Có hai người cùng trồng cây dương trên vùng đất cát, khô cằn. Một
người siêng năng tưới cây mỗi ngày dù cho trời mới vừa trổ mưa. Người kia thì cứ
tà tà, ban đầu chăm sóc rất kỹ, càng về sau thì hạn chế dần sự tưới tẩm cho
cây, nếu thấy cây nào bị ngã thì tiện tay anh mới đỡ lên.
Trong hai người này, một người thì quá siêng năng tưới tẩm, một người
thì chỉ tưới lúc ban đầu cho cây đủ sức, sau lại hạn chế chăm sóc, dưỡng trồng.
Thời gian trôi qua gần ba năm, những cây dương đều đã lớn bằng bắp chân con người.
Mọi người nhìn thấy rừng cây của anh chăm tưới thường xuyên xanh
tươi, đều đặn hơn. Như chứng minh sự vững vàng giữa hai cách trồng, bỗng dưng giông
tố đêm đó kéo đến, rồi mưa to gió lớn liên hồi cả đêm.
Sáng hôm sau, hai người ra xem cây trồng của mình ra sao? Phía rừng
cây của người siêng tưới bị gãy cành, tróc gốc, ngã đổ, nằm nghiêng, sóng soài
trên đất. Ngược lại, rừng cây của anh chăm sóc lơ là chỉ bị gãy cành, rụng lá,
chẳng có cây nào bị mưa quật ngã.
Ai cũng ngạc nhiên lấy làm khó chịu vì có chuyện lạ đời như vậy. Sở
dĩ cây của anh bị ngã đổ nhiều là do anh siêng năng tưới và bón phân nhiều quá
nên rễ mọc nông, hợt hợt bên trên.
= = = = = = =
Thật ra, trồng cây cũng như giáo dục con người. Nếu cha mẹ lo cho
con cái quá đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết sẽ tập cho con quen tính lười biếng và
sống ỷ lại vào gia đình nhiều hơn. Cho nên, những đứa con như vậy không bao giờ
trưởng thành trong đời, vì căn bệnh biếng nhác ỷ lại.
Đây là sự thật dẫn đến một số người có quyền cao chức trọng, mà
không có khả năng thật sự để đảm đương công việc. Vì sao? Vì họ chỉ mua bằng cấp,
hoặc và nhờ vào thế lực của người thân. Cha mẹ nào lại chẳng thương con, nếu để
cho chúng muốn gì được nấy mà các bậc cha mẹ không cần tìm hiểu nguyên nhân thì
e rằng đứa con đó sau này lớn lên chẳng làm nên tích sự gì. Nếu có thì cũng chỉ
làm khổ mọi người mà thôi.
Cũng vậy, trong cuộc sống, nếu ta quen ăn sung, mặc sướng, sống ỷ lại
nhờ vã vào người khác mà ta không tự nổ lực hoàn thiện chính mình, thì ta sẽ chịu
chết chìm trong si mê, sa đọa. Ta đã chấp nhận đánh mất đi sức mạnh vô song
đang tiềm ẩn bên mình.
Thường thì những cây nằm cheo leo bên bờ vực thẳm khi đã sống được
thì khó mà bị phong ba, bão táp quật ngã. Bởi vì khi muốn tồn tại thì rễ của
chúng phải phải bám sâu vào lòng đất. Con người cũng vậy, phải chịu khó rèn luyện
từ khi có hiểu biết, ai gian nan vất vả từ tấm bé, sống có tinh thần tự lập nhiều
hơn thì bất cứ hoàn cảnh nào, dù khắc nghiệt tới đâu họ cũng vươn lên, vượt qua
cạm bẫy cuộc đời.
Hình ảnh chú bướm nhỏ được người giúp thoát ra khỏi cái kén quá sớm
đã làm nó mất hết năng lực chịu đựng bền bỉ để làm quen với cuộc sống. Thế rồi
đành cam chịu số phận hẩm hiu mà sống đời tàn phế. Ai sống ỷ lại, nhờ vã vào
người khác mà không chịu siêng năng học hỏi, không chịu sống đời tự lập, kẻ đó
khó mà làm nên sự nghiệp và có một tương lai tốt đẹp.
Đa phần, những con người như thế đều dính vào vòng tệ nạn xã hội. Nếu
không phải là kẻ phạm pháp, thì cũng là kẻ ăn không ngồi rồi. Người này hoàn
toàn không có tâm chí thú làm ăn, nên lúc nào cũng ỷ lại vào gia đình, người
thân. Phần lớn đều là con nhà khá giả sống nhờ vào đồng tiền bất chính của gia
đình, nên quả báo phải trả là con cái bất hiếu và tán gia bại sản. Bởi đồng tiền
mình làm ra không chân chính, sẽ vô cửa trước, lòn cửa sau, cùng nhau chịu
chung số phận khổ đau vì gia đình không có hạnh phúc.
Làm bậc cha mẹ thương con không đúng cách đã vô tình hại con mình.
Từ nhỏ, chúng đã có thói quen ỷ lại, lớn lên chúng bê tha sa đọa cùng bạn bè xấu,
hoặc chứng tỏ đẳng cấp nhà giàu chơi sang lấy tiếng. Cây còn nhỏ không khéo uốn
nắn, thì lớn dễ gãy cành.
Cho nên, làm cha mẹ phải dạy con mình biết quý tiếc thời gian, sống
tự lập không ỷ lại vào người khác. Nếu con cái lỡ vấp ngã một lần, ta có thể tự
tay đỡ dậy, hay hỗ trợ cho nó đứng dậy. Nhưng đến những lần vấp khác, ta phải
chỉ cho chúng cách thức đứng dậy bằng tự lực bản thân. Như trên, chúng ta đã thấy
cách thức trồng cây. Cây xum xê ra nhiều cành nhánh thì dễ bị bão táp phong ba
quật ngã, do rễ của nó không bám sâu vào lòng đất.
Trồng người lại càng khó hơn, bởi chúng ta có nhiều mối quan hệ
tương giao trong cuộc sống, quan hệ gia đình, quan hệ học đường, quan hệ bạn
bè, quan hệ xã hội. Nếu để các em tự do quá đáng trong giao tiếp mà không có sự
kiểm tra nhắc nhở của cha mẹ, thì ta vô tình đưa con mình vào chỗ khốn cùng.
Cho nên, “dạy con từ thuở còn thơ” có nghĩa là cha mẹ khéo sắp xếp,
uốn nắn, chỉ dạy. Khi thấy con trẻ tự tay giết hại các loài vật vô lý, thì ta
phải khuyên nhủ, răn dạy không nên như thế. Hoặc khi thấy con mình có món đồ lạ
đem về nhà, ta phải tra hỏi coi món đồ đó mượn của ai, hay lỡ cầm nhầm của bè bạn
thì ta khuyên con đem trả lại.
Dạy con biết tôn kính, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, siêng năng,
chăm chỉ học hành, biết chọn bạn tốt để thân cận, sống tự lập không ỷ lại, biết
chọn nghề nghiệp chân chính và sẵn sàng giúp đỡ sẻ chia khi có nhân duyên. Cha
mẹ nào khéo biết dạy con cái như thế thì khỏi phải lo vận mệnh tương lai của nó
sau này, vì biết chắc rằng con mình sẽ là người tốt trong hiện tại và mai sau.