TRÊN ĐỜI CÓ 4 CÁI NGU

Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu"

Kết tóc se duyên.


Làm mai: ngày xưa, tư tưởng “nam nữ thụ thụ bất thân” ăn sâu bén rễ vào đầu óc các cụ nhà ta, gây chia cách “sức hút” tự nhiên của tình cảm nam nữ. Cho nên trai lớn lên tìm vợ gái lớn lên dựng chồng đều phải qua ông mai bà mối. Nó hình thành nên một cái nghề hẳn hoi, được gọi là ông mai bà mối... đứng ra lo cho trai tơ gái lành nên đôi vợ chồng, người làm mai mối giới thiệu về tiểu sử gia đình của bên này cho bên kia và giới thiệu bên kia cho bên này... có khi để thành công thì ông mối bà mai phải nói nhiều cái tốt và hạn chế cái xấu của gái hay trai. Mỗi khi mai mối thành công họ rất được gia đình đôi bên trân trọng, mời lên mâm trên bàn lớn, ngồi ngang vai với ông bà hai bên gia đình... còn gì hơn cái "Ăn trước ngồi trên". Phong tục tập quán quê nếu để ý ta sẽ thấy ngay vai vế của một người trong gia đình, họ tộc... anh nào ngồi bàn trên ắt là ông trẻ bà lớn... anh nào ngồi mâm nhỏ hay phải chạy đi chạy lại thì đó là bậc con cháu.
Những bà mai mối mát tay, giới thiệu đâu được đó, se duyên đâu dính đó... Rồi cưới nhau về đôi trai gái ấm no hạnh phúc, sinh con cháu đề huề... thì tiếng ông mối bà mai càng nổi như cồn, gia đình nào cũng muốn nhờ vào đôi bàn tay mát mẻ đó.

Ưu của cái này là được trọng vọng, ai ai cũng nhớ ơn. Nhưng đời này có phải ai ai cũng hạnh phúc đâu? Cũng có đôi chửi nhau cuối làng mà đầu lang cũng nghe, đánh đập chửi bới... đem các ngôi tổ tiên kể ra trong tràng chửi và ông mối bà mai cũng không thoát... Họ bị khép vô cái tội "kết tóc se duyên". Nếu không có họ thì giờ chắc đời không đốn mạt như vầy... Đúng là phải tội, lúc hạnh phúc họ nào nhớ đến ai? Đến lúc ra chuyện lại lôi ra chửi rủa. Đúng là phải cho cái này là ngu đứng số 1.

Tiền là đây


Lãnh nợ: Ta là người quen rộng biết nhiều, có thể đem cái uy tín của mình đi mượn tiền vay hộ... Nên khi ai đó ta thương ta mến ta quý, thấy ta nghèo khó đi mượn không ra tiền, thấy nghèo khó vậy ai mà dám cho mượn... trong khi ta cũng không có tiền dư cho họ mượn, vậy là đi mượn giúp.

Cái ưu là một người có lòng tốt, thấy người khác khó khăn lại không đành khoanh tay đứng nhìn, phải đứng ra lo giúp cho bạn... (trong khi túi ta ko dư thì tìm túi khác dư tiền để vay mượn  giúp). Cái ngu ở đây là đâu phải ai cũng biết trân trọng, biết ơn người đứng ra giúp mình... không những không biết ơn mà còn vứt nợ cho mượn là quyền ngươi, trả hay không là quyền của ta... vậy là người nào vay người đó phải trả... gồng mình lên để trả nợ.

Nâng niu con chim Cu mồi.


Gác cu: là một hình thức bẫy chim cu bằng lồng bẫy có sử dụng chim Cu mồi. Bẫy chim nó là một thú tiêu khiển thật tuyệt, nhưng cũng có không ít người chọn bẫy chim làm nghề sinh sống. Trong lúc đi bẫy cu gáy thì ta có 1 con cu gáy giả để dụ bọn chim cu gáy đang bay trên trời xuống gần nó rồi mình giật bẫy để bắt. Có phải là lúc nào cũng có đàn Cu bay trên trời nhào xuống liền cho ta bắt đâu? Phải ngồi chầu chực, chờ đợi... đôi khi mắc đái cũng không dám bỏ vị trí... kiến cắn hay muỗi đốt cũng phải cố nằm im... sợ chim Cu đang định nhào xuống thấy mình động đậy nó sợ bay mất thì sao?

Cái ưu là công nhận sự chịu đựng để mong nhận lấy những thành quả tốt đẹp, nhưng cái Ngu là biết có bắt được con Cu hay không mà phải chịu khổ như vậy?

Hát ả đào.

Cầm chầu: là người cầm trống chầu trong hát ả đào, cầm dùi trống để đánh trong hát tuồng ngày xưa, khi đến đoạn nào hay, kẻ cầm chầu khoái chí gõ liên hồi để cổ vũ và để vung tiền ra thưởng cho đào kép. Khi nghe câu hát hay thì gõ trống hoặc để tâng ý của câu hát... Những tiếng trống làm cho ả đào hát vút cao hơn, hay hơn. Nhưng đời có ai khen cầm chầu đánh trống hay? Họ chỉ vỗ tay khi cô ảo đào hát xong... và có khen chỉ khen cô ả đào hát hay. Ông cầm chầu có đánh có gõ hay đi mấy cũng chẳng ai thèm để ý... nhưng anh cầm chầu cứ thử gõ sai gõ không đúng chỗ cần gõ thì người nghe lại chửi ông cầm chầu... làm cho câu hát mất cái hay.

Ưu của cái này là một con người luôn đứng sau, khuất mặt khuất mày... cống hiến nhưng không cần vinh danh, ca tụng... nhưng cái Ngu dại thì không ai bằng.

(nguồn sưu tầm)