- Thưa ngài Cù-đàm, đệ tử của Ngài chết, Ngài có thể cầu nguyện cho họ lên thiên đường được
không ?
Phật không đáp mà hỏi lại:
- Nếu đệ tử của các ông chết, các ông có
thể cầu cho họ lên thiên đường được không ?
- Được.
Phật liền đưa ra một ví dụ:
- Giả sử có người đem một tảng đá lớn để
trên miệng giếng, rồi thỉnh hai ba chục vị Bà-la-môn đứng xung quanh cầu nguyện
cho vị ấy xô tảng đá xuống giếng, tảng đá nổi không chìm. Quí vị Bà-la-môn có cầu
nguyện được không ?
Người Bà-la-môn đáp:
- Cầu không được.
Phật hỏi:
- Tại sao ?
Người Bà-la-môn đáp:
- Vì đá nặng, rớt xuống nước là chìm, dầu
cho hàng triệu người cầu nguyện nó cũng không nổi được.
Phật lại hỏi tiếp:
- Giả sử có người đem dầu đổ xuống giếng,
rồi mời các vị Bà-la-môn cầu nguyện cho dầu đừng nổi mà chìm dưới đáy giếng,
các vị có cầu được không ?
Người Bà-la-môn trả lời:
- Không được.
- Tại sao ?
- Vì dầu nhẹ nên nổi ở trên mặt nước,
không thể chìm dưới đáy giếng được.
Phật nói:
– Cũng vậy, nếu người tạo thập ác là cái
nhân đọa vào đường ác, làm sao cầu nguyện cho họ lên thiên đường được. Người tu
thập thiện đã tạo cái nhân lên thiên đường, dù cho người ác ý muốn cầu cho họ
xuống địa ngục, họ vẫn lên thiên đường.
Vậy mà đa số Phật tử bây giờ tu thì
không tu, cứ mãi lo làm ăn, đua đòi theo tài sắc danh lợi. Đến khi gần chết, sợ
quá, thỉnh các thầy các cô cho đông, để cầu nguyện lên thiên đường hoặc về Cực
lạc. Cầu nguyện có được thành tựu không ? Chắc là không thành tựu. Điều này Phật
đã nói quá rõ là tạo nhân thì sẽ thọ quả. Thế nên muốn không đọa địa ngục, thì
không gì hơn là trong hiện đời, mười điều ác phải chừa bỏ; chừa mười điều ác
thì bảo đảm không xuống địa ngục, mà còn sanh về cõi lành nữa.
Đừng ỷ lại vào người khác hoặc hy vọng ở
sự cầu nguyện, điều này không bảo đảm. Tôi lấy ví dụ để quí vị dễ thấy. Giả sử
như quí vị muốn cho mọi người thương mến mình, thì quí vị phải ăn ở tử tế với mọi
người, sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần, niềm nở vui vẻ khi tiếp họ, như vậy mới được
người thương mến. Muốn cho mọi người thương mình mà ăn nói cộc cằn, xử sự với
người thô bỉ chẳng có lòng nhân giúp đỡ ai cả… Chắc chắn là không ai cảm tình.
Điều này rất là cụ thể.
Như vậy muốn cho mọi người thương mến,
chúng ta phải tạo duyên vui vẻ, tử tế, giúp đỡ người. Thiếu những duyên ấy thì
điều mình muốn không thể thành tựu. Ngược lại, nếu tạo duyên cộc cằn, vô lễ, xấu
xa với mọi người, dù không muốn người ghét người vẫn ghét. Vậy mọi người thương
mến mình cũng do mình tạo duyên, hoặc bị người giận ghét cũng do mình tạo
duyên, chớ không do ai khác, không có Phật Trời nào can dự vào các việc này.
Người hiểu lý nhân duyên trong cuộc sống hằng ngày, trong sự tương giao với đồng
loại, biết cách cư xử hợp đạo lý thì mình được an người cũng được vui.....
(Trích
Bản ngã là gốc khổ đau và bất công - TS Thanh Từ)