VÌ SAO CÓ NGƯỜI RẤT THÀNH TÂM BÁI PHẬT NHƯNG VẪN GẶP KHỔ NẠN?

Phật Pháp vô biên, cũng là điều nhiệm màu nhất trên trần thế. Rất nhiều người tu Phật nhưng lại không thông suốt được rằng tại sao mình thành tâm bái Phật nhưng lại gặp khổ nạn, cũng vì đó mà mất đi tín tâm vào tu luyện.

Câu chuyện kể rằng:

Một ngày nọ, vị sư trụ trì này nhận được một bức thư của một người cư sĩ gửi đến. Nội dung bức thư của người cư sĩ này như sau:

“Kính gửi thầy! Con có một vấn đề muốn hỏi thầy, rất mong được thầy khai sáng! Đệ tử là người ăn chay niệm Phật đã nhiều năm. Trong kinh Phật có nói rằng: Người thành kính tin Phật sẽ được Thần Phật bảo hộ. Những ác nghiệp mà trước đây mình gây ra cũng sẽ được dần dần tiêu trừ đi theo thời gian, cho dù thế nào thì cũng không nguy hại đến tính mạng. Con tin tưởng rằng những điều này quyết không phải là nói một cách vô căn cứ.

Thế nhưng mà, vào giữa tháng 3 năm nay, con có nhận được một tin buồn từ người thân ở phương xa báo đến. Người chết là một Phật tử vô cùng thành kính Phật. Bà ấy ăn chay đã hơn 20 năm, thường xuyên đọc các loại kinh sách. Thường ngày, bà ấy rất hay khuyên bảo mọi người tin vào Phật, lòng dạ rất từ bi, thường làm việc thiện giúp đỡ mọi người. Không ngờ, hôm đó bà ấy đi đưa đồ cho một người, trên đường đi bị xe ô tô đâm vào và qua đời.

Con nghe được tin này, trong lòng cảm thấy vô cùng kinh ngạc và sợ hãi, thậm chí đến bây giờ còn nghi hoặc, không có cách nào lý giải, trong lòng cảm thấy rất bất an.

Cho nên, con rất mong ngài hãy nói cho con biết tại sao lại có việc như vậy xảy ra?”

Vị sư trụ trì sau khi nhận được thư của người cư sĩ này, đã gửi một bức thư trả lời có nội dung như sau:

“Ta nhận được thư của con và biết rõ con có niềm tin vào Phật Pháp nhưng chưa hiểu rõ ràng minh bạch. Chúng ta từ trước đến nay, ai ai cũng đều làm vô cùng nhiều việc ác. Trong kinh có viết đại ý rằng: Nếu như ác nghiệp mà chúng ta gây ra có hình dạng hoặc thể tích thì cho dù có một không gian lớn như không gian bao trùm mười phương cũng không chứa nổi.

Nhưng, chúng ta cũng biết rằng, một người nếu thành tâm tu luyện thì có thể chuyển nghiệp. Người đó có thể chuyển hóa quả báo nghiêm trọng mà kiếp sau phải chịu thành quả báo rất nhỏ phải chịu trong kiếp này. Người phàm phu mắt thịt như chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những sự tình tốt xấu trong kiếp này, không thể thấy rõ nhân quả kiếp trước cũng như tương lai.

Chúng ta có thể khẳng định rằng: Làm việc ác nhất định sẽ phải chịu ác báo, làm việc thiện nhất định được thiện báo. Nếu như người đời này làm việc thiện mà lại bị ác báo thì là do ác báo nghiêm trọng của kiếp trước gây ra, thiện báo của kiếp này chưa đủ để tiêu trừ đi, chứ không phải chỉ tính riêng đời này mà thôi.

Mọi người nhìn thấy, bà lão ấy một đời hành thiện mà lại phải chịu quả báo như vậy, trong tâm liền cho rằng làm việc thiện không được thiện báo. Vì có cách nghĩ sai lầm này, cho nên mọi người mới thấy hoảng sợ và hoài nghi. Nếu đã học Phật Pháp mà lại có cách nhìn như vậy thì cũng giống với người không học theo Phật Pháp.

Trong cuộc đời mỗi người, nghiệp lực mà mình gây ra có thể nói là trùng trùng điệp điệp, nghiệp này nối tiếp nghiệp kia. Việc thiện hôm nay chúng ta làm có thể còn chưa phát sinh thiện báo nhưng nghiệp mà trước kia chúng ta gây ra thì đã đến lúc phải hoàn trả rồi nên sẽ lập tức sinh ra quả báo.

Người hiểu rõ đạo lý này, cho dù gặp bất kể việc gì đều cũng không hoài nghi về nhân quả hay hoài nghi Phật Pháp.”

Trước đây ở Ấn Độ có một vị sư, đức cao một thời, nhưng bởi vì kiếp trước ông tạo quá nhiều ác nghiệp nên mắc rất nhiều bệnh nặng. Ông vô cùng đau khổ đến mức không thể chịu đựng được nên muốn tự sát.

May mắn, ông gặp được Đức Phật khuyên răn: “Ngươi trước kia từng nhiều đời làm quốc vương, nhưng làm hại chúng sinh, đáng lẽ phải trường kì đọa đày trong ác đạo. Tuy nhiên, bởi vì ngươi một lòng theo Phật nên mượn một chút thống khổ của nhân gian (bệnh tật) mà tiêu diệt đại khổ lâu dài trong địa ngục. Ngươi nên nhẫn nại mới phải!”

Người không rõ nhân duyên kiếp trước, đều sẽ nói rằng vị sư này không phải là cao tăng chân chính nên mới mắc bệnh nghiêm trọng như vậy. Hoặc có người sẽ nói: “Nhìn xem, một người tu hành như vậy mà cũng mắc trọng bệnh, Phật Pháp còn có gì là linh nghiệm hay lợi ích đây?” Người không có thiện căn sẽ vì điều này mà rời xa tâm tín Phật hay là hoài nghi về nhân quả báo ứng.

Kỳ thực, đây đều là do nhân kiếp trước tạo thành. Người đời này làm việc thiện, có thể đem hậu quả nghiêm trọng của kiếp trước biến thành quả báo rất nhỏ phải chịu trong kiếp này. Đương nhiên, người làm chút việc ác ở kiếp này cũng sẽ có thể tích tụ lại mà chuyển thành quả báo nghiêm trọng phải chịu ở kiếp sau.

Mong rằng, mọi người đọc xong sẽ có chỗ minh bạch!
Theo DaiKyNguyenVn