Có lẽ chẳng ai lạ gì với câu ca dao này: “Người
ta đi biển có đôi, còn tôi đi biển mồ côi một mình”. Đó là nói về tình trạng
một phụ nữ có chồng nhưng chẳng nhờ chồng được gì, cứ phải mình ên lo toan mọi
thứ cho gia đình.
Nói đến sóng là nói đến nước, sông và biển.
Sóng có nhiều loại: Sóng lớn (to), sóng nhỏ, sóng cao, sóng thấp, sóng cồn,
sóng cả, sóng bạc đầu, sóng thần,… Sóng còn mang nghĩa khác như sóng truyền
hình, sóng phát thanh, sóng điện từ,… thậm chí còn gọi là làn sóng người. Chắc
hẳn nguy hiểm nhất và đáng sợ nhất là sóng cám dỗ, sóng tội lỗi, sóng mê đắm,
sóng thù hận,… Các xu hướng xấu càng ngày càng xuất hiện nhiều, đó cũng là những
“con sóng” nguy hiểm cần phải lưu ý!
Về điện tử, sóng còn gọi là bước sóng, có
chuyển động với tần số dài hoặc ngắn, và có tác dụng khác nhau. Ví dụ: Sóng
phát thanh có tần số ngắn thì có thể phát đi xa, sóng phát thanh có tần số dài
thì có thể phát đi gần. Trong vật lý, sóng là sự lan truyền của dao động, sóng
có thể mang theo năng lượng, lan truyền trong nhiều môi trường khác nhau, cũng
có thể bị đổi hướng (bởi khúc xạ, phản xạ, tán xạ, nhiễu xạ,...), và có thể
thay đổi năng lượng (bởi hấp thụ, bức xạ,...), thậm chí là thay đổi cấu trúc
(như thay đổi tần số, môi trường phi tuyến tính,...).
Trong ca khúc “Sóng Về Đâu”, cố NS Trịnh
Công Sơn đã từng nói với biển: “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng
xô tôi ngã dưới chân người; biển sóng biển sóng đừng xô nhau, ta xô biển lại
sóng về đâu?”.
Sóng là hình tượng của nỗi gian truân, cực
khổ của con người. Không ai muốn gặp đau khổ, nhưng chính đau khổ mới làm cho
người ta thành nhân. Vả lại, thử thách càng lớn, cơ hội càng lớn. Ngạn ngữ Phi
châu có câu: “Biển lặng chẳng tạo nên thủy thủ tài ba”. Tục ngữ Việt
Nam cũng nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Chính gian khổ cho
chúng ta biết ai là người đáng là thầy ta hay không.