Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn
ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Tại ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Này các Tỷ kheo, có năm nghề buôn bán mà người cư sĩ
không nên làm. Thế nào là năm ?
Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn
bán rượu và buôn bán thuốc độc.
Năm nghề buôn bán này, này các Tỷ kheo, người cư sĩ
không nên làm.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần
Người buôn bán, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.646)
LỜI BÀN:
Kinh doanh, buôn bán là một trong những nghề nghiệp
đem lại hiệu quả kinh tế cao, có nhiều cơ hội để thành công trở nên giàu có
nhưng đồng thời cũng dễ dàng chuốc lấy thất bại. Vì lẽ, sự biến động về thị trường,
giá cả và cạnh tranh rất dữ dội, trong khi quyết định đầu tư đôi lúc chỉ xảy ra
trong tích tắc. Dù thương trường luôn là chiến trường nhưng từ xưa cho đến nay,
kinh doanh buôn bán vẫn là một nghề hấp dẫn vì “phi thương bất phú” không lao
vào kinh doanh thì khó mà giàu lên được.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dùng công sức và trí tuệ
của mình để làm ăn chân chính, kinh doanh hợp pháp với hoài bảo đem lại sự hạnh
phúc cho tự thân và góp phần cải thiện, nâng cao đời sống xã hội. Để kiếm tiền
nhanh chóng, chạy theo siêu lợi nhuận không ít người đã táng tận lương tâm, làm
ăn phi pháp, gây ra biết bao tai họa. Những phi vụ đen về vũ khí, hạt nhân; các
đường dây buôn bán phụ nữ; những hoạt động buôn bán ma túy, rửa tiền có tính đa
quốc gia của các tập đoàn, băng nhóm tội phạm đã trở thành mối hiểm họa, đe dọa
an ninh và sức khỏe của nhân loại trên toàn cầu.
Không phải đến tận ngày nay nhân loại mới báo động đỏ,
tấn công không khoan nhượng với các loại tội phạm kinh tế, mà ngay từ thời Thế
Tôn, Ngài đã lên án, tuyên chiến và khai tử đối với các loại tội phạm vô cùng
nguy hiểm này. Người Phật tử, vâng lời răn dạy của Thế Tôn không nên và không
được buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu và buôn
bán thuốc độc.
Ngày nay, nhân loại đang sống trong thời đại văn minh
và tiến bộ, song những thủ đoạn làm ăn bất chính của các tập đoàn, băng đảng tội
phạm lại càng tinh vi hơn, đặc biệt cực kỳ nguy hiểm vì mang tính toàn cầu. Hơn
ai hết, người con Phật luôn ý thức sâu sắc về sự nguy hại của những hoạt động
kinh doanh phi pháp, chạy theo lợi nhuận mà không màng đến hậu quả để làm ăn
lương thiện nhằm xây dựng hạnh phúc, an vui bền vững cho bản thân và xã hội.
Kiên quyết đấu tranh với các hình thức kinh doanh bất chính, phi nhân và phi
nghĩa là hành động thiết thực của người Phật tử, sống theo lời Phật dạy.
Quảng Tánh
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...