VÌ SAO KINH TẾ PHÁT TRIỂN CAO THÌ ĐẠO ĐỨC LẠI ĐI XUỐNG

Kinh tế thị trường phát triển ngày càng cao mang đến cho con người cuộc sống tiện nghi và đầy đủ hơn bao giờ hết, đặc biệt là về mặt vật chất: được ở nhà đẹp, phương tiện đi lại thuận lợi, ăn thức ăn ngon và mặc trang phục đẹp…

Chính từ đó, con người bắt đầu thay đổi nhận thức và cảm quan về các giá trị cuộc sống trong xã hội.

Những thay đổi đó bao gồm điều đáng mừng là tư tưởng tích cực, sống tốt đời đẹp đạo với nhiều nhà hảo tâm, nhiều “mạnh thường quân”… nhưng cũng kéo theo điều đáng buồn với suy nghĩ lệch lạc như: Chạy theo đồng tiền, sống ích kỷ hoặc lười lao động, chỉ thích cuộc sống hưởng lạc an nhàn để cuối cùng sa đọa vào những tệ nạn nguy hiểm của xã hội.

Có thể nói, hệ lụy lớn nhất mà những mặt trái của nền kinh tế thị trường gây ra đó chính là thực trạng đạo đức đang bị suy thoái một cách đáng lo ngại. Bức tranh xã hội nghịch lý: Kinh tế cao – đạo đức “thấp” này do đâu mà có? Về vấn đề này, dưới đây người viết xin nêu ra một vài phân tích chủ quan cùng chia sẻ với bạn đọc.

1. Kinh tế phát triển đưa vị thế của đồng tiền lên ngôi

Khi nền kinh tế phát triển cao, tần suất xuất hiện dày đặc của đồng tiền trong vai trò làm phương tiện trao đổi, mua bán đã vô hình chung làm cho con người bị ảo tưởng về sức mạnh của nó rằng đồng tiền có thể “hô mây gọi gió”. Trong suy nghĩ của con người thời buổi hiện đại thì “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, nên trong tất cả mọi vấn đề của cuộc sống, họ có thói quen dùng tiền để giải quyết. Từ xin việc, xin học, đi khám bệnh, đi làm giấy tờ… đều mang tiền đi lót tay với mục đích để cho mọi việc được giải quyết dễ dàng hơn.

Suy nghĩ lệch lạc về đồng tiền chính là mầm mống kiến tạo nên những con người chỉ biết chạy đua vật chất, làm giàu bằng mọi cách bất kể là những công việc phi pháp: Buôn lậu, bán hàng cấm, dùng mọi thủ đoạn để cạnh tranh giành giật quyền lợi cho bản thân. Người có quyền, có địa vị thì kiếm tiền bằng cách: chiếm của công, tham ô tài sản nhà nước để mua xe xịn, xây nhà lầu, cho con cái ăn chơi trác táng…

Có thể hiện tượng nêu trên chỉ là “Con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng đủ để nói lên rằng đạo làm “Vua” và dân trong thời buổi kinh tế phát triển cao đang bị biến dạng. Mối quan hệ vua – lãnh đạo và dân chính là nền tảng cơ bản của một đất nước và có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của xã hội.

Cách đây hơn 2500 năm, chính đức Phật cũng đã chỉ ra rằng: “Dân phải đoàn kết, biết yêu thương tôn trọng lẫn nhau, đồng thời tôn trọng truyền thống và luật pháp thì mới mong đất nước đó hưng thịnh. Còn vua tức người lãnh đạo cầm quyền phải mang tinh thần vô ngã, không tham lam, tư lợi mà phải công minh, chính trực, và công bằng để mang đến cho xã hội những điều tốt đẹp nhất”.

Đây là ý đạo mà có lẽ trong bất cứ xã hội, chế độ nào cũng cần phải có, trong xã hội kinh tế thị trường như hiện nay lại càng cần hơn. Và chỉ có như vậy, khi con người loại bỏ được suy nghĩ “tất cả vì tiền”, sống có ích, đúng đạo lý hơn thì mới mong những giá trị đạo đức của xã hội có đủ sức sống để phát triển và ra hoa kết trái.

2. Nhu cầu của con người ngày càng cao

Con người thông thường là “Được voi đòi tiên”. Nhu cầu được đáp ứng về mặt vật chất không có điểm dừng đã tạo nên thói ganh đua sao cho “bằng bạn bằng bè” trong cái ăn, cái mặc… Người đã giàu thì luôn muốn giàu hơn và người nghèo, người bình thường lại càng muốn được giàu. Chính vì thế, con người trong thời buổi kinh tế phát triển lao vào công cuộc kiếm tiền miệt mài mà quên mất đạo làm con, đạo làm cha mẹ.

Hiện nay, xã hội có một thực tế đáng buồn là con cái không có thời gian chăm sóc bố mẹ già sức yếu vì công việc quá bận rộn; các bậc làm cha mẹ thì bỏ bê con cái, giao khoán cho ông bà hoặc người giúp việc và ngay chính vợ chồng cũng thiếu đi sự khắng khít… Đó chính là nguy cơ lớn nhất dẫn đến mối quan hệ gia đình bị đổ vỡ. Mối quan hệ gia đình hay đạo đức gia đình là khởi đầu của đạo đức xã hội. Chính vì thế, việc giữ đạo, xây dựng các mối quan hệ gia đình sao cho tốt đẹp trong thời đại kinh tế phát triển như hiện nay là một điều rất quan trọng.

“Kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ, cha mẹ thương con, bảo bọc cho con thế thì gia đình ấy được hạnh phúc, xã hội bình an, phương ấy được an ổn không có điều lo sợ” chính là lời răn dạy thâm thúy và ý nghĩa của đức Phật trong Kinh Niết Bàn dù đã cách đây hơn 25 thế kỷ nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho xã hội kinh tế thị trường như ngày hôm nay. Đức Phật còn đúc kết: “Nếu như giàu có như một tỷ phú nhưng luôn lo sợ bị giết, bị mất trộm… thì sẽ không được coi là giàu. Một người giàu có thật sự chỉ khi cuộc sống trong tâm họ thoải mái và sống không có cảm giác lo âu, sợ hãi”.

Vì vậy, chúng ta hãy biết kiềm chế tham vọng, biết bằng lòng với hiện tại để quan tâm chăm lo cho cuộc sống gia đình cả về mặt vật chất và tinh thần. Đó chính là con đường đẩy lùi được vấn nạn suy thoái đạo đức trong gia đình một cách hữu hiệu nhất.

3. Kinh tế phát triển kéo theo nhiều cám dỗ nguy hiểm

Kinh tế phát triển cao tạo ra nhiều cám dỗ nguy hiểm, kích thích lòng tham sân si của con người. Những trò tiêu khiển gây nghiện: Game bạo lực, cá độ, các chất kích thích gây ảo giác như ma túy, thuốc lắc, rượu… là nguyên nhân gây ra hàng trăm vụ án giết người cướp của, trộm cắp, đánh nhau và bạo lực gia đình….

Thêm vào đó, sự du nhập văn hóa từ khắp mọi nơi đã làm cho những giá trị truyền thống bị đe dọa. Nhiều thế hệ trẻ bây giờ có quan niệm muốn chứng tỏ cái tôi độc lập: Không nghe lời cha mẹ, lười lao động sống buông thả, phóng khoáng trong các mối quan hệ hôn nhân: Yêu đương sớm, quan hệ tình dục bừa bãi… Chính sự tiếp nhận văn hóa không có chọn lọc đó đã phá vỡ nguyên tắc ứng xử cơ bản trong đời sống xã hội nói chung và đời sống gia đình nói riêng.

Đức Phật đã dạy về đạo vợ chồng: “Chồng đối với vợ thương yêu, tôn trọng, vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau”. Làm được như vậy thì mới mong gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Vì rằng đạo vợ chồng chính là tiền đề xây dựng gia đình hạnh phúc, là khởi đầu mở ra liên kết cho những phương đạo khác hình thành và phát triển.

4. Môi trường sống thay đổi kéo theo suy nghĩ và lối sống thay đổi

Những căn nhà khang trang kín cổng cao tường tách biệt đã làm cho con người sống khép kín, hờ hững và lạnh nhạt với hàng xóm láng giềng. Hầu như tất cả những hộ gia đình sống ở các thành phố lớn đều thiếu đi mối quan hệ này. Có những gia đình sống trong một con phố, một khu nhà chung cư nhưng chưa một lần hỏi han trò chuyện. Đến khi ốm đau hoạn nạn cũng chỉ có thân ai nấy lo, không hề có sự giúp đỡ, chia sẻ. Bởi lẽ con người khi có của cứ sợ sệt điều này điều kia rồi đâm ra đề phòng, ít giao tiếp và mất luôn cái tình “Tối lửa tắt đèn có nhau” như câu nói của người xưa. Cũng chính vì như thế, tâm lý của nhiều người khi ra đường gặp cảnh bất bình thì không bao giờ dám lên tiếng, thấy người kêu cứu vì bị cướp tấn công thì lạnh lùng vô cảm, thấy người bị tai nạn thì chạy tới “hôi của” mà sống ít giao tiếp, khép kín và đam mê thế giới ảo là phần nhiều.

Sống trong những ngôi nhà lớn, kín đáo nhưng trái tim của con người thì ngày càng nguội lạnh bởi thiếu đi cái tình làng nghĩa xóm, bà con mất phần thân kính. Điều đó đã làm cho đạo đức tốt đẹp xã hội ngày càng đi xuống.

5. Con người có thói ưa hưởng thụ, lười lao động

Khi được đáp ứng đầy đủ về vật chất mà không trải qua lao động con người dễ trở nên lười biếng, không thích làm việc mà chỉ muốn tận hưởng cuộc sống ăn chơi trụy lạc. Nếu cần thiết phải làm việc thì cũng lựa chọn những công việc thật an nhàn nhưng dễ kiếm tiền và đó thường là những công việc phi pháp.

Hệ lụy này ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến thế hệ trẻ, được bố mẹ cưng chiều nên sống ăn chơi đua đòi, lười lao động, không có thái độ học tập nghiêm túc, coi khinh thầy… “Nếu đệ tử kính thuận, cung kính nghe lời sư trưởng, thầy thì thương trò, chỉ bảo dạy dỗ tận tình cho học trò thì nền giáo dục xã hội ấy phát triển, phương ấy vững bền, an ổn không có điều lo sợ.” Câu răn dạy ý nghĩa về cái đạo thầy trò – cái nôi rèn giũa nhân nhân cách con người của đức Phật buộc chúng ta phải suy ngẫm nhiều hơn trong thời buổi hôm nay.

Tóm lại, qua bài viết Vì sao kinh tế phát triển cao thì đạo đức lại đi xuống chúng ta thấy vật chất thay đổi sẽ kéo theo tư duy con người thay đổi. Có lẽ thực trạng con người mải mê chạy theo đồng tiền, sống ích kỷ, tư lợi, yếu ớt trước những cám dỗ và vô tình trở thành kẻ lỗi đạo trong cuộc đời chính là bi kịch lớn nhất của xã hội thời buổi kinh tế thị trường. Thiết nghĩ chỉ cần chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của đạo đức, thực hiện và gìn giữ các mối quan hệ gia đình – xã hội một cách tốt đời đẹp đạo thì cuộc sống này sẽ trở nên tốt đẹp biết bao.

Bích Ngọc/Nguồn Blog Phật Giáo

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...