VÔ CẢM: CĂN BỆNH UNG THƯ CỦA TÂM HỒN!

Nói đến thể xác thì sợ nhất là căn bệnh ung thư. Còn nói đến tâm hồn, thì căn bệnh “vô cảm” cũng được ví dụ, bởi nó có sức tàn phá ghê gớm. Tiếc thay, căn bệnh đó đang lan từ trong nhà ra ngoài phố.

Chuyện ngoài đường

Thấy một vụ tai nạn, có người tử vong, nạn nhân nằm đó không nguyên thây, rất thương tâm. Thế mà người xem chen chúc vòng trong vòng ngoài. Những gia đình bên đường không ai có ý định lấy một manh chiếu đắp cho kẻ bạc phước hay cắm cho người đó một nén hương.

Đã vậy lại còn xôn xao những lời bình phẩm “ghê người”. Nào là “chán cơm rồi, lại muốn leo lên nóc tủ ăn chuối xanh đây”. Nào là “chết bớt cho rộng chỗ”, rồi còn “chết trẻ cho khỏe ma!”. Không ít người đứng ở vòng ngoài, còn dựng chân chống xe máy, rồi đứng lên yên xe nhìn cho rõ. Rất ít thấy những lời xót xa an ủi, rất hiếm thấy giọt nước mắt, mà chỉ toàn những đôi mắt ráo hoảnh.

Một cụ già leo mãi mới lên được ô tô buýt, loạng choạng vì lái xe đóng cửa nhanh và vội phóng đi. Không một ai nhường chỗ cho cụ, đến mức cụ van xin một người đàn ông to béo đang chễm trệ trên một chiếc ghế cạnh đó.

Người đàn ông lừ mắt bảo: “Già rồi, đi xe buýt làm gì cho khổ. Lại tiếc tiền đi xe ôm hay sao?”. Có người nhắc anh ta nhường cho cụ vì cụ đứng đã mỏi, anh ta bảo “thế tôi không mỏi à? Tôi đi xe cũng mất tiền chứ có phải đi không đâu”!

Tôi đã chứng kiến một tốp thanh niên, nam có, có đều là cán bộ của một cơ quan nào đó. Họ vào viện thăm bố của một đồng nghiệp mà như đi trẩy hội. Hình như họ sợ bị lây bệnh hay sao mà không ai vào phòng, chỉ một người đưa túi đường, sữa cho thân nhân người ốm, còn đám khách đứng ở hành lang bình luận.

Họ nói rất to với nhau rằng: “Thế mà thằng Nam bảo bố nó ốm nặng lắm. Trông thế kia, còn lâu mới chết. Bây giờ giá bảo lấy vợ hay đi uống bia là lại sáng mắt lên cho mà xem”.

Đến chuyện trong nhà

Cô con gái học đại học rồi mà mẹ ốm không biết làm gì, chỉ khoác tay bạn trai vào thăm mẹ với một túi mì tôm. Cô xin các bệnh nhân nằm cùng phòng ít nước sôi, đổ vào bát mì rồi úp lại, bảo mẹ: “Lúc nào mì nở hết, mẹ ăn nhé. Con không ăn được mì tôm, con đi ăn phở đây. Nhà chẳng có ai nấu cơm cả”. Nói rồi cô vô tư kéo tay bạn trai lao ra khỏi phòng, họ đi ăn phở ngoài phố.

Một tốp học sinh đi xe hàng ba. Họ vừa đi vừa nói chuyện to như ở chỗ không người. Một cậu bảo: “Ông nội tao “ngu quá”, lúc tỉnh táo, bảo viết giấy thừa kế cho con cái thì không chịu viết. Bây giờ nằm liệt nửa năm nay, chết không chết, mà sống không ra sống, chủ yếu nhờ vào mấy “cái dây” (ống thở, ống xông ăn, xông tiểu tiện). Chỉ cần ai “mạnh dạn” rút một dây ra là cụ “ngoẻo liền”.

Một anh con trai đã 40 tuổi, có bất hòa với mẹ già đã chỉ thẳng mặt cụ nói: “Bà mà chết bây giờ, tôi giết lợn ăn mừng. Tôi hứa sẽ xây cho bà chiếc mộ to nhất khu”.

Một ông cán bộ, khi bố chết đã chở ngay xác bố vào nhà tang lễ để gửi cụ vào tủ lạnh, chờ báo tin đủ cho các cơ quan đoàn thể khắp trong Nam, ngoài Bắc biết mới làm ma. Hôm khâm liệm cho cụ, ông con cũng chẳng ngó mặt bố lần cuối, tất cả khoán trắng cho dịch vụ để tiếp khách.

Đám ma to, có tới vài trăm vòng hoa và cả trăm triệu tiền phúng viếng, nhưng do sơ suất, người nằm trong quan tài lại chẳng phải bố ông. Đến khi có một gia đình kêu “mất bố”, mọi người mới té ngửa ra rằng ông bố xấu số nọ vẫn còn nằm còng queo trong nhà lạnh. Nhưng đã trót nhầm, đành phải làm ma hộ gia đình người ta, còn bố thật thì qua quýt, bởi dễ có ai chịu viếng hai lần.

Nhớ chuyện xưa

Ông nội tôi bảo, ngày xưa mỗi khi đi ngang qua một đám tang, mọi người đều dừng xe, ai có mũ thì bỏ mũ vĩnh biệt người quá cố. Xe ô tô đi qua đám tang mà bóp còi là bị nhắc nhở ngay.

Bà ngoại tôi kể, ngày xưa những người xấu số chết bên đường, được mọi người đi qua đắp cho một hòn đất và cắm nén hương. Chỉ vài ngày sau là có một nấm mộ to đùng. Vì thế mới có câu “To như mả thằng ăn mày”.

Tôi nhớ ngày trước mẹ tôi đã khóc hu hu vì thương nàng Kiều, chị tôi đã nhỏ nước mắt khi thấy con cún nhà tôi bị kẹp xe, chạy về nhà với cái chân bị gẫy. Nhiều khán giả không cầm nổi nước mắt khi giao lưu với nhân vật nữ của phim “Đời cát” trên truyền hình. Nhiều người đã lặng lẽ đi ngang qua một đám tang có vòng hoa trắng. Còn bây giờ, ôi cái bệnh “lạnh tim” đáng sợ.

Có thể khi đọc đến những dòng chữ này, nhiều bạn sẽ nói rằng “Làm gì có thế, nếu có cũng chỉ là vài người”. Vâng, tôi cũng hy vọng rằng những căn bệnh nói trên không phổ biến ở số đông. Chỉ mong bạn đọc dành đôi chút suy ngẫm về những “căn bệnh dù chưa phổ biến” này rồi vui vẻ nói rằng: “toàn chuyện bịa!”

- Nguồn Internet -