VƯỢT THOÁT NỖI LO

Có bốn cách:
1. Bớt mong cầu – bớt tránh né
Khi bớt những mong muốn thì bạn sẽ bớt lo. Hầu hết những nỗi lo của chúng ta là do muốn mọi thứ diễn ra theo đúng ý mình, hay là muốn thêm sự hưởng thụ.

Khi càng mong muốn thì bạn càng chống cự với những gì xảy ra trái với ý của mình. Hay là bạn sợ nó sẽ có những điều tồi tệ, điều xấu xảy ra, bạn sẽ sẵn sàng để phản ứng với tất cả những thứ đó. Vậy khi bạn bớt được tâm mong cầu thì bạn sẽ bớt lo. Mà muốn bớt mong cầu, bớt tránh né, thì bạn phải có một chánh kiến về hạnh phúc chân thật.
Khi bạn có một cái thấy đúng đắn rằng những tiện nghi vật chất chỉ đem lại thỏa mãn nhất thời chứ không phải là hạnh phúc chân thật. Hay là những tiện nghi về tinh thần như là danh dự, quyền lực hay là sự yêu thương, nó cũng chỉ đem lại sự thỏa mãn nhất thời. Và trong mỗi chúng ta đều có khả năng lớn hơn, đó là khả năng vượt thoát những mong muốn đó để có một tâm bình an, tĩnh tại. Đó là hạnh phúc chân thật.
Khi mình có chánh kiến như vậy, chấp nhận tư tưởng đó, sống với tư tưởng đó thì tự động những tâm mong cầu và sự tránh né sẽ rơi rụng bớt. Muốn có được chánh kiến đó thì bạn phải thường xuyên tư duy, bạn có thể quan sát. Quan sát đời sống chung quanh bạn. Ví dụ quan sát những người có quyền lực họ sống có hạnh phúc không? Những người giàu có có hạnh phúc không? Những người được người khác yêu thương chiều chuộng có hạnh phúc không? Hoặc là bạn cần có sự trải nghiệm. Sống thêm nữa, thăng trầm thêm nữa, nghiệt ngã thêm nữa, thành bại vinh nhục thêm nữa, thì bạn sẽ có được những cái thấy đó.
Hoặc là không cần nhìn ai nhiều, không cần trải nghiệm nhiều, không cần dành thời gian để suy nghĩ mãi mà không ra, chúng ta còn một phương pháp nữa, đó là thiền.
2. Có kinh nghiệm đối ứng – có trí tuệ
Một người có kinh nghiệm đối ứng là khi bạn đã quen thuộc những việc thường xuyên xảy ra. Bạn biết cái gì sắp xảy ra nên bạn không lo lắng nữa. Khi bạn không có kinh nghiệm, chỉ cần nó vượt ra khỏi sự tiên đoán của bạn, sự sắp xếp của bạn, nỗi lo sẽ xuất hiện. Cho nên khi bạn có trải nghiệm, có học hỏi, có tích lũy được, nó sẽ trở thành kinh nghiệm đối ứng. Nó sẽ giúp cho bạn bớt lo lắng.
Muốn có kinh nghiệm đối ứng bạn cũng cần có sự trải nghiệm, bạn cũng cầu tư duy và quan sát. Thật ra tư duy chỉ là kiến thức đối ứng, nó chưa thành trải nghiệm, nhưng nó cũng giúp ích được.
Còn muốn có trí tuệ thì không phải ngồi suy nghĩ mà có trí tuệ. Đọc nhiều sách cũng không thể có trí tuệ. Mà phải thiền, quay vào bên trong khám phá bản thân, phá vỡ phiền não.
3. Tự tin – có sức chịu đựng
Chúng ta cũng có một số tự tin ví dụ như tự tin vào sự thông minh của mình, tài năng của mình, trên những thành tựu của mình. Nhưng những sự tự tin đó thường là do người khác tin tưởng. Cái gì mình làm mà được người khác công nhận, quí trọng, ngưỡng mộ, thì mình sẽ rất là tin vào cái đó. Còn khi mình làm mà bị người khác phủ nhận, không tin, không chấp nhận thì mình sẽ mất dần niềm tin vào những việc mình làm. Mình sẽ bỏ cuộc. Cho nên những cái thường gọi là tự tin, kì thực đó là tha tin (tức là niềm tin đến từ bên ngoài).
Và khi người ta bớt tin vào cái đó nữa, không thích nữa, người ta rút niềm tin lại thì niềm tin vào bản thân của mình cũng bị sụp đổ. Cho nên hầu hết niềm tin đều bị điều kiện hóa, tức là phải dựa vào người khác mình mới tin vào bản thân của mình. Nhất là khi mình bị người khác bỏ rơi, không thương mình nữa, bị bội bạc .. là mình mất trắng niềm tin vào bản thân mình.
Vậy niềm tin đích thực là bạn phải chiến thắng chính mình, chiến thắng những bóng tối, những yếu kém, những năng lượng tiêu cực trong chính mình; thì niềm tin này do chính mình tạo ra chứ không phải dựa trên niềm tin của người khác. Và khi một người đã có tự tin, thì người khác có tin hay không thì không còn quan trọng nữa. Vậy muốn có tự tin, bạn phải quay vào bên trong, thay vì bạn hướng ra bên ngoài. Quay vào bên trong không phải là chìm vào nội tâm, để rồi suy nghĩ vẩn vơ để phân tích, giải thích một cái gì, mà quay vào bên trong để thiền.
Muốn có sức chịu đựng thì một mặt bạn phải buông xã những cảm giác dễ chịu và bạn học cách chấp nhận càng nhiều càng tốt những cảm giác khó chịu. Dung lượng trái tim của bạn có thể lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào phẩm chất đời sống của bạn. Có khi nó chỉ là một tô nước, có khi nó là một dòng sông, tùy vào sự luyện tập của bạn. Khi bạn nuông chiều bản thân, bạn hưởng thụ thì sực chịu đựng rất yếu ớt. Còn nếu bạn buông bớt sự hưởng thụ thì sực chịu đựng sẽ lớn rộng ra. Và ai trong chúng ta cũng có chất thánh là nới rộng dung lượng trái tim đến vô cùng. Chúng ta sẽ làm được. Tuy chưa phải là bậc thánh, nhưng mình đang trên đường đi về hướng đó.
Muốn có sức chịu đựng, bạn cần có ý chí và ý thức. Có khi bạn dùng ý chí để nhắc nhở mình buông bỏ bớt, không mong cầu nữa, chấp nhận hơn nữa, tự ép mình chấp nhận. Hầu hết chúng ta dùng cách này. Còn dùng ý thức là bạn quan sát cái tâm phản ứng, chưa chịu chấp nhận, còn đang tìm cầu hưởng thụ. Khi bạn quan sát , nó sẽ tự rơi rụng. Quan sát tâm chống cự, nó cũng sẽ yếu dần. Ý thức là thứ vũ khí tốt gấp trăm ngàn lần so với ý chí. Mặc dù ý chí có thể mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng không diệt tận gốc. Chỉ có ý thức mới diệt tận gốc. Mà muốn có ý chí và ý thức thì buộc bạn phải tỉnh thức. Muốn có tỉnh thức thì phải thiền.
4. Có khả năng hài lòng với những gì mình đang có trong hiện tại
Muốn có sự hài lòng thì bạn phải ý thức và thưởng thức những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có. Thưởng thức là đang nói tới một quá trình dù đôi khi chỉ dài đôi ba phút, đó là duy trì ý thức về điều kiện hạnh phúc hiện tại. Đôi khi mình có điều kiện hạnh phúc mà mình không thấy được, cho nên cần nhớ ra, thấy được; vì không nhớ không thấy được thì sẽ không cảm thấy hạnh phúc được. Vấn đề của con người là không nhớ ra những điều kiện hạnh phúc mà mình có được, chứ không phải là không có. Mà muốn có điều này thì phải tỉnh thức. Muốn có tỉnh thức thì phải thiền.
---------------
(Bản Hoa Anh Đào)