
Đáp: Lúc cha mẹ còn
sống phải lo phụng dưỡng, để đền đáp ơn sinh thành dưỡng dục. Lúc cha mẹ chết
chỉ làm ma chay đơn giản, giữ gìn sự im lặng trong những ngày mất mẹ mất cha,
nhớ đến công lao mẹ cha lo làm ăn nuôi con lớn khôn, nên người hữu dụng cho xã
hội. Công ơn ấy rất lớn không thể lấy gì sánh được.
Cha mẹ chết mà làm ma chay linh đình là
báo hiếu hình thức, làm như thế là để che mắt thế gian. Đạo Phật dạy chúng ta
làm những điều chân thật; sống thích trầm lặng đơn giản (thiểu dục tri túc); chết
an táng đơn giản rồi đem thiêu đốt, không cần quan quách sang trọng, không cần
nhạc lễ, cúng bái tụng niệm, chỉ cần giữ vệ sinh chung đừng để ô nhiễm môi trường
sống. Vì thân tứ đại do đất, nước, gió, lửa hợp thành, chết thì đất, nước, gió,
lửa trở về đất, nước, gió, lửa.
Đức Phật nhìn thân tứ đại là một pháp vô
thường, bất tịnh, không có gì đáng quý và lưu giữ, nên khi chết đem thiêu đốt bỏ.
Đức Phật và các đệ tử của Ngài khi chết đều đem thiêu đốt bỏ.....
Đạo Phật nhìn cơ thể con người là một hợp
duyên không có thật, bất tịnh và uế trược, nên chết là thiêu đốt không có giữ lại,
không coi nó là một vật quí báu. Vì thế khi Đức Phật và các đệ tử của Ngài đều
thiêu đốt, không có vị nào để lại nhục thân. Huyền thoại Ngài Ca Diếp ôm y bát
vào núi Kê Túc nhập diệt thọ tưởng định để chờ Đức Phật Di Lặc ra đời trao y
bát cho. Đó là một câu chuyện bịa đặt của các Tổ sau này. Đức Phật nhìn các
pháp trong thế gian này là vô thường nên Ngài đâu có cần gì mà trao y bát, chỉ
có di chúc: “Nên lấy giới luật và giáo pháp làm Thầy mà tu hành”.
Đời người khổ vì luôn chấp mọi thứ: chấp
thân, chấp tâm, chấp pháp, chấp hình thức, để mà chịu khổ với những lầm chấp
đó. “Sống chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi”. Đó cũng là một lầm chấp về hình
thức của Đại Thừa.
Từ những sự việc đó, Phật Giáo Đại Thừa
triển khai thêu dệt ca ngợi những nhục thân và xá lợi, do tu tập thiền định mới
có. Còn người không tu tập thì chẳng bao giờ có. Đó là các nhà Đại Thừa lấy vải
thưa che mắt mọi người. Nhưng không ngờ ngày nay, có những đoàn khoa học khảo cổ
về sử học đã lật tẩy sự lừa đảo này. Những ngôi cổ mộ đã được khai quật để
nghiên cứu, xác chứng kinh sách Đại Thừa và kinh sách thiền Đông Độ không còn là
một chứng tích thiền định mà là một sự lừa đảo, gian xảo.
Cho nên có những bài táng tụng ma chay
do các Tổ biên soạn ra để hành nghề mê tín lừa đảo người, như ngày nay chúng ta
đã thấy khắp nơi. Sự lừa đảo này chỉ gạt những người vô minh, chứ những người
đã am hiểu Phật Giáo chân chánh thì không thể gạt họ được. Hầu hết lối tụng niệm
ma chay của Đại Thừa, đều là lối lừa đảo che mắt thế gian. Chứ chẳng có ích lợi
gì mà còn làm cho người sống hao tổn tiền của và vất vả trong những ngày ma
chay, cúng tế. Cầu siêu mà chẳng có linh hồn thì lấy cái gì mà siêu? Thấu rõ được
như vậy mới thấy Phật Giáo Đại Thừa là một giáo pháp vay mượn của mọi tôn giáo
và phong tục mê tín của con người, để thỏa mãn sự ngu si của những người đang sống
trong tưởng tri.
(Trích
Đường Về Xứ Phật VII)