CÁI BƯỚU OAN NGHIỆT

Ngày xưa, có một ông vua.  Như bao nhiêu ông vua khác trong truyện cổ tích, ngài trị vì một giang san gấm vóc, có hằng hà sa số thần dân gương mẫu yêu kính và thờ phụng ngài như thần thánh. Ðức vua có một hoàng hậu, hơn chục bà cung phi và hàng trăm mỹ nữ vây quanh… Nghĩa là ngài không thiếu thốn bất kỳ một thứ phụ tùng cần thiết nào cả. Vậy mà mắt rồng vẫn ủ dột, miệng rồng vẫn u sầu. Không ai biết được duyên cớ nỗi buồn của nhà vua ngoại trừ bác thợ cạo của ngài, nhưng dĩ nhiên là bác đã thề độc rằng sẽ giữ kín điều bí mật đó.

Ðức vua ngày một võ vàng, sầu muộn.  Người ta đoán rằng có lẽ ngài thất tình, thiếu tiền, ưu thời mẫn thế.

Nỗi buồn của nhà vua biến thành một vấn đề thời sự hấp dẫn và nóng bỏng, là nỗi cưu mang nặng nề trong hoàng cung, triều thần và toàn thể nhân dân trong nước.

Một hôm bác thợ cạo của đức vua thình lình lâm trọng bệnh.  Nói nào ngay, bác ta không nặng đến nỗi không thể cạo râu cắt tóc cho nhà vua, nhưng quan ngự y không cho phép bác bước vào hoàng cung sợ lây bệnh cho hoàng tộc và thánh thể.

Sau nhiều đêm đắn đo, đứa vua cho vời một bác phó cạo mới đến cắt tóc cho mình.  Trước khi hành nghề, bác phó cạo được lệnh phải giữ bí mật hệt như bác thợ trước.  Dĩ nhiên là bác ta vâng dạ luôn mồm và gật đầu lia lịa.

Cắt tóc và cạo râu cho đức vua xong, bác thợ mới liền lâm bệnh y hệt như bác thợ cũ: các bác sĩ theo dõi hai bác thợ và ghi nhận họ có triệu chứng bệnh trạng hệt đức vua: mặt mũi buồn rười rượi, bỏ ăn, biếng ngủ, cứ nhìn lên trời và thở dài thườn thượt.

Sau cùng, chịu hết nỗi, bác thợ mới bỏ nhà đi vào rừng.  Bác đi, đi mãi, cho đến lúc nghĩ rằng đã xa hẳn tầm tai nghe mắt thấy của loài người, bác nhảy múa như điên và gào lên bằng thích những điều đã thề phải giữ kín với đức vua.  Xong, bác ra về, lòng đầy phỉ lạc, bác lành bệnh hẳn.

Ít lâu sau, cái trống cổ trong hoàng cung bị đứt dây, rơi xuống và vỡ nát.   Chàng thợ trống của hoàng gia phải tức tốc vào rừng tìm gỗ về làm chiếc trống mới.  Tình cờ anh chàng đi theo lối mòn và đến chỗ mà bác thợ cạo đã trút bầu tâm sự bí mật.

Chiếc trống mới đã hoàn thành.  Ngày khai mạc, đức vua đình thần, hoàng gia cùng thần dân lớn bé đều tụ họp để nghe tiếng trống đầu tiên, họ đồng thanh gởi lên ước nguyện duy nhất: “Thánh thượng được an ổn và vui vẻ.”

Quan thượng thư Bộ lễ trang trọng cầm dùi, giáng vào mặt trống, chiếc trống liền gào lên:

Tùng! Tùng! Tùng!  Ðức vua có cái bướu ở trên đầu… tùng!

Toàn thể đình thần đều biến sắc.  Bàng dân thiên hạ làm ra vẻ nghiêm trang như chẳng nghe thấy gì, chỉ có bọn trẻ con là cười bằng thích, chúng vừa cười, vừa gào lên theo tiếng trống.

Hi! Hi! Hí Ðức vua có cái bướu ở trên đầu… Hi! Hi! Hi!

Trong tình thế trầm trọng đó, đức vua bỗng bật cười… Nghe tiếng cười của ngài, mọi người đều hoan hô và reo ầm ĩ.

So với ân đức của đức vua đã làm cho đất nước, một cái bướu nào có nghĩa gì đâu!  Mọi người đều vui sướng khi thấy nhà vua của họ hoan hỉ, vui tươi thoải mái trở lại.  Chuyện bí mật đã được tiết lộ, hai chàng thợ cạo liền hết chứng bệnh u uất cũ, hội đồng y khoa họp lại và đồng kết luận: “Bệnh do tâm tạo,” chiếc trống của hoàng cung thì cứ vui vẻ reo tùng, tùng, tùng!

Ai cũng quên hẳn cái bướu đi!

Cuộc đời ai không có một hay vài cái bướu chứ. “Nhân vô thập toàn” mà! 

Những khuyết điểm trên cơ thể, những nhược điểm trong tính cách chúng ta là những điều rất bình thường của một con người.

Thực ra khi sinh ra trong cuộc đời, ai cũng muốn sống tự nhiên với phiên bản mà tạo hóa (nghiệp) đã cho chính mình, chẳng ai muốn che dấu những chiếc bướu cả, nhưng vì công việc, vì cuộc sống, vì tạo dựng niềm tin trong mắt người thân, bạn bè xung quanh, vì xã hội hình thành… nên chúng ta loay hoay tìm cách che đậy cái bướu của chính mình.

Để che đậy, giấu nhẹm cái bướu, chúng ta dùng ý chí, các thủ thuật để nhồi nặn tâm mình thành ra một sản phẩm, nắn tạo cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn trong mắt mọi người, để rồi lâu ngày dẫn đến khối u, ung nhọt, dẫn đến kết quả mệt mỏi, u uẩn, không thoải mái như đức vua trong câu chuyện cổ của dân tộc Thái Lan muốn nhắn nhủ chúng ta…

Cho nên nghệ thuật sống bằng trình độ kỹ xảo uốn nắn chính mình thành một kiểu mẫu tốt đẹp nào đó để che dấu sự thật theo thời gian càng làm cho mình nặng nề thêm mà thôi. Biết nhìn nhận và tập đối diện như nó là, có thể hơi sốc một chút đấy nhưng kết quả sẽ như đức Vua thở phào nhẹ nhỏm và bật cười…  “Bệnh do tâm tạo,” chiếc trống của hoàng cung thì cứ vui vẻ reo tùng, tùng, tùng!!!

Cuối cùng chỉ có bọn trẻ con, vì chúng vô tư, nên chúng cười bằng thích, chúng vừa cười, vừa gào lên theo tiếng trống:

Hi! Hi! Hí Ðức vua có cái bướu ở trên đầu… Hi! Hi! Hi!


Lượm rồi lặt