Ngày xưa có một vị vua nọ đang đi công
du trên một chiếc tàu thì gặp cơn bão lớn. Gió to, sóng dữ gầm thét như muốn quật
đổ những cột buồm và nuốt chửng con tàu. Một người trong đoàn tùy tùng nhà vua
trước đây chưa từng ra biển nên vô cùng hoảng sợ. Anh ta khóc thét lên trong nỗi
sợ hãi và mỗi lúc một to hơn. Không ai trên tàu có thể trấn an anh ta được.
Trong cơn giận dữ nhà vua thét lên:
- Có ai ở đây có thể làm
cho tên hèn nhát kia câm miệng lại được không?
Ngài hỏi đến lần thứ ba, vẫn
không một ai trong đám cận thần lên tiếng. Cuối cùng có một người bước ra, ông
ta là một hành khách trên tàu.
- Tôi
nghĩ là tôi có thể khiến cho anh ta im lặng nếu tôi được tòan quyền làm điều
đó.
Một thoáng do dự, nhưng vì
nóng lòng muốn biết cách của người hành khách đó nên nhà vua ra lệnh:
- Làm ngay đi! Ta cho phép
nhà ngươi.
Người khách liền ra lệnh
những người lính ném anh ta xuống biển. Rơi xuống biển lạnh giá đầy sóng lớn,
anh ta gào lên khiếp sợ và vùng vẫy trong hoảng loạn, cố tìm mọi cách ngoi lên
mặt nước. Ít giây sau, người khách cho thả phao kéo anh ta lên. Khi bám được
thành tàu, dù mệt rũ rượi và nét mặt lộ rõ vẻ kinh hoàng, nhưng anh ta đã hoàn
toàn im lặng.
Quá ngạc nhiên và ấn tượng
về những gì vừa diễn ra, nhà vua bèn hỏi người khách lạ tai sao anh ta có thể
biết trước được như vậy. Người khách đáp:
- Chúng ta không bao giờ nhận ra những
điều bình dị mà quý giá đang có trong mọi tình huống, cho đến khi chúng ta rơi
vào một tình trạng thực sự tồi tệ hơn.
=
= = = =
Hạnh phúc luôn là niềm
khao khát lớn nhất của con người. Tùy vào hiểu biết của mỗi người qua từng xã hội
và từng thời đại mà hạnh phúc được quan niệm một cách khác nhau.
Mặc dù ai cũng mong muốn
có hạnh phúc nhưng khi được hỏi hạnh phúc là gì thì phần lớn đều rất lúng túng,
định nghĩa một cách rất mơ hồ, hoặc mỉm cười trong mặc cảm.
Thật ra những điều kiện của
hạnh phúc vẫn luôn có mặt, chỉ có điều nó không hấp dẫn ta nữa mà thôi. Không
phải vì nó mất đi tính hữu dụng mà chỉ tại ta mau chóng nhàm chán, nhu cầu hưởng
thụ của ta cứ thay đổi liên miên. Một phần do bản năng hưởng thụ quá lớn, một
phần bị tác động bởi tâm thức xã hội. Mọi tranh đấu của ta chung quy cũng chỉ để
có càng nhiều càng tốt những tiện nghi vật chất và tiện nghi tinh thần để thỏa
mãn cảm xúc, phục vụ cho cái tôi ham thích hưởng thụ không biết dừng của mình.
Nếu hạnh phúc chỉ là cảm
xúc được thỏa mãn khi được hưởng thụ, thì ngay trong giây phút hiện tại này đây
ta cũng đang nắm trong tay vô số những điều kiện mà nhờ nó ta mới tồn tại một
cách vững vàng, vậy tại sao ta nói mình chưa hạnh phúc? Một đôi mắt sáng để
nhìn thấy cảnh vật và những người thân yêu, một đôi chân khỏe mạnh có thể đi đến
bất cứ nơi nào, một công việc ổn định vừa mang lại thu nhập kinh tế vừa giúp ta
thể hiện được tài năng, một gia đình luôn chan chứa tình thương giúp ta có điểm
tựa vững chắc, một vốn kiến thức đủ để ta mở rộng tầm nhìn ra thế giới bao la,
một tấm lòng bao dung để ta có thể gần gũi và chấp nhận được rất nhiều người…
Đó không phải là điều kiện
của hạnh phúc thì là gì? Chỉ cần nhìn sâu một chút ta sẽ thấy mình đang sở hữu
nhiều lắm, nhiều hơn là mình tưởng. Đừng vì một vài điều chưa toại nguyện mà ta
vội than trời trách đất rằng mình là kẻ bất hạnh nhất trên đời.
Vì vậy kẻ khôn ngoan không
cần chạy thục mạng về tương lai để tìm kiếm và níu kéo những thứ chỉ đem tới những
cảm xúc nhất thời mà sẽ dành thời gian và năng lượng để khơi dậy và giữ gìn những
giá trị hạnh phúc mình đang có. Không cần nhiều tiện nghi, chỉ cần sống một
cách an vui là ta đã có hạnh phúc rồi. Mà ngay khi đời sống chưa mấy ổn định
thì ta vẫn có thể hạnh phúc vì thấy mình còn may mắn giữ được thân mạng này.
Hãy nhìn một người đang nằm
hấp hối trong bệnh viện, một người đang cố ngoi lên từ trận động đất, một người
vừa suýt mất đi người thân trong gang tấc thì ta sẽ biết hạnh phúc là thế nào.
Cũng như nếu từng bị đói ta mới biết cái quý giá của thức ăn, đã từng chịu cái
giá rét của mùa đông ta mới mong đợi nắng ấm về, đã từng bị mất mát chia lìa ta
mới nâng niu từng phút giây đoàn tụ, đã từng trải qua tai nạn thập tử nhất sinh
ta mới yêu thương quá đỗi cuộc đời này. Hạnh phúc của họ rất đỗi bình thường,
đôi khi chỉ là một hơi thở, một nắm cơm hay một cái nhìn nhau lần cuối. Cho nên
không có thứ hạnh phúc nào đặc biệt ở tương lai đâu, ta đừng mất công tìm kiếm.
Có chăng, cũng chỉ là những trạng thái cảm xúc khác nhau mà thôi. Mà cảm xúc
thì chỉ có ghiền, chứ có bao giờ đủ!
Chính vì thế mà người xưa hay nói lạc phải
đi liền với an - an lạc - thì mới bền vững. Một người không có nhiều tiền,
không có quyền lực, không được ai ngưỡng mộ nhưng luôn sống trong thảnh thơi, lúc
nào cũng có thể mỉm cười và tiếp xúc sâu sắc với những giá trị mầu nhiệm trong
thực tại thì chẳng đáng kiếp sống sao!