Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng mong muốn
có sự bình đẳng công bằng. Lạ một điều là, lúc êm đềm hạnh phúc chẳng ai than
thở kêu ca, đến lúc trở ngại thì than vắn thở dài, kêu trời trách đất. Nói đến
luật nhân quả, thì bất kỳ người Phật tử nào cũng tin rằng rất công bằng và công
lý, không thiên vị ai, thực tế trong đạo Phật ngày nay, đa số thường sống và
làm ngược niềm tin ấy. Tại sao nói điều đó, bởi vì:
Những hình thức cầu an, cầu siêu, lạy Phật,
tụng kinh, niệm Phật là những hình thức đi trái với luật nhân quả. Nếu chúng ta
tin có quy luật nhân quả công bằng, gieo nhân nào gặt quả đó thì cần gì phải tụng
kinh, lạy Phật, niệm Phật, cầu an, cầu siêu làm gì, ai gieo nhân gì thì sẽ gặt
quả đó, có tụng kinh, lạy Phật, niệm Phật, cầu an, cầu siêu cũng đâu có ích gì
đâu. Vậy thì tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, cầu an cầu siêu chỉ mất thời gian,
và làm cho thân tâm mệt thêm thôi...
Nếu cầu cúng, tụng niệm, lạy Phật có hiệu
nghiệm thì chắc có lẽ trên thế gian này rất nhiều tội phạm, họ cứ đi làm ác rồi
cầu cúng, tụng niệm, lạy phật cho tai qua nạn khỏi. Lúc đó không còn ai sợ quy
luật nhân quả nữa. Tất cả đều xem thường quy luật nhân quả.
Nếu chúng ta niệm Phật để Phật giúp tai
qua nạn khỏi thì khác gì Phật xem thường quy luật nhân quả. Vậy thì đức Phật dạy
nhân quả để làm gì khi mà lời nói không đi đôi với việc làm. Còn Phật Thích Ca
chỉ dạy các con phải tự đốt đuốc lên mà đi, Ta không thể đi thay các con được.
Mỗi người phải tự cứu mình, mỗi người phải chịu trách nhiệm với việc làm của
mình.
Ai hiểu rõ nhân quả thì sẽ thấy rõ ràng
đạo Phật ngày nay dạy con người làm nhiều chuyện trái với quy luật nhân quả, vô
tình hay hữu ý biến nhân quả thành thuyết định mệnh.
Giảng dạy tuyên nói về nhân quả thì nhiều
nhưng ai cũng làm trái nhân quả. Khi sống thì tham sân lúc chết chỉ mong để được
rước về thế giới Thiên đường, Tây phương Cực lạc.
Hiểu thế nào cho đúng???