Các đệ
tử hiếu kì hỏi:
- Không
phải thầy thường bảo là “tứ đại giai không” sao? Tại sao thầy còn thấy đau đớn
đến thế?
Vị hòa
thượng kia đáp:
- Không
là việc của không, còn đau là việc của đau.
Thực sự
dù là một vị hòa thượng dày công tu tập nhưng vẫn phải chịu đựng cái đau của thân
thể bằng xương thịt!
Thông
thường người ta gắn liền đau với khổ, ít ai nhận ra rằng đau và khổ là hai khái
niệm khác nhau. Phần lớn người ta cho rằng đau chính là khổ và khổ nhất định phải
đau. Kì thực chúng không phải là một, giữa chúng có một khoảng cách lớn. Đau chỉ
nỗi đau về mặt thể xác, ví dụ như khi thân thể bị thương, bị đọa đày, dày vò hoặc
bị vật gì đó đâm phải thì sẽ có những phản ứng sinh lí nhất định. Đây là hiện
tượng sinh lí tự nhiên thông thường, nếu không họ không phải là người mà là cây
cỏ, gỗ đá. Theo sử chép, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có lúc bị đau bụng, đau
lưng, điều đó chứng tỏ rằng đức Phật cũng là con người như bao con người khác,
về mặt thể xác có cảm giác đau. Tuy nhiên, Phật đau về thể xác chứ không có sự
khổ về mặt tinh thần, không có biểu hiện đau về tâm lí.
Khổ có
nhiều loại, ví dụ như khổ về sinh, khổ vì già, khổ vì bệnh, khổ vì chết. Tâm lí
tham lam, luyến tiếc, chấp nhặt đã là một nỗi khổ; thấy bản thân mình lụi tàn
theo năm tháng, bệnh tật dồn tới không thể từ chối nhưng tâm lí lại muốn trốn
tránh chối từ thì sẽ đau khổ hơn. Khi một người đối diện với cái chết hoặc tận
mắt chứng kiến người thân ra đi, họ sẽ bị sốc nặng về mặt tâm lí, họ nghĩ không
thể chịu đựng được, đấy chính là khổ.
Ngoài
cái khổ vì sinh, già, bệnh, chết ra, còn nỗi khổ của cầu không toại nguyện, khổ
của yêu thương chia lìa cách biệt, khổ của thù oán gặp gỡ, tụ hội và các tâm lí
khổ kèm theo như lo âu, sợ sệt, đố kị, ghen ghét, căm hận, hoài nghi... Tất cả
đều cho chúng ta một cảm giác rằng đời là bể khổ.
Những
điều trên cho chúng ta thấy rằng đau là biểu hiện về mặt thể xác, khổ là biểu
hiện về phương diện tinh thần. Nỗi đau về mặt thể xác là điều hiển nhiên khi
mang tấm thân này, không ai có thể tránh được, nhưng một khi thân xác này chết
đi thì nỗi đau đó cũng tiêu mất theo. Trong khi đó, khổ mãi mãi không bao giờ mất
vì nó là nỗi đau về mặt tinh thần, nếu không chấm dứt được nỗi đau về mặt tinh
thần thì thân xác này có chết đi cũng không thể chấm dứt khổ và giải thoát được.
Vả lại, khi nỗi khổ đạt đến mức tột cùng thì sẽ dẫn đến đau ở thân, tức là tinh
thần suy sụp thì thân thể cũng bệnh hoạn theo. Ví dụ khi chúng ta nói “đau lòng
quá”, thực tế vì chúng ta quá thương tâm, trong lòng quá buồn đau mới thấy lòng
mình quặn lại như bị dao cắt, đau đến không thể chịu được, đấy chính là nỗi đau
tinh thần.
Nhưng nếu
đau khổ của chúng ta có sự đền đáp, chúng ta sẽ được an ủi phần nào; dù có trải
qua muôn cay nghìn đắng, chịu đủ nỗi giày vò cũng còn một tia hi vọng là mong
có ngày “khổ tận cam lai”. Trường hợp
này thì niềm hi vọng kia chính là niềm an ủi và còn một tia hi vọng vào tương
lai thì sẽ không còn khổ nữa, nên khổ không phải là một cảm giác cố định, bất
biến mà nó sẽ thay đổi theo hoàn cảnh bên ngoài.
Vì thế,
nếu chúng ta chuẩn bị tâm lí tốt, dám làm dám chịu, có dũng khí đối diện với thực
tế trước mắt, xử lí tình huống với tâm lí tự tại không lo âu sợ sệt, không trốn
tránh, đối diện với những gì đang xảy ra trước mắt, chỉ biết dốc hết sức mình để
xoay chuyển tình huống theo chiều hướng tốt theo khả năng có thể của mình mà
không phải bận tâm nhiều về kết quả của chúng thì chúng ta sẽ không còn cảm thấy
khổ đau, không còn bị áp lực tâm lí nữa.
HT.
Thánh Nghiêm