Trên phố, một đám đông đang vây quanh một
chiếc xe con đắt tiền, đứng cạnh là một người đàn ông dáng vẻ bệ vê, trong xe
là một người phụ nữ quý phái, đeo kính đen. Người đàn ông khá lớn tuổi, mặc âu
phục hàng hiệu, đi đôi giày bóng lộn, khá lúng túng, tỏ vẻ lo lắng, hết nhìn
chiếc xe lại nhìn đám đông như mong chờ sự trợ giúp từ ai đó.
Nhưng chờ mãi không thấy bất
cứ ai phản ứng, ông ta lên tiếng:
- Trong số các vị, có ai có
thể giúp tôi vặn lại con ốc dưới gầm xe một chút được không? Nguyên nhân là do
bình chứa xăng của chiếc xe có vấn đề, trên đường đi, xăng đã bị rỉ ra ngoài,
vươn ra cả thành ô tô. Từ đây đến trạm bán xăng cũng gần trăm cây số, người đàn
ông thì lại đang có việc gấp nên trông dáng vẻ ông ta như kiến ngồi trên lửa vậy.
Thấy không ai có phản ứng gì, người phụ nữ ngồi trong xe đang thoa son môi, dừng
lại ngó ra và nói:
- Anh cứ rút tiền ra, ai thấy
tiền mà chẳng thích.
Nghe vậy, người đàn ông ngay
lập tức móc ví ra, rút tờ giấy bạc 100 đô la giơ lên cao, nói to:
- Ai đồng ý giúp tôi vặn những
con ốc dưới gầm xe, số tiền này sẽ thuộc về người đó. Có một chú bé phía sau định
bước tới giúp người đàn ông thì một người lớn đứng bên cạnh vội túm lại, nói nhỏ:
- Lời của mấy kẻ giàu có như
hắn ta, khó tin lắm cháu.
Đám đông vẫn im lặng đứng
nhìn. Từ đâu, một chú bé khoảng 12-14 tuổi bước ra, tiến về phía chiếc
xe:
- Để cháu giúp ạ. Sau một
lúc loay hoay dưới gầm xe, các con ốc đã được chú bé vặn chặt lại, bình xăng
cũng không còn rò rỉ như lúc trước.
Chú bé chui ra khỏi gầm xe,
mặt mày lấm lem, đứng nhìn người đàn ông như đang chờ đợi điều gì đó. Người đàn
ông thấy vậy, định tiến lại đưa tờ giấy bạc 100 đô la cho chú bé thì người phụ
nữ trong xe ngăn lại:
- Việc cỏn con đấy mà anh định
trả cho nó 100 đô la thật à, anh rộng rãi quá đấy. Tiền lẻ đây, trả nó 5 đô là
là tốt lắm rồi.
Nói rồi, người phụ nữ
đưa cho người đàn ông một xấp tiền lẻ. Ông ta lại gần và đưa chú bé tờ bạc 5
đôla. Chú bé không cầm tiền, lắc đầu nhìn ông ta. Đám đông thấy hành động thất
hứa của ông ta, liền xì xầm, bàn tán, người lên tiếng yêu cầu ông ta trả đúng
100 đôla như đã hứa cho chú bé.
Thấy mọi người phản ứng dữ dội,
ông ta đành ngậm ngùi nhìn người phụ nữ và rút thêm 5 đô la nữa đưa cho chú
bé.
Chú bé vẫn không cầm tiền và
tiếp tục đứng yên, nhìn người đàn ông.
- Mày là trẻ con thì cần nhiều
tiền làm gì, 10 đô la còn chê ít à! Mày mà không cầm bây giờ, thì ngay cả 5 đô
la ta cũng không đưa cho chú mày nữa đâu đấy.
Cầm lấy! - người đàn ông lớn
tiếng.
- Cháu không quan tâm là cháu
được bao nhiêu, thầy cô cháu đã dạy giúp người khác thì không được nhận tiền
hay bất cứ đồ vật gì của họ.
- Chú bé bình thản trả lời.
- Thế sao mày không biến
ngay đi?
- Cháu đang đợi ông nói hai
tiếng cảm ơn ạ.
- ?????
* * *
Đời là thế! Kẻ muốn được
ơn thì quá nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít. Đếm người biết ơn dễ hơn người vô ơn,
vì số này quá lớn. Có những con cháu vô ơn, có những học trò vô ơn, có đủ thứ
người vô ơn.
Làm ơn có thể không đòi trả
nghĩa. Nhưng đã chịu ơn là phải biết ơn. Cho đi có thể không mong nhận lại.
Nhưng đã nhận là có bổn phận phải trả đáp.
Trả đáp trong biết ơn không
có nghĩa một sự bồi hoàn đổi chác, nhưng là một sự tỏ bày điều mình nhận biết về
giá trị vật chất và tình thân của ơn nhận được.
Bổn phận biết ơn phải
tương xứng với các giá trị của ơn nhận được. Nếu chẳng thực hiện được tương xứng,
thì ít ra cũng có một mức tối thiểu nào. Hoặc một lời cảm ơn, hoặc một cử chỉ
chứng tỏ mình hiểu biết. Làm thế không phải vì người làm ơn cần, nhưng vì chính
người chịu ơn cần. Cần biết ơn để mình xứng đáng là người hơn, để mình xứng
đáng phần nào với ơn nhận được, để mình xứng đáng có thể được lãnh nhận thêm.
Nếu chúng ta tưởng mình không chịu ơn
ai, thì chúng ta đã lầm lớn. Vì cuộc đời chúng ta nằm trong những liên đới chập
chùng. Chúng ta chẳng cho đi được bao nhiêu nhưng đã nhận được quá nhiều. Thử một
ngày ngưng nhận được những ơn đó, chúng ta sẽ lập tức trở thành bơ vơ, nghèo
nàn khốn đốn.
Nếu chúng ta tưởng rằng mình không mắc nợ
ai, thì chúng ta lầm lớn. Con người của chúng ta, từ vật chất đến tinh thần,
đã, đang, và sẽ được xây dựng bằng biết bao công ơn của người khác. Suốt dọc đời,
chúng ta đều ghi dấu của biết bao nhiêu bóng người đã ghé lại.
Nếu chúng ta tưởng chúng ta đã trả ơn đối
với mọi người làm ơn cho chúng ta, thì chúng ta lầm lớn. Tiền bạc, đồ vật có thể
trả, nhưng ân nghĩa và tình thương làm sao trả đúng được.
Mỗi ngày nhìn lại, mỗi năm nhìn lại,
chúng ta thấy mình vị tha hơn, có nhận thức cuộc sống tích cực hơn, có thái độ ứng
xử nhẹ nhàng tươi mát hơn, trái tim được nong rộng thêm.... tóm lại sự lớn lên
của chính mình không phải là sự nổ lực của tự thân sao? Không phải!
"Cuộc sống là sự va đập".
Dù cứng dù mềm, dù suông sẻ hay khó khăn, dù trái lỗ tai, gai con mắt....thì
cũng là những mồ hôi nước mắt do vô tình hay cố ý, trực tiếp hay gián tiếp và
những tận tâm của bao người đã làm cho cuộc đời chúng ta trưởng thành hơn, đẹp
hơn là những gì thiêng liêng cao quý.