Những người trẻ
bây giờ thường hay tuyên bố rất hùng hồn: "Tôi không bao giờ ân hận về những
gì mình đã làm". Nghe rất tự tin và bản lĩnh. Làm như thể ân hận là một
thái độ xấu xa, vì ta đã tự công nhận sự thiếu chín chắn và bộc lội sự hèn yếu
của mình vậy.
Sự thật là càng vô tâm hay càng cố tình lẩn tránh trách nhiệm thì
ta càng làm cho tình trạng tồi tệ và khiến ta hèn yếu thêm. Không ai dám xây dựng
mối quan hệ nghiêm túc hay lâu dài với một kẻ chẳng biết chịu trách nhiệm cho
chính mình.
Điều đáng sợ
nhất là ta không bao giờ biết ăn năn hối cải. Thái độ ấy sẽ mở ra cho ta rất
nhiều cơ hội để tàn phá hay hủy diệt chính mình và những người xung quanh.
Tâm lý chung của
hầu hết mọi người khi lỡ gây ra lầm lỗi là luôn muốn tìm cách cứu vãn tình thế.
Mặc dù ta cố gắng nghĩ rằng mình đang gánh chịu trách nhiệm cho những sai trái
do mình gây ra, nhưng sự thật trong thâm tâm ta đang mong muốn khẳng định lại
cái tôi giá trị của mình. Ta muốn loan báo cho người kia biết rằng ta không phải
tệ lậu như thế, hành động nông nổi vừa qua chỉ là một sai lầm nhất thời.
Cho dù hành động
chịu trách nhiệm ấy thật sự hàn gắn được vết thương trong tâm người kia, hay đã
giúp ta lấy lại phong độ của mình trong mắt họ, thì tì vết lầm lỗi trong tâm ta
vẫn còn nguyên vẹn đó. Đáng lẽ, ta phải lo thay đổi phần "gốc" hơn là
khẩn trương giải quyết phần "ngọn". Vì nếu ta vẫn chưa nhìn ra phiền
não của mình để thật sự chuyển hóa thì trước sau gì ta cũng lặp lại lỗi lầm kia
với người ấy, hay gây ra những lỗi lầm khác với đối tượng khác.
Thông thường,
mỗi khi nhận ra mình vừa mới gây ra lầm lỗi, ta vội vàng tìm tới nạn nhân của
mình để phân trần hay làm một điều gì đó để chuộc lỗi. Ta cho rằng đó là thái độ
lịch sự hay có ý thức trách nhiệm. Nhưng ta làm như vậy với mục đích gì?
Dường như ta
chỉ đang khẩn trương tìm cách bù đắp cảm xúc tốt cho người kia, vì ta đã lỡ
mang đến cho họ cảm xúc xấu, với mong muốn họ đừng giận mà đánh giá thấp hay giảm
đi thiện cảm đối với ta mà thôi. Ta mang đến người kia một cảm xúc tốt đồng thời
lại mong muốn được nhận lại một cảm xúc tốt thì đó chỉ là một sự trao đổi.
Hành động xin
lỗi như thế cũng vì bản thân mình chứ không thật sự muốn chữa lành vết thương
trong tâm người kia. Chính vì thế mà những người tinh ý thường không dễ dàng chấp
nhận những lời xin lỗi thiếu thành khẩn, hay cốt ý chỉ làm cho họ vui lòng.
Thái độ xin lỗi ấy đôi khi còn khiến cho vết thương trong họ sâu đậm thêm. Bởi
chiếu theo quy luật cân bằng cảm xúc, họ mới vừa đón nhận một cảm xúc xấu do ta
đem đến, bây giờ họ phải cố gắng tạo ra cho ta một cảm xúc tốt bằng thái độ tha
thứ và vui vẻ, thì rõ ràng họ đã quá thiệt thòi.
Trước khi muốn
thể hiện sự ăn năn hối cải, ta hãy nên tự hỏi mình đã thật sự nhìn ra lầm lỗi
chưa và tại sao mình lại hành xử tệ lậu như vậy? Ta đừng cố gắng trình diễn bằng
những màn thật cảm động để mong khôi phục giá trị cao đẹp của mình trong mắt
người kia, vì như thế ta chỉ tiếp tục làm hư tâm mình. "Xin lỗi"
không có nghĩa là xin người kia đừng giận hay đừng ghét bỏ mình. Nó phải là
thái độ cải hối - xin thu lại những lời nói hay hành động sai trái của mình và
xin chịu hết trách nhiệm về chúng.
Cho nên, khi
ta chưa thật sự thấy mình sai trái, chưa muốn nhận lấy trách nhiệm, thì không
nên vội vàng xin lỗi. Tệ hại nhất là ta cố gắng xin lỗi chỉ vì được ai đó khuyên
bảo, hay vì biết người kia đang rất mong đợi lời xin lỗi của ta. Trừ trường hợp
biết họ đang rất giận giữ và đau khổ thì ta đành vì họ mà chấp nhận mở lời xin
lỗi trước. Tuy nhiên, ta cũng nên thành thật cho họ biết ngay bây giờ ta vẫn
chưa thấy được chỗ sai trái của mình. Xin họ hãy chỉ lỗi giúp ta, hoặc ta hứa sẽ
nhìn kỹ lại mình rồi sẽ trao đổi với họ trong thời gian sớm nhất.
Đạo Phật luôn
khẳng định rằng: "Quay đầu là bờ". Khi ta đã thật sự từ bỏ
con đường tăm tối để bước lên con đường tươi sáng thì sự chuyển hóa đã bắt đầu
xảy ra. Nên ta cứ giữ mức tinh tiến trên hành trình ấy thì thế nào ta cũng đi tới
sự giác ngộ.
Vì thế
"quay đầu là bờ" không có nghĩa là vừa mới hồi tâm phản tỉnh là ta sẽ
giác ngộ ngay lập tức. Mà đó chỉ là lời động viên khích lệ cho những ai khi đã
quay đầu rồi thì một ngày nào đó cũng sẽ về tới bờ. Dù ta đã vụng dại gây ra những
lầm lỗi tày trời, nhưng với quyết tâm thay đổi và có một con đường thật sự đúng
đắn thì những tì vết phiền não ấy được gội rửa và tan biến.
Ta vẫn có thể
trở về với con người lạnh lặn và trong sáng năm xưa. Dĩ nhiên, những năng lượng
độc hại mà ta đã lỡ tạo ra quá nhiều thì không dễ dàng xóa sạch ngay được, nhất
là khi nó đã để lại vết thương sâu đậm trong tâm người kia.
Nhưng với năng
lượng an lành sinh ra từ sự thành tâm hối cải và hành động chuyển hóa tích cực
mỗi ngày, ta vẫn có thể hóa giải dần những năng lượng độc hại ấy. Cho dù phải
nhận chịu quả báo, tức phải trả món nợ cảm xúc, thì ta vẫn đủ sức và vui vẻ chấp
nhận. Vì nó đã không còn quá nặng nề như lúc đầu, nhất là nhờ vào thái độ hướng
thiện lớn mạnh trong ta.