CẦU ĐƯỢC ƯỚC THẤY

Xưa, có một chúng sanh đang chịu quả khổ ở địa ngục. Trong cơn đau tận mạng y niệm Phật luôn miệng, van:

- “Xin Ngài cứu con thoát khỏi cái chảo dầu sôi này. Làm thân ngạ quỷ cho đỡ khổ hơn...”

Bụt và Diêm vương nghe van mủi lòng, bèn cho y được như nguyện.

Làm ngạ quỷ được vài hôm, y lại kỳ kèo:
- “Xin Ngài làm phúc cho con được làm thân súc sanh, một con chó... cũng được, chứ làm ngạ quỷ... khổ quá trời ơi!

Y liền được mang thân một con chó tên là Nô. Nô lại than van:
- “Hỡi ơi! Thân chó nào có sướng ức gì... ước chi con được thân người... Gâu... gâu... gâu!

Nô liền được như nguyện... mang thân một chị đàn bà xấu xí, bán ve chai sống qua ngày. Chị ve chai lại rên rỉ:
- “Trời Phật ơi! Khổ thân tôi xấu xí thế này sống chi thêm cho nhục... ước chi tôi dễ coi một chút để kiếm một ông chồng mà nương tấm thân liễu yếu. Hu, hu!

Chị ve chai lại biến thành một thiếu nữ khá mặn mà... Và có vô số anh hùng rấp ranh bắn sẻ. Sau mấy năm kén cá chọn canh, treo cao giá ngọc, chị lên xe hoa với một người trong mộng. Mười năm sau chị lại than thở:
- “Trời ơi, chồng với con ước gì tôi được như thời con gái, không có cả đống phụ tùng rắc rối, tui sẽ cạo đầu vô chùa tu quách. Ư hự!

Cầu được ước thấy, Bụt lại ra tay chị trở thành một tu sĩ.

Ngồi bó rọ trong chùa, một hôm người ta nghe sư cô này loay hoay tính toán than van:
- Phải chi có ai tu giùm, mình ké vô để thành Phật thì sướng biết mấy.

Cô chưa kịp ao ước thì bỗng bắt được cái điện tín của Diêm vương gởi qua cái răng sâu... và cả tiếng thì thầm của bọn quỷ sứ dưới âm phủ:
- Tâu Diêm chúa, chảo dầu này hai đứa con chụm sắp sôi rồi, chừng nào Diêm chúa lôi cái tên đa sự đó về đây?

*******
Thực tế thì chẳng có câu chuyện nào lạ lùng viễn tưởng như vậy. Tuy nhiên xét cho cùng thì bản năng tự nhiên của con người cứ mãi luôn thích hưởng thụ. Nhưng bản chất của hưởng thụ lại là sự thoả mãn các cảm xúc tạm thời, chứ không hề mang lại các giá trị lâu bền.

Anh em một nhà với chú hưởng thụ là cô lười biếng. Như một cô mèo mướp cuộn tròn mãi trong bếp tro ấm, cô nàng khó mà cưỡng lại cảm xúc ấm êm để rời bỏ mặc dù bụng đang đói. Lười biếng là một thói quen, một thói quen không muốn tách mình ra khỏi cảm xúc cạn cợt để vươn vai tìm tới những cảm xúc khác sâu sắc hơn.

Những người mang tật lười biếng thường làm thì ít nhưng lại muốn hưởng nhiều, thích dựa vào kẻ khác nâng đỡ hay cầu vận may mà không chịu nổ lực của tự thân. Luôn lánh nặng tìm nhẹ hoặc trong chờ mưa móc từ kẻ khác. Như các tín đồ nặng mầu sắc tín ngưỡng mê muội. Tháng tháng cứ thẻ hương, bọc trái cây nho nhỏ tới chùa, tới đền thắp hương lễ bái râm lâm khấn nguyện cầu mong đủ thứ. Chẳng biết lời cầu xin thông qua hệ thống GPRS, ADSL hay mạng FPT có tới tai Thần Thánh, Phật tổ không, nhưng rõ ràng bỏ ít mà muốn cầu nhiều là đây.

Chưa kể những tay thầy bói, thầy tướng....đánh vào một trong những tâm lý này mà tha hồ khai thác những câu phán bảo có cánh để cho gia chủ tha hồ ngóng cổ trông chờ một điều kỳ diệu, một phép lạ xuất hiện nay mai mà chả cần mó tay sờ đụng việc gì hết.

Phi nhân quả quá! Phải chăng do lười? Lười tư duy, lười nhận thức, lười phân tích về tính chất muốn tạo dựng cuộc sống phải dựa trên môi trường nhân quả, nên cứ mãi trôi lăn với thái độ trông ngóng qua bao mùa mưa bão mà lười vẫn cứ lười.

Thường những kẻ chay lười thì không bao giờ có đời sống ổn định. Kẻ chay lười cũng đồng nghĩa sống không có lý tưởng phấn đấu và hứng thú bước tới phía trước bằng đôi chân của mình. Dù cho mười năm, hai mươi năm trôi qua, có nhìn lại họ thì cũng chẳng thấy họ thay đổi được gì...