó thường xuyên là được.  Trong khi quan sát hơi thở thì trong tâm chúng ta cũng sẽ hiện lên hình ảnh, âm thanh, tình cảm, nhận xét, hay những tâm lý lo lắng, tiếc nuối, buồn tủi, hoang man…Khi ấy, chúng ta tạm thời rời hơi thở để nhắc nhở tâm nhận biết mời gọi rồi chia tay với những đối tượng mới. Nếu thấy mình không có chút định lực nào thì không nên, hãy tạm thời ngó lơ những biến động bất chợt của tâm lý mà giành hết ưu tiên cho mỗi hơi thở thôi. Nhưng nếu chúng ta đã sẵn sàng quan sát thì chỉ nên quan sát từng hiện tượng tâm lý một, chứ đừng gom hết chúng lại. 
         
Khi những đối tượng ấy phai mờ đi thì chúng ta lại đem tâm trở về với hơi thở, hơi thở bấy giờ là đối tượng chính, là điểm tựa an toàn nhất của chúng ta sau mỗi chuyến đi thăm những lĩnh vực khác dù đó là những phản ứng trên thân hay là những phản ứng trên tâm. Chúng ta đừng nóng vội trong khi thực hành, đừng quá nôn nóng giải quyết những phiền não. Nhưng với chút định lực tích góp từ hơi thở, trong mỗi chuyến đi quan sát những biến động mạnh nơi thân hay nơi tâm như vậy thì tâm chúng ta lại mang thêm một kinh nghiệm mới về bản chất vô thường và vô ngã của mọi sự vật và hiện tượng mà không chỉ riêng gì hơi thở. Thái độ quan sát bằng tâm không mong cầu hay chống đối, thuần túy bằng cái tâm tìm hiểu và khám phá thì sẽ cho chúng ta nhiều cái thấy rất tuyệt vời mà từ trước giờ với cái tâm đầy xáo động và đặt sệt phiền não chúng ta không tài nào biết nổi.
         
Một điều cần lưu ý là những lúc chúng ta kinh nghiệm được hơi thở của mình một cách sâu sắc, thì chúng ta bỗng nghe trong tâm hình như có rất nhiều gào thét hay những mớ âm thanh hỗn loạn, chúng ta thấy mình như đang chới với như chiếc xe đang lao đầu xuống vực thẳm mà ta không thể điều khiển được. Không có gì lạ cả, thực ra lúc nào trong tâm chúng ta cũng hỗn loạn như vậy, cũng đầy dẫy những cuộc xung đột hay những khoảng trống chơi vơi như vậy, chỉ vì trước giờ chúng ta chưa bao giờ nhìn kỹ vào thôi. Tâm thức chúng ta rối rắm và đầy phiền toái như vậy đó mà chúng ta còn chưa chịu thu dọn hay giải quyết chúng, vẫn cứ lo đi tìm những thứ hấp dẫn bên ngoài thì đừng có trách tại sao chúng ta vẫn thường hay bất lực với chính mình.
        
Chung quanh chúng ta còn biết bao người vẫn đang sống bằng sự may rủi của hoàn cảnh, vẫn không biết cái gì đang tàn phá bên trong họ, nhìn họ có vẻ như không có vấn đề gì nhưng thực chất là họ đang bị trói buộc và điều khiển. Còn chúng ta, tuy phải đối diện với những phiền toái bên trong nhưng chúng ta đang trên con đường tháo gỡ nó. Nếu chúng ta vẫn còn nhiều lý do để không chịu giành thời gian và năng lực cố gắng luyện tập quan sát hơi thở và những biến động tâm lý của mình; hoặc chúng ta không biết cách quan sát hơi thở, chỉ sử dụng nó một cách thô kệch hay áp đặt nó như những phương pháp luyện tập yoga thì chúng ta sẽ tạo nên sự chai cứng trong công phu thiền tập của mình, chúng ta sẽ có thành kiến với vấn đề quan sát hơi thở  và chẳng bao giờ thu hoạch thêm sự khám phá mới lạ nào. Cho nên chấp nhận quay về chính mình đã hay lắm rồi, nhưng chính thái độ thực tập đúng đắn mới quyết định sự thành công. Và chỉ khi nào tâm chúng ta yên định thật sự thì hạt giống trí tuệ mới bắt đầu hé nở...
 Sống Để Yêu Thương

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...