CON VOI

Một người đàn ông đi qua chỗ đàn voi đang đứng. Bất chợt ông dừng lại, ngạc nhiên khi thấy những con voi to lớn này chỉ bị cầm giữ bởi một sợi dây thừng rất nhỏ buộc phía chân trước. Không hề có xích sắt, cũng chẳng có chuồng giam.

Có thể thấy rõ, hiển nhiên, lũ voi có đủ khả năng để dứt đứt dây, chạy đi bất cứ lúc nào. Nhưng không hiểu vì sao, lũ voi vẫn chưa làm vậy.

Người đàn ông trông thấy người quản tượng đứng gần đó. Ông hỏi anh ta tại sao lũ voi cứ đứng yên vậy mà không hề có vẻ muốn tháo chạy.

“Ồ”, người quản tượng đáp, “khi chúng còn nhỏ, chúng bé hơn thế này rất nhiều, chúng tôi vẫn dùng loại dây thừng cỡ đó để buộc chúng lại. Ở độ tuổi đó, dây như vậy là đủ giữ chúng rồi. Nhưng khi đã lớn hơn, chúng vẫn tin mình không thể dứt nổi những sợi dây thừng này. Chúng cho rằng, sợi dây thừng ngày xưa vẫn có thể giữ chúng được, thế là chẳng bao giờ chúng có ý nghĩ dứt bỏ dây và chạy đi”.

Người đàn ông vô cùng kinh ngạc. Những con thú đó hoàn toàn có khả năng chạy thoát khỏi sợi dây ràng buộc chúng, nhưng chỉ vì không tin mình có thể, nên chúng vẫn cứ chấp nhận một thực tiễn như đang có.

Ngẫm nghĩ một chút, chúng ta thấy chẳng phải chỉ những con voi trong câu chuyện mới có ý nghĩ như thế đâu mà ngay cả loài người chúng ta cũng không khác chúng là bao nhiêu.

Phải nói niềm tin là một sợi dây tơ bé nhỏ vô hình nhưng có sức cột trói thật bền. Có khi niềm tin đưa con người bước lên đỉnh cao của cuộc sống làm người nhưng đôi khi người ta vô tình thắt chặt đời mình bằng niềm tin thì có khi cứ mãi lẩn quẩn, lanh quanh.

Đến với tín ngưỡng, đến với tôn giáo, người ta luôn có niềm tin rất lớn nơi cái mà cho là “xưa bày nay làm” và khắc sâu vào tâm lý cho rằng đó là giới hạn buộc phải uốn nắn, vặn vẹo thân mình tuân theo, cho đó là những hiểu biết chuẩn xác của những người đi trước, nên ít khi nào người ta dám bứt xích bước ra, dám đặt ra câu hỏi những điều ấy có đích thực là chân lý đúng đắn không?

Tại sao cứ đến dịp cuối năm là chúng ta năm nào cũng đưa ông công ông táo, cúng quẩy đầy đủ. Rồi đầu năm, cũng cầu cũng vái, cũng đã thực hành hết lòng rồi mà cuộc sống vẫn không có sự chuyển hóa tốt đẹp nào, tình trạng “vũ như cẩn”?

Chúng ta đã hình thành thói quen tin tưởng vào sợi dây xích vô hình năm nào và biến chúng thành nơi tin tưởng, thành nơi dựa dẫm an toàn cho chúng ta trong cuộc sống. “Có còn hơn không”, thà làm vậy và cũng chẳng mất mát gì cho lắm thì việc cúng bái cầu khẩn như là một cái cớ che lấp tâm lý mập mờ yếu đuối trong ta.

Tin vào sợi dây xích vô hình là vô tình để niềm tin đi quá xa và như vậy mà chúng ta không ngồi lại kiểm chứng hay không dám kiểm chứng thì đó là thái độ mê tín. Vì niềm tin mê muội chúng ta đã vô tình bóp chết sự tự do nơi chính mình. Một khi sự sống của mình để cho sợi xích vô hình điều khiển thì đó không còn là tự do, là sự sống nữa…….