NGƯỜI PHẬT TỬ DẠY CON NHỮNG GÌ

Chưa bao giờ nhân loại lại phải đương đầu với lắm tệ nạn xã hội, và hiện trạng phức tạp như ngày nay. Không biết bao nhiêu cảnh tượng đau lòng khủng khiếp, xấu xa bại hoại diễn ra hằng ngày trong và ngoài nước mà chúng ta hoặc chứng kiến hoặc được báo chí truyền hình truyền tin đăng tải. Nào là chiến tranh khủng bố, nào là giết người cướp của ngay cả đối với người thân, nào là xì ke ma túy, nào là hiếp dâm giết người giấu xác… 

Trong một xã hội ngày càng nhiều bạo hành, đạo đức băng hoại khủng khiếp như vậy, cha mẹ nào cũng thấy bất an khi cho con hòa nhập vào môi trường xã hội, nhưng cũng không thể giữ con ở mãi trong nhà. Nỗi lo lắng càng tăng lên gấp bội đối với nhiều cha mẹ phật tử biết hướng về con đường đạo đức thuần lương, không muốn con em mình bị tác động tiêu cực từ bên ngoài mà trở nên hư hỏng.

Không chỉ lạy Phật kính tăng

Với đại đa số tín đồ Phật giáo châu Á, cụ thể là Việt Nam, tu là biết ăn chay, là biết đến chùa lễ lạy, cầu nguyện cho gia đình bình an, hạnh phúc, làm công quả tạo phước, tham gia các công tác từ thiện do chùa khởi xướng, như vậy là mẫu mực lắm rồi. Thế là những phụ huynh phật tử có khuynh hướng dẫn dắt con mình theo cách tương tự để lấp kín nỗi lo con hư. Những biểu hiện thường thấy ở người phật tử Việt Nam là đưa con em mình đến chùa, lạy Phật, chắp tay cung kính khi gặp những vị thầy tâm linh là những tăng ni và tạo điều kiện để con em mình tiếp cận môi trường chùa chiền. Thế nhưng, với cách này, tác dụng giáo dục trẻ rất hạn chế và không bền. Vì xét trên bề mặt hiện tượng như giọt nước đầu nguồn đã bị pha lẫn tạp chất trong khi Phật thì đã cách xa chúng ta có hơn 2550 năm, nên giáo lý (Pháp) không còn tinh khiết và Tăng thì đa phần không mấy tạo niềm tin cho quần chúng. Cụ thể, có thể các em không thể duy trì thói quen đến chùa khi lớn hơn một tí, khi các mối quan hệ xã hội trở nên rộng hơn. Vả lại, các em có thể trở thành người ngoan, lễ phép với mọi người, chứ không được trang bị kỹ năng để trở nên tự chủ, tự lập để có thể giữ tâm an tịnh và nhất là đủ bản lĩnh để sống đương đầu với thử thách mà không bị sự chi phối, lôi kéo của những tác động không tốt từ môi trường bên ngoài.

Có lẽ, quý phụ huynh muốn con em mình có được những kỹ năng để có thể miễn nhiễm với các tác động xấu từ môi trường xã hội, nên và cần dạy các em cách nhìn vào bên trong tâm mình, phát triển những đức hạnh thiện, rèn luyện kỹ năng sống tự lập, tự chủ để đạt đến sự tự do, không lệ thuộc vào cảm xúc bản năng. Trẻ em được giáo dục bồi dưỡng những đức tính tốt đẹp ngay từ nhỏ, rèn luyện những kỹ năng tự chủ, độc lập ngay từ bé thì sẽ không lạc lối khi đi vào khu rừng mà ta gọi là “cuộc sống”. 

Những kỹ năng này có thể thành tựu thông qua con đường thực hành thiền, một phương pháp trau luyện nội tâm rất độc đáo của Phật giáo. Thiền là một phương pháp thực hành tâm rất phù hợp với khoa học, giúp con người sống điềm tĩnh hơn, sáng suốt hơn, bình an hơn, hiểu mình hơn và quan trọng nhất là làm chủ được mình trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Thiền có nguồn gốc từ Phật giáo, nhưng không chỉ có người theo đạo Phật mới thực hành thiền. Khắp nơi trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, màu da, ngày càng có nhiều người thực hành thiền vì thiền đem lại cho người hành trì nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống.

Với nhịp sống hối hả trong xã hội hiện đại, mọi thứ vụt trôi qua một cách vô nghĩa, cuộc đời trở nên tẻ nhạt và thiếu ý nghĩa. Chính thiền giúp cho con người sống chậm lại để cảm nhận cuộc sống sâu hơn, để có cơ hội gần gũi, chăm sóc, quan tâm đến người bên ta, quanh ta hơn. Thiền giúp người thực hành phát huy sự can đảm để đối phó với sự khó khăn. Đó cũng là cách tập luyện tâm linh, trau giồi ý chí vững chãi, bản lĩnh đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Thiền giúp người hành trì phát huy sức mạnh để chuyển hóa những tâm lý tiêu cực làm cho con người bất an, đem lại hạnh phúc chân thật.

Chính những lợi ích này tạo nguồn cảm hứng cho những bậc phụ huynh muốn con em mình cũng được hướng dẫn tu tập thiền để có được những lợi ích như bản thân họ. Tuy nhiên, họ rất lúng túng không biết dạy thiền cho con bằng cách nào, vì ngay cả với người lớn, thực hành thiền còn là một vấn đề khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực và kiên trì. Yếu tố quan trọng nhất trong hành thiền là chú tâm và kiên nhẫn, trầm tĩnh và yên lặng, lại không mấy phù hợp với trẻ em vốn hiếu động, khả năng chú tâm không cao, nhanh chán, và khó có thể chịu ngồi yên. Thế là họ nghĩ đến việc nhờ các chuyên gia hiểu tâm lý trẻ, nắm vững các nguyên tắc và kỹ thuật hành thiền để nhờ hướng dẫn con em họ thực hành thiền.

Cha mẹ hành thiền trước, con tiếp bước theo sau…

Ở các nước phương tây, nhiều trung tâm thiền tổ chức các khóa thực hành thiền dành cho trẻ em, nhưng ở nước ta, mô hình này chưa phát triển thành hệ thống và quy củ. Một số nơi bắt đầu mở khóa thiền dành cho trẻ, nhưng cũng chỉ mang tính tự phát ở phạm vi nhỏ lẻ mà thôi. Mô hình này sẽ trở nên phổ biến hơn khi các bậc phụ huynh thuần thục hơn để cảm nhận rõ ràng lợi ích của thiền trong cuộc sống. Do vậy, trước  khi tổ chức các khóa thiền tập cho các em, nên tổ chức thường xuyên các khóa thực hành thiền cho phụ huynh phật tử. Khi sự hành thiền trở thành hoạt động không thể thiếu của người phật tử tại gia, con em của những gia đình phật tử dễ dàng tiếp nhận cách thực hành này. Khi giới xuất gia tổ chức các khóa thiền dành cho các em, sẽ có một sự hậu thuẫn lớn từ phía phụ huynh phật tử và với cách tổ chức có nền tảng vững chắc như vậy, khả năng thành công là điều có thể nghĩ tới. Lợi ích lâu dài hơn là khi trở về với môi trường gia đình, sự thực hành của cha mẹ tạo môi trường nhắc nhở các em tiếp tục thực hành.

Với lý do trên, đối với các bậc phụ huynh phật tử muốn dần đưa con em mình vào nếp sống tỉnh thức của thiền, trước hết, bản thân mình phải thực hành thiền. Với người trưởng thành, chọn lựa một điều gì đó đưa đến kết quả tốt cho mình, dù lúc đầu, công việc này không mấy thú vị, ta vẫn có thể làm được khi nghĩ đến kết quả tốt tương ứng. Thiền là một hoạt động như thế. Lúc đầu mới thực  hành thiền, không ai có thể thích ngay khi phải xếp chân ngồi yên trong tư thế xếp bằng hoa sen, chú âm vào hơi thở. Thế nhưng, vượt qua những trở ngại ban đầu, dần cảm nhận được lợi ích từ việc hành thiền, hành giả có thể bắt đầu thích và duy trì sự hành trì này như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Nếu ai đi trên con đường thực hành đến chặng này rồi thì có quyền tin tưởng sẽ có khả năng đưa con em mình vào mạch sống thiền cùng mình nếu biết cách.

Khi hành thiền trở thành một phần cuộc sống của người phật tử, nghĩa là người ấy dành một khoảng thời gian cố định  nào đó trong ngày để ngồi lại, vận dụng các kỹ thuật đã được học qua các khóa thiền, duy trì thực hành để giữ tâm chánh niệm. Quan trọng hơn, họ biết cách ứng dụng cách sống tỉnh thức ngày một nhiều hơn vào các hoạt động thường ngày của mình. Đây là một kỹ năng đòi hỏi nhiều nỗ lực, kiên trì và chuyên cần từ người thực hành. Đây không phải lý thuyết suông mà phải là một thực tế sinh động, thì việc hướng dẫn con cháu dần đi vào quỹ đạo của nếp sống thiền không hề khó khăn tí nào nhờ hiệu ứng của tâm lý lây lan. Thói quen này dần “lây lan” sang những thành viên trong gia đình, trong đó có con em chúng ta. Chúng sẽ bắt chước một cách vô thức cũng như ý thức, như một thói quen tốt, đánh răng trước khi ngủ, hay để đồ dùng gọn gàng đúng nơi quy định chẳng hạn, sẽ được học tập lẫn nhau giữa những thành viên trong gia đình một cách tự nhiên.

Dần đưa trẻ em vào môi trường thực hành…..

Không chỉ con người mà động vật cấp cao như khỉ, vượn đều có khả năng học qua phương cách bắt chước. Nhiều nhà tâm lý học thực hiện các thí nghiệm đều tán đồng quan điểm này. Trong cuộc sống, chúng ta cũng cảm nhận được chức năng của bắt chước trong quá trình học. Đó là sự trao truyền kinh nghiệm từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các nghề truyền thống cha truyền con nối, các công thức chế biến sản phẩm nào đó mang tính gia truyền đều là sự dạy và học thông qua kinh nghiệm trực tiếp của bắt chước. Trong xã hội, vẫn còn nhiều nghề truyền nhau thuần túy là quan sát, bắt chước, thử việc và rút dần kinh nghiệm trong quá trình bắt chước ấy. Phương pháp này khá “dân gian”, mộc mạc nhưng hiệu quả lại cao, vì quá trình học diễn ra thường xuyên và tự nhiên, trong đó, người dạy và học cùng chia sẻ một môi trường sống chung, có nhiều thời gian tiếp xúc cùng nhau. Gia đình là môi trường thuận lợi nhất để quá trình học thông qua con đường bắt chước diễn ra. Do vậy, đây cũng chính là môi trường lý tưởng để người phật tử tập cho con em mình thực hành thiền. Tập như thế nào cho con em mình, đây là vấn đề đòi hỏi tình thương yêu, sự hy sinh, kiên nhẫn và thường xuyên của các bậc phụ huynh....

Như vậy, một điều hiển nhiên rằng muốn dạy con em làm điều gì, chúng ta phải làm gương thực hành điều ấy trước đã. Muốn con em biết chăm sóc đời sống nội tâm, có ý chí, nghị lực để miễn nhiễm với những tác động tiêu cực của xã hội, cha mẹ cần thực hành nếp sống đạo đức làm gương. Bên cạnh đó, cha mẹ nên thực hành thiền tỉnh thức thường xuyên trong các hoạt động thường ngày, tạo nên một môi trường tâm linh tốt nhất để các em có thể học và thực hành như một quá trình thẩm thấu tự nhiên. Được như vậy, các bậc phụ huynh phật tử không phải lo lắng quá nhiều khi chúng ta có thể đưa giáo dục Phật giáo vào trong môi trường giáo dục gia đình.
Creations