CHUYỂN HÓA NỖI ĐAU PHẢN BỘI THEO LỜI PHẬT DẠY

Đức Phật cho rằng: “Nếu trên đời này có cái thứ hai giống như nghiệp tình ái, thì thế gian này không ai tu được, may mà chỉ có một thứ mà đã làm điêu đứng loài người.

Nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein thì cho rằng: “Định luật vạn vật hấp dẫn không thể chịu trách nhiệm cho việc con người ta yêu nhau.

Thật thế, tình ái luôn gắn liền với cuộc sống con người và đã trở thành nguồn cảm hứng thăng hoa muôn thuở của bao thế hệ nghệ sĩ với đủ cung bậc cảm xúc. Thế nhưng bên cạnh trái ngọt yêu và được yêu, tình yêu còn có trái đắng đau khổ của nó khi tình yêu gặp ngang trái mà đỉnh cao của nó là cảm giác đau khổ tột cùng do bị phản bội. Đau khổ có thể nói là thuộc tính của tình yêu.

Cảm giác bị phản bội đối với mỗi người có lẽ khác nhau và cũng chẳng biết diễn tả chính xác ra làm sao để cho thấu đáo nỗi đau đó nhưng tác giả xin được dẫn rằng người ta ví cảm giác ấy như mũi dao đâm xuyên tim. Nhưng người ta cũng lại nói nỗi đau thể xác còn chữa lành được chứ nỗi đau tinh thần thì biết làm sao cho lành. Có thể nói sự phản bội gây ra vết thương nghiêm trọng cho tâm hồn, khiến chủ thể day dứt mãi về nó, có khi đến lúc chia lìa cõi đời. Là người con Phật, chúng ta đã được dạy 4 yếu tố từ, bi, hỷ, xả để có được tình yêu cao đẹp, hướng thượng. Nếu chẳng may trong tình yêu bị bội bạc thì hãy luôn biết làm chủ bản thân và vận dụng phương pháp để quên kẻ bội bạc, chuyển hóa nỗi đau, lấy lại cân bằng cuộc sống và đón nhận tình yêu mới tốt đẹp hơn bằng những cách sau đây:

Những phương pháp chuyển hóa nỗi đau phản bội theo lời Phật dạy

Hãy làm chủ để cứu bản thân mình trước

Người ta nói thế gian có 4 hạng người:

“Hạng thứ 1 là kẻ si tình, hạng thứ 2 là kẻ tham vọng, hạng thứ 3 là kẻ do dự, hạng thứ 4 là kẻ ngu ngốc”

Trong 4 hạng người đó thì kẻ si tình là kẻ ngu ngốc nhất. Thật vậy, kẻ ngu ngốc cho dù khờ khạo cỡ nào còn biết bảo vệ mạng sống quý báu của mình còn người si tình đôi khi không màng đến hình hài cha mẹ ban tặng mà liều lĩnh tìm đến cái chết để kết thúc tất cả chỉ vì tình yêu, vì ảo vọng với một người xa lạ.

Có câu chuyện tình bi đát làm chấn động dư luận Sài Gòn của cô gái sinh viên năm thứ 4 ngành Markerting của một trường đại học và chàng trai sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5 năm 2009. Theo một số nguồn tin, vì bị chàng trai bội bạc nên cô gái đã tự tử bằng cách leo lên tầng 6 của tòa nhà Trường đại học KHXH-NV rồi tự tử bằng cách nhảy xuống và rơi vào khu vực sân của Đài phát thanh truyền hình. Có lẽ cô gái ấy nghĩ cái chết của mình sẽ chứng minh tình yêu chung thủy với chàng trai kia và việc tự kết liễu mạng sống của mình xem như một thứ vũ khí trả thù cuối cùng khiến chàng trai phải ôm nỗi ân hận, dằn vặt đến suốt đời. Thế mà có một cô bạn của tác giả lại hồn nhiên nói rằng chưa chắc anh chàng đó cảm thấy đau khổ mà có khi lại lấy làm tự hào bởi có thể hắn sẽ nghĩ không biết mình có gì đặc biệt mà có kẻ đã bất chấp tất cả, liều chết vì mình. Đúng là một cái chết uổng phí.

Nói như thế để thấy được bản thân cái ý nghĩ tự tử để kết thúc sự tiếc thương, để chứng minh tình yêu, để trả thù người yêu… khi bị phản bội đều vô nghĩa lý chứ chưa nói hành động cụ thể tương ứng của nó. Đằng sau tất cả suy nghĩ, hành động dại dột ấy là sự thiệt thòi oan uổng, nỗi đau khổ và biết bao hệ lụy mà chỉ có bản thân mình và người thân mình phải gánh chịu, trong đó đau đớn nhất là người cha, người mẹ đã sinh thành dưỡng dục, nuôi nấng chúng ta. Còn kẻ phản bội, cứ cho là có chút day dứt đó nhưng rồi chả mấy chốc họ sẽ lại vui vẻ, bay nhảy bên người mới, sẽ tiếp tục thay người yêu như thay áo… và kết quả cuối cùng là chẳng bao giờ có được một tình yêu chân thành. Vì vậy, khi rơi vào hoàn cảnh tương tự, người Phật tử hơn ở chỗ biết rằng tình yêu cũng chỉ là một phần của cuộc sống và quán chiếu để nhận ra giá trị đích thực của cuộc đời và tiếp tục sống tốt vì thừa hiểu rằng khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại thì sẽ có cánh cửa hạnh phúc mới đang chờ đón chúng ta. Cánh cửa sau này thể sẽ rộng mở, tràn ngập hương hoa dẫn lối vào ngôi nhà hạnh phúc mà ta mơ ước.

Tuyệt đối không bao giờ được có ý nghĩ trả thù tình địch hoặc người yêu

Tất nhiên không phải là người viết ủng hộ quan điểm thụ động cam chịu khi phát hiện ra người mình yêu thương thay lòng. Cho dù kẻ bội bạc là bạn đời của mình hoặc mới là người yêu thì chúng ta hoàn toàn có quyền được biết rõ nguyên do của sự phản bội đó để từ đó có cách giải quyết dứt điểm, rõ ràng. Thế nhưng xử lý như thế nào để sáng suốt và khéo léo lại không dễ dàng chút nào. Nhiều cô cậu trẻ tuổi cho đến những người đàn ông, đàn bà từng trải trường đời khi rơi vào hoàn cảnh này đều không nhìn nhận căn nguyên sự bội bạc đó là do chính sự thay lòng của người yêu, người bạn đời của mình mà đổ lỗi hoàn toàn cho người thứ 3 rồi vạch kế hoạch “hoàn hảo” để trả thù với ý nghĩ “điên rồ” là trả được thù xong rồi có ngồi tù cũng cam lòng. Hoặc có trường hợp nghĩ cách trả thù cả hai.

Tác giả Sharon Rivkin viết rằng: “Bị phản bội giống như cả thế giới đang sụp đổ dưới chân, vì thế, có thể làm những gì bản năng của bạn cho là phải”.

Thực tế xã hội hiện đại cho thấy nhiều người vì ghen tuông mà dùng xăng thiêu chết chồng, dùng dao giết người yêu hoặc tạt a xít để hủy hoại nhan sắc của kẻ thứ 3 để người đó vĩnh viễn không thể đến được với ai. Nhưng sau tất cả thảm kịch đó, người lãnh chịu hậu quả cuối cùng là bản thân mình chứ chẳng phải ai khác. Vì thế mỗi Phật tử hãy luôn đặt câu hỏi căn vặn lòng mình rằng nếu dại dột làm vậy thì mình sẽ được lợi lộc gì? Mình sẽ bị pháp luật xử phạt ra sao? Nếu mình có chuyện gì thì ai sẽ nuôi dạy con cái mình? cha mẹ mình sẽ đau khổ như thế nào?… để có được câu trả lời thỏa đáng cho việc khờ dại mà mình có ý định làm. Chắc chắn nếu bản thân chúng ta biết trấn áp suy nghĩ dại dột thì sẽ không bao giờ có hành động đáng tiếc xảy ra. Đó chính là ý nghĩa vô cùng quý giá từ lời dạy của Đức Phật rằng phàm làm một việc gì tất phải nghĩ đến hậu quả của nó.

Tập quên dần đối tượng

Mỗi người con Phật tử được nghe thuyết pháp, được truyền dạy tư tưởng của Đức Phật đều nhận thức được bản chất tình yêu cũng như mọi sự vật, sự việc trên đời là vô thường. Nghĩa là quy luật thời gian với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông sẽ không chỉ đem đến sự đổi thay cho mọi vật mà còn cho tình cảm, tình yêu của con người. Điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ ngồi không mà tưởng nhớ, luyến tiếc về người đó để mặc vị thần thời gian làm nhiệm vụ chữa lành vết thương mà phải có phương cách riêng của mình để những kỷ niệm, xúc cảm đối với người đó dần phai nhạt trong tâm trí. Nếu từng yêu ai đó thật lòng thì những dòng tin nhắn, những hình ảnh trên trang mạng xã hội sẽ làm ta nhớ nhiều thêm, hoặc các đồ vật liên quan đến người đó sẽ luôn khơi gợi cho ta niềm tiếc thương kỷ niệm buồn. Vì vậy, chúng ta có thể tập quên dần đối tượng bằng cách cắt đứt mọi liên lạc: xóa hết tin nhắn, số điện thoại, fabook, zalo… và tất cả những kỷ vật hãy đem chôn cất vào ký ức. Khi cắt mọi liên lạc là ta đã triệt tiêu mọi điều kiện có thể khơi lại nỗi thương nhớ, luyến tiếc. Một điều rất đáng lưu tâm nữa là chúng ta không nên vì quá cô đơn mà nhanh chóng tìm đối tượng khác lấp chỗ trống. Như vậy sẽ càng dẫn đến khổ đau cho mình và cho đối phương khi tình yêu không có đủ sự hiểu và thương. Hãy tập quên dần đối tượng và khi có đủ duyên người mới sẽ xuất hiện như dân gian thường nói nôm na: “nồi nào vung ấy”.

Nhớ rằng tình yêu là vô thường

Như đã nói ở trên, bản chất của tình yêu vốn vô thường. Có thể ngày hôm nay chúng ta yêu say đắm thậm chí điên dại một người nhưng một thời gian sau cái yêu điên cuồng ấy cũng chẳng giống ban đầu mãi. Hạnh phúc tình yêu của ngày hôm nay không giống y hệt hạnh phúc tình yêu của ngày hôm qua cũng như nỗi đau khổ quằn quại của đêm nay sẽ không thể nào “sao y bản chính” vào đêm mai. Vì thế tình cảm đối với người đã phụ mình cũng sẽ dần phai mờ theo thời gian, theo quy luật vô thường mà thôi. Chúng ta hãy sống cho mình, chăm sóc bản thân mình bên cạnh sự quan tâm yêu thương từ phía gia đình. Làm được điều đó chắc chắn cánh cửa hạnh phúc sẽ đang chờ đón chúng ta.

Hãy làm công việc mà mình yêu thích

Nhiều người chiều theo ý chồng và hi sinh tất cả cho gia đình bằng cách chấp nhận ở nhà chăm con cái và từ bỏ công việc mà bản thân đã làm rất tốt trước khi lập gia đình. Để đến khi bị chồng phản bội thì không còn biết bấu víu vào niềm vui nào, không còn biết nương tựa vào nguồn tài chính nào để trang trải cho cuộc sống và chăm lo cho con. Một kẻ đã bội bạc với vợ thông thường sẽ chẳng có trách nhiệm chu cấp cho con cái. Vì vậy, có công việc mà mình yêu thích sẽ tạo cho chúng ta nguồn tài chính để không phụ thuộc một ai; cho chúng ta niềm vui để mau chóng “tiễn” kẻ bội bạc ấy vào dĩ vãng; công việc cũng giúp ta có những người bạn tâm giao để chia sẻ buồn vui và biết đâu đấy cũng chính công việc cho ta cơ hội gặp một nửa thật sự của đời mình.

Dù biết rằng nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Tác giả còn nhớ lời của một nhân vật trong một bộ phim truyền hình nổi tiếng rằng trên đời này thứ gì người ta cũng có thể từ bỏ nhưng tình cảm thì không hẳn làm được như thế. Nhưng câu nói ấy là “không hẳn” chứ không phải là không thể. Vì thế, khi chẳng may bị phản bội, mỗi Phật tử được ánh sáng tri thức Phật giáo soi sáng, dẫn đường phải luôn quán chiếu, thực hành để chuyển hóa nỗi đau thành niềm hoan hỷ, biến cái “không hẳn” thành cái “chắc hẳn” để có được cuộc sống hạnh phúc trong thời khắc hiện tại này.

Hi vọng với những phương pháp ở trên sẽ giúp các bạn chuyển hóa nỗi đau phản bội để trở về với cuộc sống an lạc, hạnh phúc.

Diệu Trang/Nguồn Blog Phật Giáo

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...