Truyện xưa kể lại rằng, một buổi tối một
vị thiền sư già đi dạo trong thiền viện, chợt trông thấy một chiếc ghế dựng sát
chân tường nơi góc khuất. Đoán ngay ra đã có chú tiểu nghịch ngợm nào đó làm
trái quy định vượt tường trốn ra ngoài chơi, nhưng vị thiền sư không nói với
ai, mà lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra rồi quỳ xuống đúng chỗ đó.
Một lúc sau, quả đúng có một chú tiểu trèo tường vào. Khi đặt chân xuống, chú
tiểu mới kinh ngạc khi phát hiện ra dưới đó không phải là chiếc ghế mà là vai
thầy mình, vì quá hoảng sợ nên không nói được gì, đứng im chờ nhận được những lời
trách cứ và cả hình phạt nặng nề. Không ngờ vị thiền sư lại chỉ ôn tồn nói “Đêm
khuya sương lạnh, con mau về thay áo đi”. Sự khoan dung của vị thiền sư già đã
khiến chú tiểu suốt đời không quên được bài học đó.
Người xưa dạy: Rộng lớn nhất thế giới là
đại dương, rộng lớn hơn cả đại dương là bầu trời, rộng lớn hơn cả bầu trời
chính là lòng người. Sự khoan dung, nếu được dùng đúng chỗ và đúng lúc thì còn
có tác dụng mạnh mẽ hơn sự trừng phạt, bởi nó tác động rất mạnh đến nhận thức mỗi
con người. Nhất là đối với cuộc sống, công việc và học tập của con trẻ, việc
khoan dung đem lại hiệu quả vượt trội hẳn so với việc áp dụng bất kỳ hình phạt
nào. Thậm chí, khoan dung với người cũng chính là khoan dung với mình, giải
thoát mình khỏi những sự giận dữ, căm tức, hận thù, tranh chấp…, nhờ đó mà cân
bằng được cuộc sống của mình.
Hạ
Liên