DẤU CHẤM VÀ TỜ GIẤY TRẮNG

Tại buổi diễn thuyết hàng trăm người, diễn giả bắt đầu buổi nói chuyện bằng một bài tập nhỏ. Ông đưa ra một tờ giấy trắng trên đó có một dấu chấm đen vào đặt câu hỏi với hội trường: “Các bạn nhìn thấy gì?”

Một người giơ tay phát biểu: “Tôi thấy một điểm đen”;
Một người khác: “Đó là một vết mực đen”.

Lại có ý kiến hài hước cho rằng: “Là một nốt ruồi”… Hầu hết mọi người trong khán phòng đều gật gù đồng ý với những ý kiến đó, họ đều chỉ thấy mỗi điểm đen.

Diễn giả để hội trường lắng xuống, nhìn khắp lượt hội trường, giơ tờ giấy lên bằng hai tay, giật mạnh và hỏi “các bạn không còn thầy gì nữa sao?”. Bấy giờ mọi người mới ồ lên: “Tờ giấy trắng và một chấm đen”.

Người diễn giả mỉm cười và nói: “Cảm ơn những câu trả lời của các bạn, dấu chấm đen này đúng là rất nổi bật trên tờ giấy trắng, tôi đã làm ví dụ này với rất nhiều người và cũng nhận được câu trả lời tương tự. Phần lớn chúng ta chỉ nhìn thấy vết đen, vết bẩn, nhìn thấy cái xấu, cái sai của người khác mà lờ đi những khoảng trắng, những cái tốt đẹp của người ta. Cũng dễ hiểu thôi vì đó là tâm lý chung của con người, theo học thuyết của Abraham Maslow về nhu cầu tự nhiên của con người được chia thành các thang bậc khác nhau, phản ánh mức độ cơ bản đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Và bậc 2 của thang Maslow là nhu cầu về an toàn, thế nên con người luôn luôn nhìn thấy điểm đen, cái xấu, nguy cơ…, để đạt được mức an toàn tối thiểu về tính mạng và tài sản”.

Nói đến đây, ông đưa mắt nhìn quanh khán phòng và đến đâu cũng bắt gặp những gương mặt đồng tình ủng hộ.

Ông nói tiếp: “Cũng giống như chúng ta đối xử với mọi người xung quanh, nếu bạn chỉ nhìn thấy cái xấu, cái sai, thì bạn chính là người phải chịu dằn vặt đau khổ, trong bạn luôn thấy hoài nghi lo lắng về mọi thứ diễn ra quanh mình. Thử nghĩ, một ngày bạn ăn vật chất 3 bữa, là những thứ ngon, bổ, sạch, còn “ăn” tinh thần thì cả ngày, thế mà bấy lâu nay chúng ta cho nhau ăn những gì? Có phải cũng ngon và bổ như ăn vật chất.

“Bới lông tìm vết hay Đãi cái tìm vàng” là lựa chọn của bạn, tìm điều tốt đẹp của người khác bạn sẽ thấy sự tốt đẹp, tìm cái xấu, cái sai để bỏ đi những mối quan hệ chính là bạn đang tự hủy đi cơ hội của mình.”

Ông dừng lại và đặt câu hỏi với hội trường: “Làm thế nào để sử dụng tờ giấy này một cách hữu ích?” Có vài lời phát biểu: “Vẽ lên đó một bông hoa; gập đôi tờ giầy thề là chúng ta có 2 tờ giấy trắng; . . .” Diễn giả gật đầu và mỉm cười: “Vâng. Cảm ơn các bạn. Thật đơn giản khi chúng ta thay đổi tư duy, thay đổi quan niệm của mình về những thứ xung quanh.

Con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, có đôi khi mắc lỗi lầm, nhưng chỉ vì cái xấu, vì những lỗi lầm mà đánh giá sai về nhau thì quả là đáng tiếc. Bởi có thể lỗi lầm đó chỉ nhỏ xíu như một chấm đen chiếm 1/99 tờ giấy trắng, mà chúng ta bỏ đi một tờ giấy đẹp, có nên chăng?”

Diễn giả kết thúc buổi nói chuyện của mình trong tràng pháo tay không ngớt, họ nắm tay nhau, trao cho nhau nụ cười và những cái nhìn trừu mến thể hiện tình nhân ái.
- Sưu tầm –

Nội dung câu chuyện đã đủ thâm thúy cho chúng ta khi nhìn vào cuộc sống với các gam màu sáng và tối. Chúng ta là những người đãng trí, các bài học về cuộc sống, cuộc đời qua các phương tiện thông tin đại chúng, giảng đường..... ai cũng biết, cũng học, nhưng khi gặp chuyện chúng ta vẫn là người luôn luôn túng thiếu sự hiểu biết trong cách nhìn nhận mọi vấn đề xung quanh, nên mãi khổ vui theo mỗi cái nhìn.

Thế cho nên, mỗi ngày chúng ta phải ăn, ngủ, tiêu tiểu... cứ lặp lại hoài bao nhiêu việc đó thôi, nhưng chúng ta phải làm như thế để chăm sóc cơ thể mỗi ngày.Tôn giáo là do loài người lập ra, kinh sách là do loài người viết ra. Và như thế mỗi một tôn giáo đều có những vận dụng khác nhau trên bước đường tìm về sự giác ngộ, tìm về cõi bình an. Và bài kinh nào cũng hay, sách vở nào cũng có giá trị chuyển hóa. Nhưng không phải để ngày nào cũng đọc cho các Bậc Thầy đã khuất mặt nghe, mà là sự ôn luyện, tôi luyện tâm hồn cho nhuần nhuyễn để ra cuộc sống có cái mà ứng dụng.