ĐỐI ĐẦU VỚI SỰ CHÁN NẢN

Ai trong chúng ta cũng từng trải qua những lúc khó khăn khôn cùng trong cuộc sống - cô đơn, nợ nần, mất việc, mất người yêu. Vào những thời điểm đó, chúng ta sẽ tự hỏi làm sao có thể vượt qua được. Thế nhưng chúng ta vẫn đã vượt qua.

Có thể chúng ta mất đi viễn cảnh tốt đẹp về tương lai, và thường vẽ nó lên tối tăm hơn thực tế. Chúng ta sẽ trông vào một tương lai có ít vấn đề và không hiểu sao con người lại có thể vượt qua những gì mà họ đang đối mặt.

Một người chỉ thực hiện cuộc hành trình một ngày thì tại sao phải dự trữ cho cả cuộc đời. Thật không có gì lạ là nhiều người cứ lo cho cả hai mươi năm tới và thắc mắc tại sao cuộc sống lại quá khó khăn đến như vậy. Một ngày chúng ta sống 24 giờ, không hơn. Hôm nay lại lo cho những rắc rối của ngày mai phỏng có ích gì.

Lần tới nếu bạn chán nản, hãy tự hỏi mình những câu hỏi như thế này:
Tôi có đủ không khí để thở không? Có đủ thức ăn để ăn không? (Nếu câu trả lời là "Có" thì xem như tình hình đã sáng sủa rồi!)

Chúng ta thường không thấy là những nhu cầu quan trọng nhất của chúng ta đã được đáp ứng rồi. Tôi thích câu chuyện về người đàn ông gọi điện cho tiến sĩ Robert Schuller. Cuộc đối thoại như sau:

Người đàn ông nói: "Thế là hết! Tôi xong đời rồi. Tất cả tiền đã hết. Tôi đã mất tất cả".

Tiến sĩ Schuller hỏi: "Anh vẫn còn nhìn thấy chứ?"

Người đàn ông trả lời: "Vâng, tôi vẫn còn sáng mắt"

Schuller hỏi: "Anh còn đi được không?"

Người đàn ông trả lời: " Vâng, tôi vẫn còn đi được".

Schuller nói: "Dĩ nhiên anh còn nghe được, nếu không anh đã không gọi điện cho tôi".

"Vâng, tôi vẫn còn nghe được".

"Vậy thì" Schuller nói. "Tôi cho là cái gì anh cũng còn. Chỉ có tiền là mất!"

Một điều khác mà chúng ta nên tự nhắc mình là: "Điều tồi tệ nhất xảy ra sẽ rất khó chịu, nhưng không có nghĩa là đã đến ngày tận thế".

Câu hỏi tiếp theo là: "Tôi có quan trọng hóa vấn đề quá không?" Bạn có thấy là bạn mất ngủ cả tuần chỉ vì điều mà người khác sẽ không thèm nghĩ đến? Thường là do chúng ta quá nghiêm khắc với chính mình. Chúng ta cứ nghĩ là cả thế giới đang nhìn mình. Điều đó không đúng. Nếu họ nhìn thì sao nào? Chúng ta sẽ sống theo cách tốt nhất mà mình có thể.

Một câu hỏi nữa: "Tôi học được cái gì từ tình huống này?" Bằng sự nhận thức muộn màng, nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể học được gì trong những giai đoạn khó khăn? Cái khó nhất là giữ được quân bình và biết là chúng ta đang chịu đựng và tại sao lại chịu đựng. Những người hạnh phúc nhất có xu hướng xem những lúc khó khăn là những lúc học hỏi kinh nghiệm quý giá. Họ gắng vui vẻ, mỉm cười. Họ biết rằng mọi việc sẽ tốt hơn và họ sẽ trở thành người tốt hơn từ những thử nghiệm đó. Cái này nói thì dễ nhưng làm khó hơn nhiều!

Thêm một câu hỏi: Nếu mọi cái tồi tệ thật thì 5 phút tới mình còn ổn không? Khi đã qua được 5 phút đó, bạn nhắm đến 5 phút tiếp theo. Chia ra từng phần nhỏ, sẽ dễ xử trí hơn. Ngoài ra nên làm cho mình bận rộn, làm việc gì đó trong 5 phút ấy. Lúc bận rộn bạn thấy dễ chịu hơn nhiều.

Còn làm gì nữa nhỉ?

Có lẽ cách tốt nhất để cảm thấy dễ chịu là làm cái gì cho ai đó. Lo lắng thái quá hay thương hại mình sẽ trở thành nỗi ám ảnh. Ngay lúc bạn bắt đầu làm cho người khác hạnh phúc thì cũng là lúc bạn cảm thấy yêu đời hơn. Thật đơn giản, dễ dàng và tuyệt vời.

Tai họa sẽ không lớn nếu chúng ta xử lý chúng từng bước một. Và chừng nào mà chúng ta thấy mình học được điều gì đó từ hoàn cảnh thì chúng ta càng dễ khắc phục nó.

Theo Andrew Matthews
”Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” – NXB Trẻ