ĐẠO NÀO HAY NHẤT

Thuở xưa có một ông vua hiền đức, cai trị công bằng, dân chúng trong nước sống thanh bình. Một hôm, dưới sự đề nghị của cận thần tả hữu, vua triệu tập tất cả trưởng lão tôn túc của các tôn giáo trong nước. Khi tất cả có mặt đầy đủ, vua nói:

- Thưa các vị giáo chủ, hôm nay ta mời các vị tới đây bàn luận vì ta muốn chọn một Ðạo trong các Ðạo để tôn lên làm quốc giáo. Ta đặt niềm tin nơi các vị, với sự minh triết xin các vị hội thảo bàn luận với nhau để tìm cho ta một Ðạo nào hay nhất, đáng được hưởng ân phúc của hoàng gia. Ðạo nào cũng được miễn sao mọi người đều đồng ý kính phục, không ai có thể bắt bẻ hay chối cãi.

Trải qua nhiều năm mà vua vẫn chưa được trả lời, bởi vì ai cũng cho Ðạo của mình là hay nhất, nhưng người khác lại không chịu. Cứ thế mà tranh luận giằng co từ năm này sang năm khác. Rồi một hôm, có một hiền giả du phương ghé qua nước của nhà vua nọ. Sau khi nghe chuyện nhà vua tìm một Ðạo hay nhất mà chưa ra, bèn đến xin yết kiến nhà vua:

- Tâu bệ hạ, tôi có thể chỉ cho bệ hạ một Ðạo hay nhất mà không ai có thể bắt bẻ hay chối cãi được.

Vua nghe qua rất đỗi vui mừng vì hy vọng của mình sắp được toại nguyện sau bao năm dài trông đợi.

- Thật vậy sao! Xin hiền giả hãy nói cho ta nghe ngay lập tức. Ta đã chờ giờ phút này quá lâu rồi!

- Xin bệ hạ kiên nhẫn một chút. Tôi sẽ tiết lộ cho bệ hạ tên của Ðạo này ở một nơi thật yên tĩnh vắng vẻ. Ðúng trưa mai xin hẹn bệ hạ ở bờ sông Hằng, chúng ta sẽ vượt sông qua bờ bên kia và ở đó tôi sẽ nói cho bệ hạ biết tên của Ðạo này.

Sang ngày mai, đúng hẹn, vua và vị hiền giả gặp nhau tại bờ sông Hằng. Vua ra lệnh cho một chiếc thuyền đến gần để chở hai người sang bờ bên kia. Khi chiếc thuyền đến gần, vua sửa soạn bước lên thì hiền giả chặn lại, nói rằng ông ta muốn khám xét lại chiếc thuyền coi có tốt và bảo đảm không.

- Chiếc thuyền này không được vì có một miếng ván bị nứt ở dưới đáy, nước có thể tràn vào. Hiền giả thưa.

Vua lại gọi chiếc thuyền khác đến. Sau khi khám xét, vị hiền giả tìm thấy vài miếng ván bên hông thuyền hơi lỏng vì thiếu đinh. Nhà vua lại gọi một chiếc khác đến. Sau khi khám xét kỹ càng, hiền giả lại từ chối vì lý do nước sơn của thuyền đã bị tróc.

Cứ như thế, vua gọi hết chiếc thuyền này đến chiếc thuyền khác, chiếc nào hiền giả cũng moi ra được khuyết điểm. Dần dần nhà vua mất kiên nhẫn, chiều đã qua, hoàng hôn sắp đến. Sau cùng vua không nhịn được nữa:

- Thưa hiền giả! Từ trưa tới bây giờ, ta đã gọi biết bao nhiêu chiếc thuyền, chiếc nào ngài cũng từ chối hết. Xin hỏi ngài, thuyền tróc sơn một chút hoặc thiếu vài ba cái đinh thì đã có sao? Nó vẫn có thể đưa mình qua sông được kia mà! Sao ngài lại để ý đến những khuyết điểm nhỏ nhặt như vậy.

Lúc bấy giờ vị hiền giả nhìn vua mỉm cười nói:
- Bệ hạ đã tự mình nhận thấy rằng dù có vài ba khuyết điểm nhưng tất cả những chiếc thuyền kia đều có thể đưa mình qua sông được. Cũng thế, tất cả Ðạo trong nước của bệ hạ đều giống như những chiếc thuyền kia.

Đạo nào hướng con người ta đến điều nhân bản – nhân quả là Đạo cần được tôn trọng. Đạo nào khi chúng ta dẫn tâm vào nó thì lợi mình lợi người cần được phát huy.

Con người có trước, Đạo giáo có sau, Đạo là do con người lập ra nên chuyện khuyết lỡ trên triết thuyết hay hình thức là điều bình thường. Vì bản thân con người đã là “nhân vô thập toàn” cho nên đi tìm kiếm sự toàn hảo của nhiều Ðạo, tông phái, dòng tu khác nhau là một điều vô ích, thiếu sáng suốt.

Cứ mãi đi tìm kiếm, khuyến khích các Bậc Đạo sư, Hiền sĩ bộc lộ, phơi bày cái hay, cái tốt của Tôn giáo, Triết thuyết của mình, Đạo của mình, tông phái của mình, dòng tu của mình, chỉ tổ uổng công, mất thời gian, tạo ra hiện tượng moi móc, chỉ trích, phê bình, trù dập lẫn nhau, vì có ai chịu cho mình là Tôn giáo đứng thứ hai đâu. Giá trị của Tôn giáo, Đạo giáo ở chỗ hướng con người ta tìm đến cái chân chính, lẽ phải, cái hoàn thiện, cái hoàn mỹ. Ngày nào mọi người chưa nhận thức và sống theo lẽ phải, điều Chân chính thì cái Thiện cái Mỹ còn xa tít mù.

Người ta có thể nói chuyện cao siêu bóng bẩy, luận bàn triết thuyết tâm linh huyền bí nhưng đạo lý thờ cha kính mẹ, đạo nhân uống nước nhớ nguồn, đạo tình ân sâu nghĩa nặng không thực thi giữa đời thường thì đi tìm kiếm năm non bảy núi mà làm chi. Một quả chuối ăn xong ruột vứt bỏ cái vỏ là lẽ thường tình, nhưng bệ hạ ngẫm nghĩ xem nhờ đâu mà cái ruột chuối được bảo vệ. Thế đấy, một sự biết ơn nhỏ nhoi từ cái vỏ chuối còn được xem là một sự mang ơn còn làm không được thì nói gì cái tuyệt đối cao siêu.

Chỉ hy vọng thế giới loài người mỗi ngày bớt phê bình chỉ trích, chém giết thù hận lẫn nhau. Cùng là thánh địa Jerusalem để hướng về nguồn cội tâm linh, nhưng người Do Thái giáo, Hồi giáo, Ky tô giáo cứ mãi tranh giành, giựt lấy làm của riêng, vậy thì giá trị Tôn thờ, kính Chúa nằm ở chỗ mô. Cùng là ngôi đền Angkor Wat (Đế thiên Đế thích), vậy mà người Thái Lan, người Campuchia bắn giết lẫn nhau để giành lấy thử hỏi giá trị nhân bản- nhân văn, lịch sử ở chỗ nào.

Bệ hạ hãy trở về lo việc triều đình, tiếp tục lấy đức trị dân và khuyến khích dân chúng dù tôn giáo nào, Đạo giáo nào hãy bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Đừng nhân danh Thượng đến tối cao mà tỏ bày sự độc đoán, đừng vì chút khoái khẩu ở ba tất lưỡi mà cắt cổ, băm vằn sinh mạng những loài bé hơn. Bộ lạc Kogi thật sự họ có lý khi nhận là đàn anh của loài người khi họ biết giữ gìn và tôn trọng các giá trị sống từ cành cây ngọn cỏ.

Nghe xong, vua liền phục xuống chân vị hiền giả đảnh lễ. Và khi ngẩng lên, vua sung sướng cảm thấy mình thực sự thấm nhuần sự minh triết.