Thuở xưa, có ông lão họ Tái bị mất một
con ngựa quý. Mọi người đến chia buồn, han hỏi và tiếc dùm cho ông. Ông lão điềm
nhiên nói:
- Không sao! Mất của là điều rủi ro thật
nhưng biết đâu trong cái rủi có cái may!
Ít lâu sau con ngựa trở về nhà và còn dắt
theo một con ngựa khác - bạn của nó - đẹp và quý hơn nhiều.
Bà con lại tụ họp, tấm tắc:
- Ông cụ thật có phước, tưởng đâu mất
con ngựa quý, ai dè lại được thêm con nữa.
Ông lão họ Tái vẫn thản nhiên:
- Biết đâu trong các
may lại có cái rủi. Và cái rủi đó đã đến, cậu con ông lão rất thích cỡi ngựa mới,
dong ruổi cả ngày trên lưng ngựa nên bị té gãy một chân. Thân bằng quyến thuộc
đều đến chia buồn về tai nạn đáng tiếc vừa xảy ra. Ông cụ vẫn mỉm cười:
- Biết đâu trong cái rủi lại có cái may!
Chiến tranh bùng nổ, các thanh niên đều
phải ra chiến trường, cậu con trai nhờ tàn tật nên được ở nhà hủ hỉ với cha
già.
=
== = = == = =
Hai điều họa phúc cứ xoay vần với nhau,
khó biết được, nên khi được phước thì không nên quá vui mừng mà quên đề phòng
cái họa sẽ đến; khi gặp điều họa thì cũng không nên quá buồn rầu đau khổ mà tổn
hại tinh thần. Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên bắt chước tái
ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống.
Họa được hiểu theo nghĩa như là thất bại
và phúc được hiểu là thành công. Thường thì chữ “thất bại” có thể khiến chúng
ta hiểu lầm là chúng ta không được gì cả, hoàn toàn trắng tay, trong khi những
gì chúng ta đã gầy dựng nên vẫn còn đó chứ có mất đâu.
Những kỹ năng tập luyện, những kinh nghiệm
và kiến thức tích lũy, cũng như những yếu tố thuận lợi bên ngoài mà chúng ta đã
cất công gom lại sẽ được sử dụng một cách xứng đáng cho công trình hay đối tượng
kế tiếp. Cho nên khi thành công chúng ta phải hiểu rằng sự thành công này đang
đứng trên vai của sự thất bại trong quá khứ, đó chính là ý nghĩa của câu nói
“Thất bại là mẹ của thành công”. Không có sự thành công vững bền nào mà không
được làm ra từ những thất bại nho nhỏ ban đầu.
Thật ra, thất bại là một phần rất quan
trọng của cuộc sống. Khi thất bại chúng ta sẽ thu mình lại, mặc dù bị đè nặng
trong cảm giác rất khó chịu nhưng đó là cơ hội để chúng ta nhìn lại mình rõ
hơn. Ít nhất lòng tự hào, háo thắng hay chủ quan trong chúng ta cũng rơi rụng bớt.
Đó là lý do mà các bậc tiền bối luôn rất lo lắng khi thấy người trẻ dễ dàng gặt
hái được thành công, nhất là sự thành công vay mượn quá nhiều từ những điều kiện
thuận lợi bên ngoài. Họ chưa nếm trải những cảm giác xấu khi thất bại, cái tôi
của họ chưa từng bị bầm dập khi đi ngang qua những giai đoạn khốn đốn vì không
biết phải xoay sở bằng cách nào, và họ cũng chưa kịp mời lên những phẩm chất
quý giá đạo đức trong tâm hồn như tính từ hòa hay đức khiêm cung, thì sự thành
công lớn có thể trở thành tai họa cho chính cuộc đời họ và mọi người chung
quanh.
Trong thế giơi hiện đại, khi mà cái kiến
thức thức vượt trội hơn đức tính chịu đựng thì chúng ta đã từng chứng kiến rất
nhiều người trẻ có những thành công vang dội nhưng lại mau chóng ngã đổ vì
chính thái độ và sự yếu đuối của họ.
Vả lại, bản năng sinh tồn của con người
vốn rất vĩ đại, chỉ khi nào đối đầu với những lần thất bại sâu cay thì nó mới
chịu phát hiện ra, nhờ vậy mà nội lực con người trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Cho nên chúng ta đừng sợ thất bại. Nếu thấy mình chưa đủ vững vàng thì chúng ta
cũng đừng vội mong cầu thành công, hãy vui vẻ đón nhận sự thất bại như đón nhận
cơ hội đào luyện sức chịu đựng và chuyển hóa tâm tính của mình.
Người ta vẫn mong ước được vạn sự như ý
trong những lời chúc tốt đẹp những ngày đầu năm. Nhưng trong cuộc sống làm gì
có cứ muốn làm gì, nghĩ gì thì mọi điều đều suông sẻ, trải ra như ý mình được.
Nơi chính tâm ý mình, với tham lam, phiền muộn, bực bội… bản thân còn chưa có
khả năng quản lý được nữa huống là làm chủ được các vấn đề xảy ra xung quanh.
Dường như, cuộc đời là những ngày dài bất như ý nhiều hơn là được như ý. Đó là
một sự thật. Cho nên, thực tập để có thêm nhiều sự vững chải và lạc quan để
nhìn ngắm, để tiếp nhận các vấn đề bất như ý bằng thái độ nào mới quan trọng,
còn việc đời xảy ra thì nó cứ phải xảy ra như thế, nào ai biết được…..