Một thời, Thế Tôn trú tại Rajàgaha,
trên núi Gijjhakùta. Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỷ
kheo:
Các
ông nghĩ thế nào, này các Tỷ kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít trên đầu móng
tay hay là quả đất lớn này ?
Bạch
Thế Tôn, cái nhiều hơn là quả đất này, còn ít hơn là đất trên đầu móng tay.
Cũng
vậy, này các Tỷ kheo, ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với mẹ, với cha và
nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với mẹ, với cha.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 12, phẩm Bánh xe lược thuyết,
phần Hiếu kính mẹ-Hiếu kính cha [trích], NXB Tôn Giáo 2002, tr.675)
LỜI BÀN:
Hiếu kính với
cha mẹ là một lẽ đương nhiên, gần như bất cứ người con nào cũng biết niệm ân và
hết lòng hiếu dưỡng song thân để đáp đền ân nghĩa sanh thành. Thế thì vì sao Thế
Tôn lại khẳng định “ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với mẹ, với cha và
nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với mẹ, với cha”?
Có
thể nói từ trong tâm khảm, không ai mà không thương kính cha mẹ. Nhưng để thực
hiện song hành tâm hiếu và hạnh hiếu một cách trọn vẹn thì không mấy ai làm được.
Ở đây, chúng ta không bàn đến hạng người mang tội đại nghịch (giết cha, giết mẹ)
hay những kẻ nghịch tử chỉ báo hại và làm khổ cha mẹ. Vấn đề đáng nói là đối với
những người con tuy có hiếu, mong muốn được thể hiện đạo hiếu nhưng rồi cũng
không làm được gì nhiều cho các đấng sinh thành.
Vì
sao? Có đến 1001 lý do để biện giải cho điều ấy. Cho dù những lý do ấy có xác
đáng đến mấy và dẫu cho cha mẹ hoàn toàn thông cảm, hy sinh thì chúng ta vẫn phải
thừa nhận rằng những gì mình đã làm cho cha mẹ thật sự quá ít so với thâm ân
sanh dưỡng như biển trời. Sống ở đời, có lòng hiếu đã khó, thực hiện nó lại
càng khó hơn bởi không phải ai cũng có đầy đủ phước duyên để phụng dưỡng và
kính thờ cha mẹ như ý của mình.
Cuộc
sống vốn phức tạp và đầy biến động, mãi lao theo những việc quan trọng, cấp thiết
hơn nên niềm riêng về cha mẹ tạm thời gác lại. Điều này cũng dễ dàng cảm thông
nhưng trớ trêu thay là không có cái gì chờ đợi chúng ta cả. Rồi chuyện sẽ đến
đã đến và chúng ta không kịp trở tay, chỉ còn ôm niềm ân hận là chưa làm được
nhiều cho cha mẹ thì người đã đi rồi.
Tư
duy và chiêm nghiệm về lời dạy của Thế Tôn để thấy mình vẫn chưa tròn câu hiếu
đạo. Người thực sự hiếu kính cha mẹ như đất trong móng tay so với đất trên địa
cầu nhắc chúng ta phảm làm ngay những việc cần làm cho cha mẹ, đừng hẹn ngày
mai để khỏi hối hận về sau.
Quảng Tánh
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...