Có hai người kia cùng một hoàn cảnh là
túng thiếu, nghèo đói. Được sự mách bảo của Bụt, hai người cùng đi tới một ngọn
núi để tìm kế sinh nhai. Núi có mỏ than nên hàng ngày hai người đó có thể khai
thác than đem ra chợ bán đổi lấy tiền. Sau một tháng sẽ xem kết quả.
Hai người cùng nhau đào than. Người A rất
chăm chỉ làm việc và chẳng mấy chốc đào được một xe than đầy, chở ra chợ bán lấy
tiền. Anh lấy số tiền đó mua hết đồ ăn ngon mang về cho vợ và con cùng hưởng.
Người B không làm tích cực được như vậy,
đào một lát đã thấy mệt và toát hết mồ hôi. Đến chiều muộn mới đào xong được gần
đầy xe than, cũng đem ra chợ bán lấy tiền. Tuy nhiên, anh chỉ mua một ít bánh mỳ
thô, số còn lại để dành.
Sáng ngày hôm sau, người A lại cật lực
đào xới than, còn người B ra chợ. Một lát sau anh trở về với hai người đàn ông
rất khỏe mạnh và không có việc gì làm để kiếm tiền. Hai người kia tới mỏ than,
không ai bảo ai cật lực đào bới, người B chỉ đứng và chỉ đạo họ làm việc.
Chỉ trong buổi sáng, người B đã có hai
xe than đầy. Anh lại mang ra chợ bán đổi lấy tiền và thuê thêm nhân công. Cứ thế
số than anh khai thác ngày một nhiều, trừ đi tiền trả cho người làm thuê cũng
còn kha khá.
Một tháng trôi đi nhanh chóng và người A
vẫn vậy, hàng ngày mua được đồ ăn ngon, rượu ngọt nhưng không dành dụm được gì.
Ngược lại người B đã trở nên giàu có, sở hữu trong tay một đội quân khỏe mạnh để
hàng ngày khai thác rất nhiều than chở ra chợ bán, thu về bội tiền.
Và có lẽ người, mọi người đọc tới đây
cũng đã hiểu câu chuyện muốn nhắn nhủ điều gì!
Chúng ta hiểu rõ yếu tố cốt lõi mang đến
thành công, hạnh phúc, lạc quan hay trở nên “giàu có” (theo nghĩa rộng). Có lẽ
sự thành đạt không hẳn nằm ở việc chúng ta lao đầu, dốc hết sức lực vào một vấn
đề, một công việc nào đó, mà chính là sự nhận thức đúng đắn, phù hợp và cách thức
triển khai, vận hành hoàn cảnh, nhân lực và tài lực của mình. Nếu biết sử dụng
tốt nguồn tài nguyên sẵn có cho dù là ít ỏi, thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ
thành công…. Nội dung câu chuyện muốn hướng chúng ta đến ý nghĩa tích cực trong
đời sống, ai cũng hiểu cả.
Tuy nhiên trong thực tế lại khác, dường
như có một bàn tay vô hình thò ra sắp đặt và chi phối những thành – bại, may –
rủi trong cuộc đời mỗi người. Thi thoảng, chúng ta thấy có người muốn dấn thân
vào con đường đạo nghiệp lại gãy gánh giữa đường. Có những người hoạch định
phương án, dự thảo chặt chẽ, vững chắc nhưng vẫn thất bại như thường. Và còn rất,
rất nhiều vấn đề trong cuộc sống đang diễn ra mỗi ngày.
"Mưu sự tại nhơn, thành sự tại.... Phước
báo và Nghiệp lực."
Chính nó, là người dấu mặt, kẻ quyết
sách trong sự thành - bại, nên - hư trong cuộc sống này.
Mỗi ngày, mỗi người đeo vào mắt mình rất
nhiều những chiếc kính màu sắc khác nhau nên cái thấy mỗi người, mỗi lúc cũng
khác nhau nên tùy mỗi người, ai muốn nghĩ sao, làm thế nào cũng được….