Có hai chú ếch bị rơi vào một thố kem
tươi rất lớn và rất sâu. Một trong hai chú ếch là kẻ lạc quan, còn chú ếch kia
thì ngược lại.
- Chúng ta chết đuối mất - Chú ếch bi
quan rên rỉ, rồi kêu lên tuyệt vọng: Vĩnh biệt.
Chú buông xuôi và chìm dần xuống.
Chú ếch còn lại nói kiên định:
- Mình không thể nhảy ra nhưng mình cũng
sẽ không bỏ cuộc. Mình sẽ bơi đến khi nào kiệt sức, rồi mình chết cũng hài
lòng."
Một cách can đảm, chú ếch bắt đầu bơi để
thực hiện dự định của mình. Chú ếch càng bơi, chân càng quạt mạnh thì kem tươi
càng bị khuấy nên đọng lại thành bơ. Cuối cùng, chú ếch nằm ngay trên mặt bơ.
Chú dễ dàng nhảy ra.
……………………………
Ta hay nhìn vào bất kỳ hoàn cảnh hoặc
tình huống nào đang xảy ra trong thực tại bằng thói quen và kinh nghiệm mà mình
đã tích lũy được trong quá khứ. Có thể do một số kinh nghiệm cũ thích ứng phần
nào với tình trạng thực tại, nên ta thường rất tin tưởng và tự hào về sự thông
minh và nhạy bén của mình, mà không chịu khám phá hay xét nét cẩn thận.
Nếu quan sát kỹ và công tâm nhìn nhận ta
sẽ thấy cũng không ít lần mình đã tuyên đoán sai và có những bước trượt rất
đáng tiếc trong quyết định. Bởi vì mọi sự vật sự việc trong vũ trụ này vốn
không ngừng vận động, có khi nó biến chuyển nội dung bên trong nhưng cũng có
khi thay đổi cả hình dáng bên ngoài. Nó có thể hay hơn hoặc tệ hơn, chứ không
bao giờ giữ nguyên một trạng thái.
Nhưng cuộc sống quá bận rộn nên ta thường
không có nhiều thiện chí để nhìn bất cứ đối tượng nào cũng bằng tâm thức mới, sử
dụng những trải nghiệm đã qua, những kinh nghiệm đã cũ có vẻ như khỏe và mau
chóng giải quyết được vấn đề, và kết quả như thế nào thì may nhờ rủi chịu.
Cho nên, không phải chú ếch bi quan rơi
vào tâm lý tuyệt vọng thôi đâu mà hầu hết chúng ta đều không có thói quen tách
rời kinh nghiệm và trải nghiệm cảm xúc cũ của mình khi quan sát thực tại, chính
vì thế mà chúng ta vẫn thường rơi vào nhận thức sai lầm và đánh mất đối tượng.
Như trong quá khứ ta đã từng bị thương tổn
về tình cảm, cái vết thương ấy sẽ khắc ghi sâu đậm trong tâm thức, nên khi muốn
đặt xuống tình cảm với người mới thì ta rất hoang man, lo sợ.
Đó là một lỗi lầm của tâm lý, vì có thể
người mà ta đang tiếp xúc trong hiện tại hoàn toàn khác biệt với người cũ.
Nhưng ta không đủ sức để vượt qua bản năng tự vệ của mình, ta đã cố nhiều lần
nhìn người ấy như chính họ đang là, ta đã nhiều lần nhắc nhở mình người này
không phải là người trước, và rồi cuối cùng ta cũng vẫn thất bại. Cố nhiên là vết
thương lòng thì khó mà quên được, nhưng thay vì ta cần cho đôi bên những cơ hội
vừa đủ để tìm hiểu nhau và tin tưởng nhau hơn, thì ta lại mang tâm thức nghi ngờ,
thổn thức với những trải nghiệm cảm xúc ấy trong suốt cuộc hành trình chung bước
với nhau.
Đơn giản chỉ là thái độ bám víu vào những
trải nghiệm cũ để áp đặt lên hiện tại. Ngày nào còn bám víu thì ngày ấy chúng
ta còn bi quan, chết chìm trong thùng kem cuộc sống.
Từ kinh nghiệm trải qua đi tới cố chấp
là một khoảng cách rất nhỏ, nếu thiếu bản lĩnh để sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ điều
gì mới lạ xảy ra thì ta sẽ dễ dàng đóng băng những nhận thức mà mình đang có.
Những người bị trải nghiệm đã qua khống chế sẽ không còn cơ hội để thấy được những
giá trị mầu nhiệm của sự sống đang hiện hữu, sẽ trở thành nạn nhân của lối sống
u uất nặng nề, rất dễ đi tới mặc cảm lạnh lùng và bế tắc.
Sống với một người không biết ghi nhận
những chuyển biến của mình, không thấy được mình đang có những sợi tóc bạc trên
đầu hay những khó khăn bế tắc trong lòng, để có một lời an ủi hay giúp đỡ kịp
thời, thì đời sống ấy sẽ rất nhàm chán. Đó cũng là lý do tại sao mỗi khi ta gặp
một người mới thì ta rất hân hoan vui sướng và muốn duy trì mãi giây phút được
quan sát bằng con mắt tinh tế.
Đời sống vốn xuôi theo chiều hối hả, con
người lại bị ảnh hưởng quá nhiều bởi kỹ thuật điện tử nên rất dễ trở thành những
kẻ sống hời hợt và cứng nhắc, cái gì lưu trữ vào não bộ của mình rồi thì không
dễ gì lấy ra. Lối sống ấy là lối sống nhút nhát và tụt hậu, không can đảm mở
lòng ra để cập nhật thông tin mới nhất từ đối phương, thì đừng hỏi tại sao sống
với nhau mà không thể hiểu và thương nhau. Hiểu và thương là một quá trình lắng
nghe và luyện tập chứ không chỉ là vấn để của lý trí. Cho nên chú ếch bi quan
chết dần chết mòn trong thầm lặng.
Nếu một chồi ghép mới không tương thích
với nhựa sống từ cây mẹ thì nó sẽ héo úa và tàn rụi. Chúng ta biết chắc một điều
là sự sống sẽ không dừng lại tại đó và một chồi mới sẽ hé lộ để tiếp tục vươn
mình trong nắng sớm ban mai, với hạt sương đêm long lanh lóng lánh đọng trên
cành lộc biếc.
Cũng như chú ếch cố bơi để có chết thì
cũng chết trong tinh thần lạc quan hơn là chết trong sự tuyệt vọng bi quan.
Thái độ như thế không ngờ lại tạo nên nguồn sống mới.
Đơn giản, nếu bạn không nhảy ra được,
hãy tiếp tục bơi!
- kẻ lắm chuyện -
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...