DẤU CHÂN TRÊN CÁT - PHẦN PHỤ LỤC

Theo các nhà khảo cổ thì Ai Cập là một trong những nền văn minh cổ nhất của nhân loại.

Mặc dù ngày nay người ta vẫn chưa xác định được nguồn gốc dân Ai Cập nhưng khoảng hơn bảy ngàn năm trước, người Ai Cập đã di cư đến vùng đồng bằng quanh lưu vực sông Nile rồi định cư tại đó. Truyền thuyết Ai Cập nói rằng tổ tiên của họ xuất phát từ một đại lục rất xa, nơi có nền văn minh rất cao nhưng vì biết nơi đó sẽ gặp nạn hồng thủy nên một số người đã đóng thuyền di cư đến vùng này. Có thể vì xuất thân từ một nền văn minh cao nên từ bảy ngàn năm trước, người Ai Cập đã có chữ viết, biết sử dụng toán học để xác định vị trí các tinh tú và xây cất những kiến trúc hùng vĩ như thế.
Các nhà sử học sắp xếp lịch sử Ai Cập ra làm 6 thời đại với 30 triều đại vua Pharaoh như sau:
1. Tiền sử Thời đại (Pre-historic Period): Khoảng 7000 năm đến 5000 năm trước Công nguyên. Đây là một thời đại mơ hồ với rất nhiều huyền thoại, truyền thuyết mà phần lớn các học giả người Âu cho là hoang đường, huyền hoặc, không đáng tin.
2. Nguyên sử Thời đại (Early Dynasties Period): Khoảng 5000 năm đến 4000 năm trước Công nguyên. Lúc đầu Ai Cập chia làm nhiều vùng, mỗi vùng có một sứ quân cai quản cho đến khi sứ quân Menes nổi lên đánh dẹp các sứ quân khác, thống nhất Ai Cập thành một quốc gia. Menes tự xưng là Pharaoh (Người Ở Nhà To Lớn), vừa là người vừa là thần linh, có quyền hành tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Pharaoh Menes chia xã hội thành những giai cấp để dễ bề cai trị. Giai cấp thứ nhất là Pharaoh và gia đình, nắm quyền chỉ huy cai trị. Giai cấp thứ hai là giáo sĩ, phần lớn là những người có học thức cao, có nhiệm vụ làm trung gian giữa thần linh và con người. Giai cấp thứ ba là quí tộc, gồm các quan lại và quân nhân, nắm quyền giữ an ninh, trật tự trong các địa phương. Những giai cấp sau như thợ thuyền, thương buôn, công nghệ và nông dân có bổn phận phục vụ cho những giai cấp trên. Pharaoh Menes lập triều đình gồm các quan thu thuế, xử kiện, giữ sổ sách và đặc biệt ghi chép các biến cố lịch sử lên bia đá nên từ đó lịch sử Ai Cập được đời sau biết đến.
3. Cổ sử Thời đại (Old Kingdom Period): Khoảng 4000 năm đến 3000 năm trước Công nguyên. Đây là thời đại rất đặc biệt với 6 triều đại và 32 Pharaoh mà vị nào cũng cho xây cất, kiến tạo những Kim Tự Tháp, đền đài, lăng tẩm hết sức hùng vĩ. Cũng trong thời đại này, người Ai Cập bắt đầu sử dụng thuyền buồm, bánh xe, nấu thủy tinh, luyện kim và xây các đập nước, kinh đào để dẫn nước vào ruộng.
4. Trung sử Thời đại (Middle Kingdom Period): Khoảng 3000 năm đến 2000 năm trước Công nguyên. Thời đại này gồm có 7 triều đại và hơn 100 Pharaoh. Đây là giai đoạn xã hội Ai Cập suy đồi nhiều vì đa số các Pharaoh chỉ lo hưởng thụ các tiện nghi vật chất chứ ít chịu phát triển hay xây dựng. Đây cũng là giai đoạn mà nền tôn giáo cổ Ai Cập thoái hóa thành các hình thức mê tín dị đoan nên việc sử dụng tà thuật, bùa chú rất thịnh hành. Nhiều người đã gọi thời đại này là thời đại của các giáo sĩ vì quyền hành của họ vượt xa Pharaoh. Hầu hết chủ trương tôn thờ Amun (Đa thần giáo) với các nghi thức thờ cúng, tế thần và giết nô lệ để chuộc tội.
5. Tân Sử Thời đại (New Kingdom Period): Khoảng 2000 năm đến 1000 năm trước Công nguyên. Thời đại này gồm 8 triều đại và 20 Pharaoh mà người nào cũng gây chiến với các nước láng giềng. Các nhà viết sử đã đề cao thời đại này như giai đoạn huy hoàng nhất lịch sử Ai Cập với các chiến công hiển hách, các đền đài lăng tẩm được xây cất to lớn vĩ đại hơn những triều vua trước. Hầu hết những Pharaoh thời này đều là những bạo chúa khát máu, chỉ trừ một Pharaoh duy nhất bị lịch sử chê trách là nhu nhược, hèn yếu vì đã từ bỏ truyền thống cũ để cổ xướng một sự thay đổi chưa từng có trong lịch sử Ai Cập. Pharaoh Akhenaten đã từ bỏ việc thờ cúng thần Amun mà chủ trương tôn thờ Aten (Độc thần giáo) hay chân lý tuyệt đối trong vũ trụ.
Trong 17 năm cai trị của ông, Ai Cập không hề gây chiến tranh mà chỉ phát triển rất mạnh về phương diện nghệ thuật, văn chương, đặc biệt là thơ phú. Các nhà khảo cổ đã gọi Akhenaten là "Pharaoh thi sĩ" vì ông đã để lại nhiều bài thơ khắc trên bia đá, thạch trụ rất đặc biệt. Sau khi Akhenaten qua đời, các vị Pharaoh đời sau lại phục hồi việc thờ cúng thần Amun và gây chiến với các nước chung quanh. Triều đại Seti mở rộng biên giới Ai Cập ra khắp bán đảo Ả Rập. Triều đại Ramses tiếp tục công cuộc xâm lăng các nước láng giềng, thu hoạch rất nhiều chiến lợi phẩm và nô lệ, mang về Ai Cập để xây cất các đền đài vĩ đại chưa từng có. Tuy nhiên cuộc chiến tranh kéo dài hàng trăm năm này đã mang lại một hậu quả rất khốc hại cho người Ai Cập. Vì đa số chỉ quen chém giết, cướp bóc chứ không còn biết xây dựng cho nên khi không còn kẻ thù nào để chinh phục, họ quay ra chém giết, bóc lột và tàn sát lẫn nhau khiến xã hội Ai Cập trở nên hỗn loạn, vô trật tự, suy yếu và theo thời gian trở thành mồi ngon cho Syria và Ba Tư. Đây cũng thời đại tự chủ cuối cùng của người Ai Cập vì trong suốt 2000 năm sau, Ai Cập hoàn toàn nằm dưới ách cai trị và bảo hộ của các quốc gia khác.
6. Ngoại thuộc Thời Đại (Domination Period): Khoảng gần 1000 năm trước Công nguyên cho đến cận đại. Giai đoạn này Ai Cập mất quyền tự chủ và bị đặt dưới ách cai trị của các cường quốc khác. Lúc đầu họ bị người Syria xâm lăng, chiếm đoạt phần lớn đất đai; sau đó Ai Cập lại bị Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, và cuối cùng là các cường quốc Âu châu như Pháp và Anh xâm chiếm, cai trị. Mặc dù trên nguyên tắc, Ai Cập vẫn được duy trì chế độ quân chủ (có vua và triều đình), nhưng suốt thời gian mấy ngàn năm, hầu hết các nhà lãnh đạo Ai Cập chỉ là những vị vua bù nhìn, vô quyền, làm tay sai cho những thế lực ngoại bang. Nền văn hóa phong phú của họ bị thay thế bằng một thứ văn hóa ngoại lai, lúc đầu chịu ảnh hưởng Ba Tư, Hy Lạp; sau bị đồng hóa với văn hóa Ả Rập. Ngay cả chữ viết của Ai Cập cũng hoàn toàn bị thay thế bằng chữ Hy Lạp và chữ Ả Rập. Đầu thế kỷ 18, tiếng Pháp trở nên ngôn ngữ chính rồi qua thế kỷ 19, tiếng Anh được sử dụng trong các văn kiện, giấy tờ và ngay cả hiến pháp quốc gia. Năm 1952, tướng Gamal Nasser truất phế hoàng đế bù nhìn Farouk, lập chế độ Cộng hòa Ai Cập và trở thành vị tổng thống đầu tiên của xứ này. Kể từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên cho đến thế kỷ 20, Ai Cập mới thực sự giành được độc lập.
° ° °
NHỮNG PHARAOH SAU AKHENATENSau khi Akhenaten qua đời, Tể tướng Smenkere lên ngôi Pharaoh nhưng ông nầy chỉ cai trị được hai năm thì chết. Người con duy nhất của ông tên Tut khi đó mới 12 tuổi, lên ngôi lấy hiệu là Tutankhamun (Tut tôn thờ Amun). Điều này cho thấy chỉ một thời gian ngắn, các giáo sĩ phái Amun đã phục hồi ảnh hưởng và thế lực với triều đình. Trước khi chết, Pharaoh Smenkere chỉ thị cho Tut phải lấy Ankhense, con gái lớn của Akhenaten làm hoàng hậu và phong cho cô này tước hiệu là Akhenseamun (Akhen tuân phục Amun). Pharaoh Tutankhamun (thường được gọi là King Tut) cũng chỉ cai trị được 6 năm thì qua đời. Vì ông chưa có con nối dõi nên ngôi vị Pharaoh được truyền cho Tể tướng Horemheb.
Pharaoh Horemheb cai trị Ai Cập được 28 năm. Ông đặt ra một nền quân chủ pháp trị rất nghiêm khắc, áp dụng kỷ luật thép cho các trai tráng trong nước. Dưới sự lãnh đạo của Horemheb, Ai Cập đã có những lực lượng quân sự hùng hậu, thiện chiến hơn những Pharaoh đời trước.
Vị chỉ huy, tướng Seti, đã dẫn quân chinh phạt khắp nơi và nổi tiếng là một trong những vị tướng khát máu nhất lịch sử Ai Cập. Seti chủ trương phải tiêu diệt các tiểu quốc quanh vùng, bắt những người này làm nô lệ cho người Ai Cập. Người Do Thái, vì sống tại Palestine gần đó, đã trở thành những nạn nhân đầu tiên. Seti để lại câu nói bất hủ: "Nếu người Do Thái được tự do, người Ai Cập không thể ngóc đầu lên được".
Sau khi Pharaoh Horemheb qua đời, Seti đã giết luôn mười hai người con của Horemheb rồi tự xưng làm Pharaoh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ai Cập, một tướng lãnh đã soán ngôi Pharaoh một cách công khai, không sợ lịch sử phê phán hay thần linh trừng phạt. Việc này cũng tạo ra một tiền lệ cho những đời vua sau đó. Triều đại Seti kéo dài được ba đời thì vị hoàng đế Seti đời thứ tư bị một tướng lãnh khác là Ramses giết chết.
Triều đại Ramses kéo dài được tám đời và được các nhà chép sử coi là triều đại vẻ vang nhất lịch sử Ai Cập. Các Pharaoh này đã liên tiếp gây chiến tranh với các nước chung quanh, chiếm đoạt rất nhiều tài nguyên và nô lệ để xây cất những đền đài lăng tẩm vĩ đại, chưa từng có. (Lịch sử ghi nhận, dưới sự lãnh đạo của nhà tiên tri Moise, người Do Thái được trả tự do vào đời Ramses thứ tư - Chương Exodus trong Kinh Thánh).
Sau triều đại Ramses, xã hội Ai Cập trở nên thoái hóa, hỗn loạn, vô trật tự vì các vua chúa và tướng lãnh không ngừng tranh chấp lẫn nhau. Không một vị vua nào cai trị được quá 4 năm. Có nhiều người chỉ lên ngôi được vài tháng đã bị giết. Triều đình hỗn loạn, quan lại tham những, giới quí tộc lo bóc lột, xã hội suy đồi, kinh tế kiệt quệ, kẻ mạnh đàn áp người yếu, dân chúng đói khổ lầm than nên chỉ ít lâu sau, Ai Cập trở thành miếng mồi ngon cho người Syria.
Dưới sự cai trị của Syria, phần lớn các đền đài, lăng tẩm của vua chúa Ai Cập bị đập phá và dân Ai Cập phải cam chịu cảnh làm nô lệ cho người Syria, một giống dân mà khi xưa họ vẫn khinh là man di mọi rợ. Ít lâu sau, người Ba Tư đánh đuổi người Syria, chiếm Ai Cập và đặt xứ này dưới ách cai trị của họ trong suốt 260 năm.
Khoảng 322 năm trước Công nguyên, Hoàng đế Alexander của Hy Lạp khởi binh đánh đuổi người Ba Tư và chiếm Ai Cập. Tuy nhiên đối với các nhà chép sử Ai Cập thì đây là một cuộc giải phóng chứ không phải xâm lăng. Sở dĩ người Ai Cập có cảm tình với Hy Lạp vì Hoàng đế Alexander không những thông hiểu phong tục, tập quán của Ai Cập một cách tường tận mà còn tỏ ra tôn trọng các truyền thống văn hóa, tôn giáo của xứ này. Có lẽ Hoàng đế Alexander sở hữu một kiến thức rộng về Ai Cập vì thày dạy học của ông là hiền triết Aristotle, vốn là môn đệ của môn phái triết học do một người Ai Cập tên là Sinuhe khởi xướng. Học trò môn phái này đều là những triết gia nổi danh của Hy Lạp như Socrates, Plato, Aristotle, Pythagore, Thales, Lycurge, Solon, Jamblicus, Horedotus, Epitetus v.v…
Vì người Ai Cập xem Alexander như một nhà giải phóng xứ này khỏi ách ngoại xâm nên các giáo sĩ Ai Cập đã phong cho ông làm Pharaoh Ai Cập. Tuy nhiên chỉ ít lâu sau, Alexander lại lên đường tiếp tục công cuộc chinh phục các xứ khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Syria, A Phú Hãn và Ấn Độ. Ông ban sắc lệnh đặt Ai Cập là đất bảo hộ, cho thiết lập một chế độ quân chủ tự trị nhưng bắt các Pharaoh Ai Cập hằng năm phải triều cống Hy Lạp. Không những thế, ông vẫn để một lực lượng quân đội lớn chiếm đóng xứ này để giám sát mọi việc nên chỉ ít lâu sau, nhiều tướng lãnh Hy lạp đã trở nên Pharaoh cai trị xứ này.
Khi Hy Lạp suy vong thì La Mã trở nên một thế lực quan trọng, kiểm soát toàn vùng Địa Trung Hải và xâm lăng Ai Cập. Lúc đó trong triều đình Ai Cập đang có việc tranh chấp ngôi vị Pharaoh. Công chúa Cleopatra sử dụng nữ sắc để lung lạc Hoàng đế Ceasar của La Mã khiến ông này phong cô làm Pharaoh.
Sau khi Caesar qua đời, Hoàng đế La Mã Augustus ban sắc lệnh sáp nhập Ai Cập thành một phần của đế quốc La Mã. Một lần nữa, người Ai Cập lại nai lưng ra phục vụ các triều vua La Mã cho đến khi đế quốc La Mã suy vong thì người Ả Rập xâm chiếm Ai Cập, đặt ra chế độ Caliphs để cai trị xứ này.
Từ đó hết quốc gia này đến quốc gia khác thay phiên nhau chiếm đóng, đô hộ Ai Cập cho đến thế kỷ 20, người Ai Cập mới thực sự giành lại chủ quyền.
° ° °
CHỮ VIẾT AI CẬPTừ 7000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập đã có chữ viết, một thứ chữ tượng hình rất phong phú. Các nhà khảo cổ đã tìm được những tài liệu khắc trên đá đề cập đến vị trí các tinh tú cũng như ảnh hưởng thời tiết trong việc cấy cày ghi khắc vào năm 6700 trước Công nguyên.
Khi Ai Cập bị Ba Tư, Hy Lạp và Ả Rập cai trị thì văn hóa xứ này bị pha trộn với các ảnh hưởng ngoại lai nên dần dần thoái hóa, suy đồi. Mặc dù tiếng nói còn được sử dụng trong một thời gian nhưng chữ viết Ai Cập đã bị thất truyền vào khoảng đầu thế kỷ thứ ba sau Công nguyên.
Sử gia Julius ghi nhận không một người Ai Cập nào còn đọc được chữ viết của dân tộc họ nữa mà chỉ sử dụng chữ Hy Lạp, La Mã hoặc Ả Rập. Vì thế đa số người Ai Cập không hiểu được những giòng chữ ghi khắc trong các đền đài, lăng tẩm, cổ mộ, bia đá, thạch trụ nên chẳng mấy ai biết gì về nguồn gốc cũng như gia sản văn hóa phong phú mà cha ông họ đã để lại. Có lẽ vì thế người Ai Cập đã chấp nhận văn hóa Ả Rập như văn hóa chính thức của họ và trong mấy ngàn năm dài, lịch sử và văn hóa Ai Cập chỉ là những huyền thoại mơ hồ được kể lại trong những câu chuyện truyền khẩu chốn dân gian mà thôi.
Năm 1798, Hoàng đế Napoleon đem quân xâm chiếm Ai Cập. Ông cho xây cất những pháo đài quanh vùng duyên hải để ngăn ngừa tầm hoạt động của hải quân Anh. Trong lúc xây cất pháo đài nằm cạnh hải cảng Rosetta, Trung sĩ Pháo binh Boussard đã tìm được một khối đá màu đen trên có ghi khắc 54 giòng chữ Ai Cập và một bản dịch bằng tiếng Hy Lạp phía dưới. Chính nhờ thế mà nhà khảo cứu cổ ngữ Champollion mới nghiên cứu, sắp đặt lại các mẫu tự Ai Cập và phục hồi văn tự đã thất truyền này.
Qua công trình nghiên cứu của Champollion, các nhà khảo cổ đã dựa theo đó để phiên dịch các chữ viết ghi khắc trong các đền đài, cổ mộ, thạch trụ và phục hồi các chi tiết lịch sử Ai Cập cũng như góp phần phục hưng nền văn hóa phong phú này. Các công cuộc nghiên cứu về văn hóa Ai Cập bắt đầu khoảng cuối thế kỷ 19 qua sự khai quật các ngôi cổ mộ và đến nay đã hé mở cho chúng ta thấy được một phần về nền văn minh đã bị vùi lấp dưới lớp cát sa mạc này.
° ° °
CÁC TÀI LIỆU KHẢO CỔThời gian gần đây, người ta đã đào xới được rất nhiều cổ mộ và di tích như các cột đồng, bia đá ghi khắc các chi tiết lịch sử nên quá khứ huy hoàng của Ai Cập đã dần dần được phơi trải một cách khá rõ ràng, minh bạch. Từ trước đến nay, người ta chỉ biết về Ai Cập qua tài liệu của các sử gia Hy Lạp hoặc một vài truyền thuyết trong dân gian nhưng đến nay, các cuộc khảo cổ đã vén tấm màn bí mật để hé mở cho chúng ta thấy phần nào về nền văn minh cổ nhất lịch sử nhân loại này.
Giáo sư Bob Brier, nhà khảo cổ Ai Cập nổi tiếng nhất của hậu bán thế kỷ 20, người có công tìm ra hơn một trăm ngôi mộ của các Pharaoh Ai Cập, đã viết về cái chết của Pharaoh Akhenaten như sau:
"Mỗi khi một Pharaoh qua đời, triều đình đều gửi sứ giả đi khắp nước loan báo tin dữ này. Theo truyền thống, dân chúng ngưng hết mọi việc buôn bán, đồng áng trong ba ngày để chia buồn với hoàng tộc. Hiển nhiên cái chết của Pharaoh là một biến cố lớn vì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Ai sẽ được thần linh chỉ định làm Pharaoh cai trị xứ này? Tuy nhiên theo sự suy nghiệm của tôi thì cái chết của Akhenaten có lẽ không như thế. Bên ngoài đa số tuy tỏ ra buồn rầu, lo lắng nhưng bên trong ắt hẳn một số không giấu được nỗi vui mừng. Hiển nhiên các giáo sĩ phái Amun phải vui lắm vì lời cầu xin của họ đã đến tai thánh thần.
Trong suốt lịch sử Ai Cập, Akhenaten là vị Pharaoh duy nhất không thần phục các nghi thức thờ cúng quỉ thần hay dâng cúng phẩm vật cho giới giáo sĩ như các Pharaoh đời trước và sau đó. Tại liệu đào được tại một đền thờ ở Memphis đã ghi: "Dưới thời Akhenaten, các đền thờ Amun từ Thebes đến Memphis đều hoang phế, điêu tàn. Các giáo sĩ không được triều đình cung cấp lễ vật nên rất đói khổ".
Hiển nhiên giới quan lại và quý tộc có lẽ cũng vui mừng không kém vì trong suốt thời gian trị vì Ai Cập, Akhenaten đã cắt giảm thuế má cho dân chúng tối đa. Không những thế, ông còn ban nhiều sắc luật cải tổ hệ thống bắt đinh, buôn bán nô lệ, thu thuế ruộng nương, đào xới khoáng vật cùng các quyền lợi mà giới quí tộc từ trước vẫn được hưởng. Tài liệu đào được trong ngôi mộ của nhà quí tộc Ankhesong đã ghi nhận: "Vợ tôi chết mà không được hưởng nghi thức tống táng của một mệnh phụ phu nhân. Đáng lẽ ra vợ tôi phải được phép chôn theo một trăm nô lệ để hầu hạ nàng ở thế giới bên kia. Thế nhưng Pharaoh Akhenaten lại hạ lệnh cấm chôn người sống trong mồ khiến vợ tôi phải chịu cảnh không người hầu hạ. Đã thế, qua sắc lệnh của nhà vua, sau khi vợ tôi chết, các nô lệ của nàng phải được trả tự do làm cho tôi thiệt hại một khoảng tiền rất lớn".
Hiển nhiên giới quân nhân có lẽ cũng vui mừng không kém vì từ nay họ có quyền gây chiến tranh và chiếm đoạt tài sản các nước khác. Trong một bản văn tìm thấy ở thung lũng Mayaheb có ghi: "Tại sao tôi lại sinh ra dưới triều đại một vị Pharaoh không thích chiến tranh? Nếu không có chiến tranh thì làm lính có ý nghĩa gì? Đời sống không có một giá trị gì, không có một vẻ vang gì nếu người lính không được múa gươm ra trận, uống máu quân thù và hưởng thụ những phụ nữ bắt được từ nước khác".
Theo sự suy nghiệm của tôi, có lẽ những nghệ sĩ sống quanh thành phố Amarna là lo lắng hơn cả vì số phận của họ bị đe họa nặng nề. Akhenaten là một Pharaoh yêu thích nghệ thuật, chiêu đãi nghệ sĩ nên quanh thủ đô Tel El Amarna, số nghệ sĩ kéo đến cư ngụ rất đông. Sự lo lắng của họ không phải vô cớ vì sau đó ít lâu, khi Pharaoh Smenkere (có sách dịch là Smenkare) lên ngôi thì ông lại dời đô về Memphis. Do đó Amarna đã trở nên một thành phố hoang vắng, điêu tàn."
Năm 1957, nhà khảo cổ Donald Redford đã tìm được ngôi mộ của Pharaoh Akhenaten tại một thung lũng hẻo lánh gần Amarna. Ông ghi nhận: "Hầu hết tất cả các Pharaoh Ai Cập đều cho chôn cất thi hài của mình trong Thung Lũng Mộ Vua (Valley of the Kings), nhưng không hiểu sao Akhenaten lại không chịu mai táng ở đây mà xây cho mình một nhà mồ khiêm tốn, giản dị nằm khuất sau một hẻm núi cách Amarna khoảng 6 dặm về phía đông. Ngôi mộ được đục sâu vào vách núi, cửa mộ có ghi dấu ấn của vua. Qua khung cửa hẹp là một hành lang dài khoảng mười lăm thước dẫn vào một căn phòng nhỏ, trong để cỗ quan tài của Akhenaten. Theo truyền thống, các Pharaoh Ai Cập đều cho xây cất những cỗ quan tài bằng đá, phía trong để áo quan bằng gỗ với nhiều lớp vỏ dày bao bọc quanh xác ướp (Sarcophagus). Tuy nhiên Akhenaten lại chỉ có một chiếc bệ bằng đá hoa cương sơ sài và một chiếc hòm gỗ không có nhiều lớp vỏ như các cỗ quan kia. Điểm đặc biệt là phía trên nắp hòm không chạm trổ hình ảnh thần linh như các vua chúa khác mà chỉ ghi tên người vợ thân yêu của ông là Nefertiti mà thôi. Điều này xác nhận sự không tin tưởng vào các thần linh như truyền thuyết Ai Cập vẫn nói về vị Pharaoh "vô thần, vô tín ngưỡng" này. Một điều bất ngờ nữa là người ta không tìm thấy dấu vết gì về xác ướp của ông. Khi khai quật ngôi mộ này, người ta không hề tìm thấy một xác ướp nào, kể cả các xác ướp giữ mồ, xác các nô lệ được chôn theo mồ để hầu hạ vua ở thế giới bên kia. Hiển nhiên đã có những kẻ trộm mồ mả, đến đây đào xới để lấy cắp đồ quí, nhưng thường thì các tay trộm này dùng lửa đốt cháy xác ướp trước khi lấy đồ quí và di tích chiếc xác bị cháy vẫn còn đó. Đằng này ngôi mộ không hề có một dấu vết gì khác thường. Không lẽ các tay trộm lại mang xác ướp của ông đi? Phải chăng Akhenaten được chôn cất tại nơi khác? Tuy nhiên trên vách tường ngôi mộ cổ vẽ lại cảnh tượng đám tang của Akhenaten cũng như ghi lại chi tiết về ngày giờ chết của ông một cách rõ ràng. Nếu quả như thế thì xác ướp của Akhenaten đã đi đâu?"
Nhà khảo cổ Donald Redford, người bỏ ra hơn hai chục năm nghiên cứu tìm kiếm ngôi mộ của Akhenaten, đã viết: "Cuộc tìm ra ngôi mộ của Akhenaten có lẽ là một sự thất vọng lớn đối với tôi. Không những ngôi mộ trống trơn chẳng có đồ quí giá gì, mà ngay chiếc xác ướp cũng không có. Đã thế chiếc áo quan bằng gỗ cũng chỉ ghi khắc vài nét sơ sài, không có giá trị gì ngoài chứng cớ lịch sử. Có lẽ tài liệu quí nhất là mấy chục tập thơ của ông làm khi còn sinh tiền được chôn theo mồ mà thôi".
Qua tài liệu này, người ta thấy Akhenaten là một vị vua thi sĩ rất yêu cảnh vật thiên nhiên. Trong ba chục bài thơ chôn theo mộ có đến 26 bài ca tụng cảnh thiên nhiên, như cảnh rạng đông, buổi chiều tà, những đồng lúa hay thời tiết mưa nắng. Có bốn bài thơ của vua viết về vợ là hoàng hậu Nefertiti mà ông gọi là "Nàng Mật Ngọt" (Sweet Honey). Truyền thuyết Ai Cập cho rằng Akhenaten đã giả chết và thoát ra khỏi nhà mồ, do đó ông không chịu tống táng theo nghi thức ướp xác thông thường và cỗ quan tài của ông chỉ là một hòm gỗ sơ sài, chứ không đóng hàng chục lớp ván như những cỗ quan tài khác.
Một truyền thuyết khác cho rằng Akhenaten đã phục sinh nên trong mồ không có xác ướp. Có hàng chục giai thoại về Pharaoh thi sĩ này nhưng đến nay cái chết và những bí mật về ngôi mộ của Akhenaten vẫn là một dấu hỏi mà chưa ai tìm được câu trả lời. Trong công cuộc nghiên cứu, nhiều nhà khảo cổ đã làm việc một cách cẩu thả. Họ quá chú trọng đến việc phiên dịch các giòng chữ ghi khắc trong các ngôi cổ mộ mà không để ý đến những chi tiết lịch sử và phong tục xứ này nên đã có nhiều ngộ nhận đáng tiếc.
Thí dụ như Smenkere (Pharaoh Smenkere) được coi là "con trai" của Akhenaten. (Theo nhà khảo cổ Donald Redford thì danh từ "con" ở đây chỉ có nghĩa rằng Akhenaten đã nhận cho Smenkere được mang họ Amenophis chứ không có nghĩa là con ruột). Nhiều người đã kết luận rằng Pharaoh Smenkere là con trai của Akhenaten mà không chú ý đến chi tiết là Akhenaten có 6 người con (hai người chết sớm) chứ không có con trai. Nhiều nhà sử học đã ghi rằng Akhenaten truyền ngôi cho con trai là Smenkere mà không để ý đến chi tiết là Akhenaten chết năm 46 tuổi trong khi ngôi mộ của Smenkere ghi rõ ông này chết năm 72. Một người ngoài bốn mươi không thể có con trai ngoài bảy mươi được.
Cũng như thế, ngôi mộ của Smenkere ghi rõ ông này không có vợ. Chữ Ai Cập "Khum" (dịch sang Anh ngữ là "bare") nghĩa là không có gia đình hay con cái, thế mà có người lại ghi Tutankhamun là con trai của Smenkere.
Ngoài ra một số nhà khảo cổ khác còn cho Tutankhamun (King Tut) là con của Akhenaten mà quên rằng ông này không hề có con trai vì nếu ông có con trai thì một người như Smenkere chẳng thể làm Pharaoh được.
Sở dĩ có những kết luận vội vàng như thế vì Tutankhamun đã lấy Akhenaseamun, con gái lớn của Akhenaten làm vợ, tức là làm rể Akhenaten. Chữ Ai Cập, "Fi" có thể dịch nghĩa là con trai hay con rể cũng được.
° ° °
NHỮNG TÊN GỌI THEO NGHĨA AI CẬPTrong tác phẩm The Egyptian, kịch tác gia Mika Waltari đã dựa theo truyền thuyết Ai Cập và Hy Lạp để tiểu thuyết hóa những nhân vật lịch sử như Sinuhe, Akhenaten, Horemheb. Tuy nhiên các chi tiết tìm được trong các ngôi cổ mộ gần đây đã cho thấy các truyền thuyết kia có lẽ không sai sự thật bao nhiêu.
Người Ai Cập rất chú trọng đến tên gọi, danh tánh vì việc định danh cho một người là nghi thức rất quan trọng có liên quan đến đời sống ở thế giới bên kia. Sau đây là ý nghĩa tên gọi của những nhân vật chính:
- Sinuhe (Độc Cô): Con người cô độc lang thang.
- Horemheb (Hùng Nhân): Người có nhiều hùng tính.
- Akhenaten (Thuận Thiên): Người sống thuận theo lòng trời.
- Smenkere (Giám Luật): Người thi hành luật pháp.
- Taiya (Ngư Nương): Người đẹp đánh cá.
- Nefertiti (Mỹ Nương): Người đẹp từ xa đến.
- Baketamon (Thần Nương): Người tin theo quỉ thần.
- Meryt (Hạnh Nương): Người có nhiều nết tốt.
- Kepta (Lợi Nô): Người nô lệ chỉ biết tính toán lời lỗ.
Nói đến Ai Cập, người ta phải nhắc đến Kim Tự Tháp, một kiến trúc vĩ đại chưa từng có của lịch sử nhân loại. Làm sao người ta có thể di chuyển những tảng đá nặng hàng trăm tấn rồi sắp xếp chồng lên nhau một cách qui mô như thế được? Bằng kỹ thuật gì mà người xưa có thể đẽo ra những khối đá vuông vức để khi chồng lên nhau, nó vừa vặn như được đúc khuôn như thế? Người xưa xây Kim Tự Tháp vào mục đích gì?
Mặc dù có hàng chục giả thuyết khác nhau được đưa ra, nhưng hầu hết các nhà khoa học người Âu vẫn cho rằng Kim Tự Tháp chỉ là nhà mồ để tàng trữ thi thể các vua Pharaoh. Dĩ nhiên đó cũng chỉ là dự đoán.
Các nhà sử học thận trọng không chấp nhận lời giải thích này. Họ đặt ra các câu hỏi rằng tại sao Ai Cập có hàng trăm Pharaoh mà chỉ có dăm bảy Kim Tự Tháp? Không lẽ người ta đem hai triệu ba trăm ngàn tảng đá, mỗi tảng nặng trên một trăm tấn, sắp xếp lên nhau một cách công phu chỉ để tàng trữ thi hài một Pharaoh?
Các nhà khảo cổ cẩn thận hơn đưa ra một dữ kiện khác rằng, người ta không hề tìm thấy một xác chết hay một dấu tích nào cho thấy Kim Tự Tháp là một nhà mồ. Vách tường trong Kim Tự Tháp trống trơn, không ghi khắc một giòng chữ hay tranh vẽ gì trong khi những mồ mả khai quật tại Thung Lũng Mộ Vua đều có rất nhiều hình vẽ, ghi nhận những chiến công oanh liệt cũng như chi tiết về vị Pharaoh liên hệ.
Người ta còn tìm được đồ đạc, trang phục thuở sinh tiền chôn trong mồ để vị Pharaoh qua đời sử dụng ở thế giới bên kia. Chẳng lẽ một Pharaoh tốn công cho xây nhà mồ vĩ đại như thế chẳng để lại một giòng chữ hay hình ảnh gì về mình hay sao? Do đó, các nhà khảo cổ kết luận rằng chắc chắn Kim Tự Tháp không phải nhà mồ như mọi người vẫn nghĩ.
Tuy thế họ cũng bó tay không giải thích thêm được điều gì mới lạ. Cho đến nay Kim Tự Tháp Ai Cập vẫn còn là một bí mật mà chưa ai tìm ra câu trả lời.
° ° °
THUNG LŨNG MỘ VUAThung Lũng Mộ Vua (Valley of the Kings) là nơi chôn cất dành riêng cho vua chúa Ai Cập và những quan triều có liên hệ đến hoàng tộc. Đây là một thung lũng hẹp, bao bọc bởi một rặng núi đá với những sườn dốc, nhấp nhô kỳ dị. Chính Ramses II, vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Ai Cập, an giấc ngàn thu tại thung lũng này. Đây cũng là nơi Hatshepsut, người phụ nữ đầu tiên dám xưng là Pharaoh, bất chấp truyền thống trọng nam khinh nữ, được chôn cất.
Khi những nhà khảo cổ người Âu tìm đến nghiên cứu thì những ngôi mộ đều trống rỗng vì bị kẻ trộm đào xới lấy đồ quí từ lâu, chỉ còn sót lại một số chum vại bằng đất nung và những hình ảnh ghi khắc trên vách đá mà thôi.
Thật ra ngay từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, sử gia Hy Lạp Diodorus Siculus đã đến viếng nơi này và ghi nhận: "Theo các giáo sĩ phụ trách việc cúng tế nơi đây thì trong nghĩa trang có bốn mươi bảy ngôi mộ Pharaoh nhưng hơn ba chục ngôi đã bị kẻ trộm đào xới và đốt phá tan hoang. Dù triều đình có cho quân sĩ canh phòng nghiêm ngặt và kết án tử hình những kẻ trộm mồ mả nhưng nạn đào xới để lấy đồ quí vẫn xảy ra như thường".
Mười lăm thế kỷ sau, Hầu tước Richard Polockle đến đây khảo sát nhưng ông chỉ tìm được di tích của chín ngôi mộ vì những ngôi mộ kia đã bị vùi sâu trong lòng cát sa mạc. Ông viết: "Đó là những ngôi mộ trống rỗng, đồ đạc bị đập phá, chỉ còn một ít chén bát bằng đất nung và hình ảnh vẽ trên vách là còn nguyên vẹn. Tôi tìm thấy một vài mẩu xương vụn của xác ướp bị đốt cháy nám đen nhưng không biết đó là xác vua Pharaoh hay xác người hầu cận bị ướp chôn theo mồ."
Vào năm 1798, Hoàng đế Nã Phá Luân (Napoleon) mang một đoàn tùy tùng gồm nhiều khoa học gia đến Ai Cập. Họ cũng không tìm thấy gì hơn ngoại trừ các cổ mộ trống rỗng và các thạch trụ ghi khắc những văn tự lạ lùng, không ai hiểu, Nã Phá Luân bèn cho tháo gỡ một thạch trụ (Obelisk) mang về Pháp và ngày nay nó trở nên một thắng tích cho du khách tại Paris.
Vào năm 1819, nhà thám hiểm Giovani Belzoni cho khởi công khai quật những ngôi cổ mộ tại đây với mục đích tìm kiếm các báu vật còn sót lại trong mồ. Ông cũng không tìm được gì ngoài di tích ngôi mộ của Pharaoh Seti I với những hình ảnh khắc trên vách đá rất đẹp. Thất vọng, ông cho vẽ lại những hình ảnh này rồi mang về Âu châu triển lãm và mở đầu cho phong trào nghiên cứu cổ vật Ai Cập.
Một trong những người có công lớn trong việc sưu tầm các cổ vật này là nhà sưu tầm cổ ngoạn Auguste Mariette. Ông tin rằng trải qua bao năm tháng, có lẽ các cổ vật này vẫn nằm trong tay dân chúng địa phương nên thay vì đào xới mất công, ông sẵn sàng trả một món tiền lớn để mua lại những cổ vật ấy. Chỉ trong vòng một năm, ông đã mua được hơn hai ngàn cổ vật rất giá trị, để mang về trưng bày trong bảo tàng viện Louvres, Pháp quốc.
Việc phát hiện khối đá đen Rosetta với những giòng chữ Ai Cập và Hy Lạp đã giúp nhà ngôn ngữ học Jean François Champolion sắp xếp các mẫu tự Ai Cập và phục hồi được văn tự đã thất truyền từ mấy ngàn năm nay. Nhờ thế, các nhà khảo cổ mới đọc được các giòng chữ ghi khắc trong cổ mộ. Chính vì thế, nhà khảo cổ Gaston Maspero đã đọc được tài liệu khắc trên đá của Pharaoh Hettetowey: "Ta rất đau lòng khi thấy các mồ mả trong thung lũng bị đào xới tan hoang, thi hài tổ tiên ta bị phơi bầy, không ai thờ cúng nên ta cho cải táng tất cả vào hang Deir El Bahri."
Đây là một chi tiết hết sức quan trọng, cho thấy nạn đào xới mồ mả để lấy đồ quí giá đã xảy ra từ lâu nên một Pharaoh phải mang thi hài tổ tiên cải táng vào một chỗ kín đáo. Nhưng hang Deir El Bahri nằm ở chỗ nào? Các cuộc tìm kiếm đều không mang được kết quả khả quan.
Cuối cùng Maspero nảy ra một sáng kiến táo bạo. Ông bắt chước Auguste Mariette, tìm mua cổ vật từ các con buôn Ai Cập nhưng treo giá rất cao cho các cuốn Tử Thư (Book of the Death). Đây là những cuốn sách được chôn theo quan tài của các Pharaoh, tìm được sách này là tìm được quan tài.
Quả nhiên ít lâu sau có người tìm đến bán cho ông cuốn Tử Thư của Pharaoh Hettetoway và trong một thời gian ngắn, ông sưu tập được hơn mười cuốn Tử Thư của các vương tôn, đại thần thuộc triều đại này. Hiển nhiên những con buôn Ai Cập đã biết chỗ côn cất thi hài của các Pharaoh nên mới lấy được những cuốn sách ấy.
Ông bèn yêu cầu chính quyền Anh can thiệp và bắt giữ người bán cổ vật Abdul Er Rassould để điều tra. Qua sự thẩm vấn khéo léo, tên này khai rằng y đã tìm được hang Dier El Behri từ nhiều năm và sẵn sàng đưa Emil Brugsh, một thám tử người Anh, đến đó khảo sát.
El Behri là một hang sâu nằm trong lòng núi rất hiểm trở. Nếu không có người dẫn đường, ít ai có thể tìm ra được. Thám tử Brugsh phát hiện hơn năm mươi quan tài, chứa đựng thi hài các Pharaoh Ai Cập, từ thời đại Tân Sử đến thời đại của Pharaoh Hettetoway (hơn 400 năm).
Chính tại đây, Brugsh đã thấy xác ướp của Tutmosis I, II và III; Amenophis I và II (tổ tiên của Akhenaten); xác ướp của Smenkere, Horemheb; Seti I và II; Ramses I và II; Pinedjem I v.v… Tuy không phải là nhà khảo cổ nhưng ông cũng biết đây là một khám phá hết sức quan trọng. Ông cũng biết việc chính quyền Anh bắt giữ một người Ai Cập để điều tra nơi chôn giấu thi hài các vua Pharaoh có thể gây ra những hậu quả bất lợi. Nếu tin này lộ ra, người Ai Cập có thể viện cớ người Anh đến đào xới mồ mả tổ tiên họ để làm động cơ cho các lực lượng chính trị nổi dậy. Do đó ông vội vã cho thuyên chuyển những cỗ quan tài này về viện bảo tàng Cairo một cách gấp rút. Cũng vì thế, một số tài liệu đã bị thất lạc, hư hại, và ông đã không kịp ghi nhận căn hầm El Bahri bằng phim ảnh.
Sau khi kiểm điểm tất cả các thi hài, người ta thấy còn thiếu một số xác ướp của Tutmosis IV, Amenophis III và Menerpah I, là những Pharaoh đã có nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử. Vì thế một cuộc tìm kiếm qui mô đã được tổ chức ngay sau đó. Năm 1898, nhà khảo cổ Victor Loret đã tìm được xác ướp của ba vị vua trên cùng với một số xác ướp khác được chôn giấu tại một hang núi gần đó. Đối chiếu với các tài liệu lịch sử thì hầu như tất cả các xác ướp Pharaoh của thời Tân Sử đều được phát hiện, chỉ trừ xác ướp của Akhenaten và Tutakhamun mà thôi.
° ° °
PHẾ TÍCH AMARNA VÀ NHỮNG CÂU HỎI CHƯA ĐƯỢC GIẢI ĐÁPSau khi lên ngôi Pharaoh được 6 năm thì Akhenaten cho khởi công xây cất một thành phố gọi là Tel El Amarna. Không biết tại sao ông lại chọn một nơi chốn hoang vu, hẻo lánh ngoài sa mạc làm thủ đô như thế. Các nhà viết sử cho rằng Akhenaten muốn chọn một nơi không có đền thờ hay giáo sĩ của Amun (Đa thần giáo) để lập đền thờ Aten hay chân lý tuyệt đối. Người khác lại cho rằng ông muốn khởi xướng một triều đại mới, một tôn giáo mới nên chọn một nơi hoàn toàn mới mẻ, không chịu ảnh hưởng các truyền thống cũ, để dựng nghiệp.
Phần lớn các thành phố của Ai Cập đều được xây cất theo hình tam giác hay hình vuông, nhưng Amarna lại được xây cất theo hình tròn với trung tâm điểm là đền thờ Aten. Đây là một cuộc cách mạng kiến trúc rất lớn khi đó, tiêu biểu cho sự tin tưởng của Akhenaten về ngôi Thái Dương.
Bên cạnh đền Aten là cung điện của Akhenaten. Đó là một cung điện nhỏ bé, khiêm tốn so với cung điện của các Pharaoh đời trước nhưng phía sau ông lại cho xây một thư viện khổng lồ, có thể chứa đựng rất nhiều sách vở. Hiển nhiên Pharaoh Akhenaten là người yêu thích sách vở, văn chương. Tài liệu tìm được tại đây ghi nhận rằng nhà vua đã cho thuyên chuyển rất nhiều sách vở tài liệu từ Thebes, Memphis và các thành phố lớn khác mang về đây để ông học hỏi.
Bên cạnh thư viện là một trường học đang được xây cất dở dang mang tên Per Ankh hay trường Khoa Học Của Sự Sống. Tại sao Akhenaten lại cho xây một Trung tâm Y khoa tại đây? Từ mấy ngàn năm nay, trường Khoa Học Của Sự Sống tọa lạc tại Abydos, vẫn được coi là nơi duy nhất đào tạo các học giả và y sĩ cho Ai Cập. Không lẽ Akhenaten cho xây một trường học khác tại Amarna cạnh tranh với trường tại Ai Cập hay sao? Đây là một câu hỏi mà các nhà khảo cổ không tìm được câu trả lời.
Trước cửa thư viện là một đường lớn dẫn đến rạp hát, nơi Pharaoh thường đến xem hát. Phía sau rạp hát là một dãy nhà dành cho các nghệ sĩ trình diễn. Tài liệu tìm được cho biết lúc đó có cả trăm gánh hát khắp nơi đến đây trình diễn. Các bức bích họa còn cho thấy ngoài việc xem hát, Akhenaten còn yêu thích âm nhạc, tranh ảnh nghệ thuật và thơ phú. Nghệ thuật hội họa dưới thời Akhenaten là một chuyển hướng quan trọng vì hầu hết các tranh vẽ đều chú trọng đến đời sống của dân chúng với các màu sắc và nét vẽ phóng khoáng chứ không như nền hội họa khi trước, chỉ đề cao các thần linh và vua chúa. Quanh đó người ta còn tìm được hàng ngàn bài thơ của các thi sĩ viết trên vách hoặc trên những mảnh đất nung, phần lớn nội dung đều đề cập đến tình cảm thiên nhiên và con người, khác hẳn các thơ văn đời trước và sau đó, một mực ca tụng thần linh hay chiến công hiển hách của các bạo chúa.
Đền thờ Aten cũng là một công trình kiến trúc độc đáo. Đó là một đền thờ lộ thiên, bên trong không có hình tượng, không có những cột đá uy nghi, không có các biểu tượng thần linh. Nó chỉ là một chiếc sân rộng, lớn bằng hai sân vận động ngày nay, với bàn thờ chính giữa để một biểu tượng Aten hình tròn, tượng trưng cho chân lý tuyệt đối. Có lẽ Ai Cập dưới triều đại Akhenaten phải là một thời buổi lạ lùng, vì trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, không một quốc gia hay vua chúa nào lại chủ trương tôn thờ một biểu tượng duy nhất, tượng trưng cho sự thật tuyệt đối cả.
Từ các quốc gia láng giềng như Syria, Ba Tư, Palestine, Nubia đến các bộ lạc man dã ở miền nam xứ Nubia, đâu đâu dân chúng cũng tôn thờ cả ngàn thần linh như thần đất, thần sông, thần làng, thần núi chứ chưa một nền văn hóa nào lại đề cập đến một ngôi vị duy nhất, độc tôn, toàn năng như chủ trương của Akhenaten.
Năm 1824, nhà khảo cổ John Wilkinson đến khảo sát Amarna và ghi nhận: "Đây là một thành phố với những kiến trúc lạ lùng, khác hẳn tất cả những thành phố Ai Cập mà tôi khảo sát. Khắp nơi là các bức bích họa và những bài thơ ghi khắc trên đá hay trên tường. Không tại đâu người ta làm thơ và vẽ lên tường nhiều như tại đây. Vì một lý do gì đó, các kiến trúc đều bị đập phá tan hoang, tên tuổi ghi khắc trên tường bị đục ra…"
Năm 1890, nhà khảo cổ Flinder Petrie đến đào xới nơi đây và ghi nhận: "Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, các bích họa đều vẽ Pharaoh như một người khỏe mạnh, hùng tráng cưỡi ngựa, cầm gươm đánh đuổi quân thù; nhưng tại Amarna không có một bức họa nào vẽ cảnh chiến tranh cả. Khắp nơi chỉ toàn tranh vẽ đời sống dân chúng, phụ nữ gặt lúa, trẻ con chơi đùa, ông già câu cá. Không hề có bức vẽ Pharaoh dâng cúng phẩm vật cho thần linh, chỉ có những bức họa Pharaoh ngồi xem hát với vợ con hay đứng dưới chiếc đĩa tròn tỏa ánh sáng chói lọi".
Tuy nhiên các giòng chữ đề cập tên tuổi của vị Pharaoh này đều bị bôi xóa hay nếu khắc trên đá thì bị đục ra như để hậu thế không còn biết vị Pharaoh này là ai, tên gì. Một chi tiết lạ lùng hơn nữa là một số gạch đá, vật liệu xây cất cung điện của vua đã bị tháo gỡ mang đi như để xóa bỏ một thời đại trong lịch sử. Petrie cho khởi công đào xới quanh đó và tìm được rất nhiều tài liệu quí giá còn sót lại. Chính nhờ thế mà ông biết đến tên vị Pharaoh này là Akhenaten.
Việc ghi chép các tài liệu lên giấy chỉ thảo (Papyrus) đã có từ ngàn xưa nhưng giấy chỉ thảo rất đắt, chỉ dành cho vua chúa mà thôi. Dưới triều đại Akhenaten, người ta bắt đầu sử dụng những miếng đất sét, ghi khắc lên đó rồi mang ra nung thành những mảnh ngói. Việc sử dụng những miếng ngói nung làm phương tiện truyền thông, phổ biến tư tưởng đã mở đầu cho một thời buổi vàng son của văn chương Ai Cập.
Chưa lúc nào văn chương, thơ phú lại thịnh hành như thời đại này và nhờ những mảnh đất nung ấy mà Petrie đã tìm được những tài liệu quí giá do chính tay Akhenaten viết.
Cuộc đào xới quanh thư viện tại Amarna đã phát hiện ra rất nhiều tài liệu của Akhenaten viết, như sau: "Ta chỉ là người thuật lại những hiểu biết của cổ nhân chứ không phải là kẻ sáng chế ra những điều này".
Một mảnh ngói khác ghi nhận: "Ta chỉ học hỏi những hiểu biết của cổ nhân, sưu tầm, san định lại để phục hồi nền minh triết của Thánh sư Thoth. Chân lý của Thoth đã mất hẳn trong các đền thờ tôn giáo nhưng vẫn còn tồn tại nơi lòng người. Nếu biết quay vào bên trong tìm kiếm thì sẽ hiểu biết được những điều giảng dạy của Thoth".
Nếu như thế, phải chăng nền tôn giáo thời cổ xưa của Ai Cập không hẳn là nền tôn giáo đa thần như nhiều học giả vẫn nghĩ?
Trong các cổ vật Ai Cập, bức tượng bán thân của Nefertiti được coi là một công trình điêu khắc tuyệt hảo. Các nhà khảo cổ ngày nay đã đề cao Nefertiti như người "đàn bà đẹp nhất Ai Cập". Điều này có lẽ không sai bao nhiêu vì trong các cổ vật Ai Cập, người ta đã tìm thấy hàng trăm bài thơ ca tụng nhan sắc bà và một trong những tác giả nhiệt thành nhất chính là Pharaoh Akhenaten. Hầu hết trong các bức bích họa của Akhenaten đều có hình ảnh của Nefertiti đứng cạnh, hình như họ không hề rời nhau. Trước khi chết, Akhenaten truyền lệnh cho khắc tên Nefertiti quanh cỗ quan tài của ông chứ không ghi khắc hình ảnh các thần linh như truyền thống Ai Cập. Người ta còn tìm được trong mộ của ông rất nhiều bài thơ ghi khắc trên những tấm bảng đá, trong đó có nhiều bài nói về "người đàn bà ngọt ngào như mật ong" này.
Tài liệu lịch sử ghi rằng sau khi Akhenaten qua đời, Smenkere lên ngôi Pharaoh và dời thủ đô về Memphis nhưng Nefertiti, khi đó mới ngoài ba mươi tuổi, vẫn tiếp tục sống tại Amarna với bốn người con gái. Smenkere chỉ làm vua được hai năm thì qua đời. Trước khi chết, ông truyền lệnh cho con trai duy nhất là Tut phải thành hôn với Akhensenaten, con gái lớn của Akhenaten.
Pharaoh Tutankhamun cũng chỉ cai trị được 9 năm thì qua đời. Vì ông chưa có con nên ngôi vị Pharaoh được truyền cho Tể tướng Horemheb. Dưới sự cai trị của Horemheb, Ai Cập trở lại địa vị cường quốc với một lực lượng quân sự hùng hậu nhưng khi lên ngôi, Horemheb vẫn còn độc thân.
Truyền thống Ai Cập khuyến khích đàn ông lập gia đình sớm. Đa số con nhà dân giã đều lập gia đình khoảng từ mười sáu đến hai mươi và con nhà quyền quí thường lập gia đình sớm hơn nữa. Một người chỉ huy Ngự lâm quân dưới thời Akhenaten, làm tể tướng thời Smenkere và Tutankhamun mà vẫn độc thân là một việc lạ. Khi lên ngôi Pharaoh thì Horemheb đã ngoài bốn mươi và mãi đến tám năm sau ông mới chịu lập gia đình. Trong lịch sử Ai Cập, có lẽ Horemheb là Pharaoh duy nhất lập gia đình muộn màng như thế.
Năm 1967, nhà khảo cổ Kevin Livingston khởi công khai quật mồ của Horemheb trong Thung Lũng Mộ Vua. Ông phát hiện rằng các tảng đá xây mồ đều là những tảng đã cũ, đã được dùng từ trước tại Amarna. Theo truyền thống kiến trúc Ai Cập, mỗi khi đẽo đá người ta thường khắc lên đó niên hiệu của Pharaoh rồi đánh số thứ tự theo họa đồ kiến trúc của địa điểm xây cất.
Livingston tìm thấy các tảng đá xây mồ cho Horemheb đều được tháo gỡ từ cung điện của Akhenaten tại Amarna. Mặt đá khắc ghi nhiên hiệu của Akhenaten được xoay vào phía trong rồi người ta khắc niên hiệu của Horemheb ra phía ngoài nên khi khai quật ngôi mộ này, Livingston đã tìm được rất nhiều tảng đá có ghi khắc niên hiệu của cả hai Pharaoh.
Tại sao Horemheb lại cho tháo gỡ những tảng đá tại cung điện của Akhenaten để xây nhà mồ cho mình? Không lẽ một Pharaoh oai phong lừng lẫy như ông lại hà tiện đến nỗi phải ăn cắp gạch đá từ cung điện vị vua trước để xây nơi chốn an nghỉ cho mình?
Vì bên cạnh niên hiệu Pharaoh là số thứ tự của địa điểm xây cất nên Livingston đã phát hiện được một chi tiết vô cùng lý thú: Tất cả những tảng đá xây mồ của Horemheb đều được tháo gỡ ra từ phòng riêng của Nefertiti, trong cung điện của Akhenaten.
Cuộc khảo nghiệm tại Amarna cho thấy cung điện của Akhenaten bị tháo giỡ ra thành nhiều mảnh; một số gạch đã được chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại một số nằm vương vãi khắp nơi. Vì các gạch đá đều được đánh số thứ tự khác nhau để thợ thuyền xây cất nên người ta có thể biết đích xác số gạch bị lấy đi thuộc nơi nào trong cung. Cuộc điều tra cho thấy số gạch từ phòng riêng của Nefertiti đã bị lấy đi để xây mồ cho Horemheb. Tại sao lại có việc kỳ lạ như thế? Ngoài ra những bia đá, thạch trụ có ghi tên Nefertiti đều bị xóa bỏ hết, dường như người ta không còn muốn ai biết đến bà này nữa.
Theo tài liệu thì sau khi Akhenaten qua đời, Smenkere cho dời thủ đô về lại Memphis nhưng Nefertiti vẫn tiếp tục sống tại Amarna. Dù con gái lớn của bà lấy Tutankhamun, bà vẫn sống tại đây với ba người con gái sau cho đến khi qua đời. Không ai biết đời sống của người đàn bà đẹp nhất Ai Cập tại cố đô hẻo lánh hoang tàn này như thế nào nhưng sau khi bà qua đời được hơn một năm thì Pharaoh Horemheb mới lập gia đình.
Thông thường ngay sau khi lên ngôi, việc đầu tiên của các Pharaoh là lo xây cất mồ mả cho mình nhưng tài liệu trong mồ Horemheb ghi rằng ông cho khởi công xây mộ sau khi Nefertiti qua đời được khoảng một năm. Có thể ông bận rộn việc chấn chỉnh quân lực để chuẩn bị cho chiến tranh nên không cho xây cất nhà mồ ngay, nhưng tại sao ông lại cho tháo gỡ gạch đá từ phòng riêng của Nefertiti để xây mồ mình? Nếu vì lý do nào đó ông không thích Akhenaten thì việc ông cho phá hủy cung điện tại Amarna không phải là điều lạ. Trong lịch sử thiếu gì các Pharaoh cho đào mồ xới mả hay phá hủy cung điện của vị vua trước vì hận thù cá nhân, nhưng chưa có ai lại đi lấy gạch vụn ấy về xây mồ mả cho mình. Một Pharaoh oai phong như Horemheb đâu thể tiếc chút gạch vụn đó, trừ khi ông đã thầm yêu trộm nhớ người đàn bà đẹp nhất Ai Cập này! Chỉ có lý do đó mới giải thích được việc một Pharaoh bách chiến bách thắng như ông lại cho lấy gạch từ phòng riêng của bà vợ cựu hoàng đế về để xây mộ cho mình.
Người Ai Cập tin tưởng vào đời sống ở thế giới bên kia và thường chôn trong mồ những đồ đạc mà họ thích nhất, để mang nó qua cõi bên kia. Phải chăng việc mang gạch đá từ phòng riêng của Nefertiti để xây mồ cho mình ám chỉ việc Horemheb muốn sống mãi trong căn phòng riêng của người đàn bà ấy? Do đó ông mang cả căn phòng đó xuống tuyền đài?
Phải chăng vì ghen với Akhenaten mà ông cho bôi xóa tên Nefertiti trong các bia đá, thạch trụ? Dĩ nhiên người chỉ huy Ngự lâm như Horemheb phải có nhiều cơ hội gặp gỡ hoàng hậu Nefertiti và sắc đẹp của bà đã chinh phục con tim Horemheb. Khi Akhenaten còn sống thì đây chỉ là một thứ tình thầm kín, tuyệt vọng; nhưng khi ông này qua đời, Smenkere lên ngôi Pharaoh thì Horemheb có thể xin được thưởng cho mình bà vợ của ông vua kia. Phong tục Ai Cập không ngăn cấm việc một Tể tướng lấy một quả phụ vợ vua trước. Trừ khi Nefertiti cự tuyệt mối tình này để thủ tiết với Akhenaten. Phải chăng vì thế Horemheb đã ôm mối tình tuyệt vọng cho đến khi Nefertiti qua đời rồi còn cho gỡ gạch đá từ phòng riêng của bà này về xây cất nơi an nghỉ cuối cùng cho mình?
Cho đến nay, các nhà khảo cổ chưa khám phá ra ngôi mộ của Nefertiti mặc dù công cuộc khai quật chung quanh Amarna vẫn tiến hành đều đặn. Có lẽ người ta sẽ không bao giờ tìm được nấm mồ của người đàn bà đẹp nhất Ai Cập ấy! Nefertiti qua đời khi Amarna đã suy tàn, khi dân chúng không còn muốn nhắc nhở gì đến Akhenaten nữa. Ai Cập đã có một Pharaoh khác và người ta đang chuẩn bị chiến tranh. Không thấy một tài liệu gì ghi nhận về đám tang của bà và dĩ nhiên xác của bà không được ướp vì các giáo sĩ phái Amun không bao giờ tẩm liệm, ướp xác cho những kẻ "phản giáo", không tin tưởng vào thần Amun. Nếu không được ướp thì có lẽ thân xác của Nefertiti đã tan thành tro bụi từ lâu rồi và chỉ còn duy nhất bức tượng bán thân của bà tồn tại đến nay. Cuộc phát hiện ra việc Horemheb lấy gạch từ Amarna về xây mồ cho mình vẫn là một câu hỏi mà mấy ngàn năm nay chưa ai tìm được câu trả lời đích xác.
Cũng như những vết chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ; huyền thoại về một người Ai Cập, qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay. 
hết

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...