Cuộc sống, luôn có vô số lực hấp dẫn lôi
kéo tâm chúng ta chạy lang thang suốt ngày ở bên ngoài. Đến khi lên bàn ăn, giường
ngủ, chúng ta vẫn tiếp tục để tâm mình chìm nổi trong những dự án kế hoạch, hay
rong rủi miên man với những hình ảnh chập chờn đã qua nơi quá khứ và mường tượng
những viễn cảnh trong tương lai. Lắm lúc chúng ta thấy mình chới với như chiếc
xe đang lao đầu xuống vực thẳm mà chúng ta không thể điều khiển nơi hiện tại.
Xung quanh chúng ta còn
biết bao người vẫn đang sống bằng sự may rủi của hoàn cảnh, vẫn không biết
cái gì đang tàn phá bên trong. Nhìn họ có vẻ như không có vấn đề, nhưng thực chất
là họ đang bị trói buộc và điều khiển bởi tứ lung tung mọi vấn đề cuộc sống.
Thật ra, lúc nào trong tâm chúng ta cũng
hỗn loạn, cũng đầy dẫy những cuộc xung đột hay những khoảng trống chơi vơi bởi
những toan tính, những cảm xúc ví như một bãi rác hoang. Bây giờ chúng ta hãy
cho mình một cơ hội lớn tìm về chính mình xem nhé!
Đầu tiên, chúng ta cần cố gắng tập luyện
sống chậm, nhưng cũng đừng quá chậm một cách mất tự nhiên. Mỗi khi mở vòi nước,
đóng cánh cửa, mở ti-vi hay đặt tách trà xuống, chúng ta đều quan sát kỹ những
đối tượng ấy. Đặc biệt, phải ghi nhận rõ những gì xảy ra trong tâm chúng ta suốt
tiến trình xảy ra. Hãy cắt mỗi hành động ra thành từng phần nhỏ để thực nghiệm
việc định tâm dễ dàng hơn. Thí dụ, khi bưng tách trà lên, chúng ta chia làm 3
giai đoạn để chú tâm: bưng lên, đưa tới và uống. Trong khi uống, chúng ta cũng
chia làm 3 giai đoạn: vừa uống, đang uống và uống xong. Bất cứ ở nơi đâu hay
làm việc gì chúng ta cũng nên áp dụng bài thực tập chia nhỏ từng hành động để
quan sát, trừ những việc có tính chất nguy hiểm hay quá khẩn thiết.
Tập quan sát bước chân mình khi đi trong
phòng cũng là cách để rèn khả năng định tâm. Chỉ cần thả lỏng hai tay theo chiều
cơ thể và bắt đầu chú ý vào bước chân chúng ta đi trong 3 giai đoạn: nhấc chân
lên, đưa tới, đặt chân xuống. Chúng ta cũng có thể chia mỗi động tác như vậy
thành 3 lần nhỏ hơn nữa, để sự chú ý của chúng ta càng thêm mạnh mẽ: phần đầu -
phần giữa - phần cuối của việc nhấc chân lên, phần đầu - phần giữa - phần cuối
của việc đưa chân tới, phần đầu - phần giữa - phần cuối của việc đặt chân xuống.
Nên nhớ chúng ta chỉ dùng tâm để cảm nhận
mà không nên nhìn xuống bước chân. Bài tập này tuy hơi khô khan, nhưng nếu kiên
trì chừng nửa giờ chúng ta sẽ gặt hái kết quả rất bất ngờ. Sự chậm rãi sẽ giúp
tâm chúng ta không dễ dàng thay đổi đối tượng, đủ thời gian để nhìn thấy đối tượng
và chính ta hơn. Sự thực tập nơi cảnh động như thế là nền tảng để chúng ta bước
vào cảnh tịnh dễ dàng hơn.......
- Có bao giờ bạn biết
đi kinh hành chưa?
- Thế đi kinh hành là
đi đâu?
- Đi kinh hành là không đi
đâu hết! Tại sao cứ hễ cất bước là bạn cứ thắc mắc phải đến đâu chứ!
- Đi mà không đến đâu thì đi
làm gì?
- Thế mấy mươi năm qua, bạn
đã đi tới được đâu? gặt hái được gì? Và bây giờ bạn còn tính đi tới đâu nữa?