Tại tiệm sửa xe máy Tân Phúc Mập dưới
chân cầu Chánh Hưng (Q.8, TP.HCM) diễn ra cảnh tượng lạ lùng: ông chủ tiệm lành
lặn nhảy lò cò và đứng bằng một chân để hướng dẫn một thanh niên cụt chân cách
xoay sửa phần khung xe nặng nề.
Chừng bảy năm nay, khi đã có cái ăn cái
mặc, ông Nguyễn Văn Phúc (40 tuổi) dạy sửa xe miễn phí cho người khuyết tật,
người nghèo. Tính tới giờ, ông đã dạy thành nghề cho hơn 100 người, không lấy một
đồng và vẫn trả lương cho họ như đối với thợ thuê, lo luôn chỗ ăn ngủ.
Bản
tính thương người
Anh thợ cụt chân tên Lê Văn Nhiều, 21 tuổi,
quê ở An Giang, bị tai nạn giao thông cách đây ba năm, phải cưa bỏ chân trái.
Đang không biết phải làm gì để sống, Nhiều tình cờ gặp ông Phúc. Nghe Nhiều kể
hoàn cảnh, ông Phúc thấy thương nên nói Nhiều cứ theo ông lên tiệm sửa xe học
nghề. Qua một tháng, thấy Nhiều quyết tâm ông Phúc ưng bụng, bắt đầu trả cho
Nhiều mỗi tháng hơn 2 triệu đồng tiền lương và nhận dạy chính thức. Học được
hơn một năm, Nhiều cho biết mình đã khá rành nghề, đã tự sửa chữa được nhiều bộ
phận của xe số lẫn xe tay ga.
“Nhiều ham học và cũng sáng ý lắm, lại
hiền nên tôi coi như con cái trong nhà, có gì cũng chuyện trò chứ không chỉ
chuyện nghề nghiệp. Mấy đứa khác ở đây tôi cũng thương y vậy” - ông Phúc nói.
Còn Nhiều cảm động cho biết: “Tôi không ngờ đời mình lại gặp được người tốt như
chú Phúc, vì thường người cho học nghề miễn phí đã hiếm, chú Phúc lại còn cho
người cụt chân như tôi học. Nhờ vậy tôi có cái nghề nuôi sống bản thân...”.
Hiện ông Phúc dạy nghề cho nhóm sáu người,
quê ở nhiều nơi, có người ở Sài Gòn, người miền Tây, miền Trung... Trước đây
ông dạy một lần tới 10-15 người nhưng giờ phải giảm để đủ sức dạy cho tốt. Mỗi
đợt như vậy không có thời gian cố định nhưng chừng hơn một năm là người học có
thể sửa xe thành thạo. Ông “tìm” họ bằng cách đọc báo, xem tivi, nghe ai kể có
số phận khó khăn cùng quẫn, ông lại lên đường đi gặp, hỏi rõ hoàn cảnh và ngỏ lời
nhận dạy nghề. Cũng có khi trong những chuyến từ thiện, phát quần áo cho bà con
nghèo, ông nhân tiện để ý xem có hoàn cảnh đáng thương nào không để giúp đỡ họ
cái nghề.
Dạy sửa xe cho người bình thường đã vất
vả, nhưng với người khuyết tật còn khó hơn ngàn lần. Ông Phúc nhớ lại: “Thời
gian đầu tôi phải suy nghĩ nhiều lắm, không biết cách nào để dạy tụi nhỏ nhanh
biết nghề mà không đụng chạm tới nỗi đau tật nguyền. Nhiều đêm đóng cửa tiệm
xong, ăn được chén cơm là tôi nằm nghĩ miết”. Rồi ông tập đặt mình vào vị trí của
họ, xem thử nếu chỉ có một tay, một chân mình sẽ sửa xe như thế nào.
Sống
nghĩa tình
Tôi hỏi ông Phúc lý do gì ông có thể duy
trì việc dạy nghề miễn phí lâu như vậy. Ông đáp: “Chính tôi trước đây cũng là
người lang thang không nghề nghiệp. Những ngày tháng ngủ vỉa hè, gầm cầu giúp
tôi sống nhân ái, nghĩa tình hơn. Mình dư dả một chút thì đem một chút ấy đi
giúp người khác, có gì giúp đó, có nghề sửa xe thì giúp họ cái nghề chứ có gì
đâu!”. Ông Phúc cho biết ông quê ở Tiền Giang. Tuổi thơ của ông cơ cực lắm, hồi
sáu bảy tuổi phải lội hơn chục cây số tới trường học, xong lớp 3 thì nghỉ vì
nhà quá nghèo. 14 tuổi ông đi làm cỏ mướn, cắt lúa thuê. Nhà đông anh em nhưng
cha mẹ chỉ có một công ruộng nên ông quyết định lên Sài Gòn kiếm sống. Từ đó,
ông Phúc làm đủ nghề miễn là có cái ăn. Người ta đạp xích lô ban ngày, ban đêm
ông thuê lại để đạp tới sáng. Rồi ông đi “ở đợ” nhà chủ tiệm sửa xe ở Q.Gò Vấp
một năm trời để được học nghề không lương. Đó là những năm 1990, nghề sửa xe
còn lạ, còn “sang” lắm, việc học nghề cũng trần ai vô cùng. Sau đó ba năm, ông
dành được ít tiền ra lề đường sắm cái bơm xe và ít dụng cụ sửa chữa ở Q.Gò Vấp.
Ông làm ngày làm đêm để có chút vốn rồi về Q.8 thuê tiệm, lấy vợ, dành dụm hoài
lên được cái tiệm khang trang như ngày nay.
Từ khi mở tiệm, ông Phúc luôn sửa xe miễn
phí cho người khuyết tật vào tiệm mình và căn dặn các anh thợ đối xử tốt với họ.
Ông nói: “Họ tật nguyền đi kiếm cái ăn rất khó, mình sửa giúp chứ không đành
lòng lấy tiền của họ”. Tiếng lành đồn xa, người khuyết tật bán vé số, bán dạo
quanh khu này hay ghé tiệm ông Phúc mỗi khi xe lăn bị xẹp bánh, xe đạp thủng lốp
hay đứt thắng, hư sên... Với ai ông Phúc cũng niềm nở lịch sự, không có thái độ
ban ơn trịch thượng. Ông Lê Văn Trình, 54 tuổi, ngồi xe lăn bán vé số, kể: “Nhà
tui ở Q.10 nhưng hay đi bán bên Q.8 này, mỗi khi xe hư lại ghé chú Phúc sửa
giùm. Chẳng bao giờ chú lấy của tui đồng nào...”. Nhờ tấm lòng của ông Phúc mà
gánh nặng mưu sinh của những người khuyết tật đâu đó trong Sài Gòn này được vơi
nhẹ đi.
Dạy nghề miễn phí, được trả lương, ai
thành nghề rồi ông Phúc cũng tặng một bộ đồ nghề để họ có cái đi làm liền. Nhiều
người không đành đi vì thương ông Phúc, xin ở lại tiệm ông làm nhưng đông quá
ông nhận sao đặng! Ông Phúc cho biết giờ ông có “người thân” ở khắp nơi - đó là
những người ông dạy xong đã về quê mở tiệm hoặc đi làm thợ sửa thuê cho những
tiệm khác. Ông Phúc còn giữ một danh sách tên những người đã từng được ông dạy.
Danh sách đó ngày càng dài ra và ông mong ước được “khỏe mạnh để dạy hoài
hoài”.
Theo
tuoitre.vn