Một người nọ đứng dưới hiên nhà tránh
mưa, chợt trông thấy Quan Âm cầm ô đi ngang qua. Người này bèn nói:
- Quan Âm bồ tát, xin người hãy phổ độ
chúng sinh, cho tôi đi nhờ một đoạn có được không?
Quan Âm thấy vậy, trả lời:
- Ta đang đi trong mưa, còn người đứng
dưới hiên nhà, mưa không hề ướt đến đầu, vậy thì cần gì ta phổ độ?.
Người nọ liền lập tức bước ra khỏi mái
hiên, đứng dưới trời mưa:
- Bây giờ tôi cũng đứng dưới mưa rồi, Bồ
tát nên giúp đỡ, có phải không?
Quan Âm bèn nói:
- Ngươi đứng dưới mưa, ta cũng đứng dưới
mưa, ta không bị ướt vì ta có ô, còn ngươi bị ướt, vì người không có ô. Vậy là
không phải ta giúp được ta, mà chiếc ô giúp được ta. Ngươi muốn được giúp,
không nên tìm ta, mà hãy tự tìm một chiếc ô. Nói xong, Quan Âm đi thẳng.
Ngày hôm sau, người nọ gặp chuyện khó
khăn, bèn đến miếu Quan Âm cầu khấn. Vừa bước vào trong miếu, anh ta đã nhìn thấy
có một người khác đang đứng chắp tay ngay trước tượng Quan Âm. Lạ một điều, người
đó có ngoại hình giống hệt Quan Âm, không sai một li. Anh ta bèn đến gần hỏi:
- Người có phải Quan Âm không?
Người đó trả lời:
- Ta chính là Quan Âm.
- Vậy vì sao người lại chắp tay cầu khấn
chính mình?.
Quan Âm cười đáp:
- Ta cũng gặp chuyện khó khăn, nhưng ta
biết, cầu cứu người không bằng cầu cứu chính bản thân mình.
Những người có cấu trúc tâm lý yếu đuối
thường bộc lộ khuynh hướng dựa dẫm ngay từ nhỏ. Được ai làm giúp cho là ta rất
thích thú. Ta nghĩ như thế mình sẽ đỡ mất thời gian, công sức và cả việc động
não. Nhiều bậc cha mẹ vì quá yêu con nên không dám để con mình làm việc vất vả,
dù đó chỉ là những công việc rất căn bản mà mỗi đứa trẻ phải tự trải nghiệm.
Nên khi lớn lên chúng luôn gặp rắc rối trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn.
Khi làm việc, chúng ta luôn tìm cách để
được cấp trên chú ý và nâng đỡ. Khi tiếp xúc với mọi người, ta luôn mong được
công nhận và khen thưởng. Thói quen trông ngóng đợi chờ vào sự thuận lợi từ điều
kiện bên ngoài dần ngấm vào con người ta, rồi nghiễm nhiên trở thành một loại
tính nết hay một phong cách sống. Chỉ đến khi đối tượng dựa dẫm không còn nữa,
ta bị hụt hẫng hoàn toàn thì ta mới sực tỉnh.
Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì
con người càng có nhiều cơ hội để dựa dẫm vào máy móc. Ai mà chẳng thích sự tiện
lợi? Ở những nước kinh tế phát triển cao thì những việc cỏn con người ta cũng
dùng đến máy móc. Máy móc gần như trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.
Nhưng càng dựa vào máy móc bao nhiêu thì chúng ta càng đánh mất khả năng vốn có
của mình bấy nhiêu.
Nhiều cuộc khảo nghiệm cho thấy hầu hết
những người "nghiện máy móc" thường rất lười biếng vận động tay chân,
lười biếng ghi nhớ và tư duy sâu. Do đó, số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng
và số người đãng trí cũng gia tăng. Trung Quốc hiện giờ số người mắc phải chứng
bệnh Alzheimer (mất trí) có hơn 2 triệu dân.
Ngoài ra chúng ta cũng rất tin vào bảo
hiểm. Tưởng đã có công ty bảo hiểm lo thì mọi lĩnh vực sinh hoạt của chúng ta sẽ
đều rất an toàn, chỉ cần kiếm tiền đưa cho công ty bảo hiểm là được. Nhưng sự
thật là công ty bảo hiểm chỉ trả những khoản phí tổn khi chúng ta gặp những tai
nạn rủi ro mà thôi, họ không thể giúp chúng ta chữa lại lành lặn cơ thể hay
chia sẻ những vết thương lòng, những vấn đề sâu sắc được.
Đầu năm đi đến đền chùa, nhà nguyện, để
khởi động một năm mới bằng các ước nguyện bình an rồi về thực tập các nhân quả
thiện lành thì tốt. Nhưng bỏ 50, 100 ngàn rồi gửi gấm cả cuộc đời mình suốt một
năm cho Thần Thánh, Chúa Phật bảo hộ bao gồm sức khỏe, danh vọng, sự nghiệp,
may rủi, gia đình yên ấm…….chẳng khác nào đóng phí bảo hiểm thật rẻ nhưng mong
muốn nhận được nhiều đặc ân từ phía Thánh Thần. Đó là sự tính toán lời lỗ của kẻ
ăn gian Phúc Lộc.
Thế nên, đời mình thì mình làm chủ. (Tự
ta làm điều ác/Tự ta ác không làm/Khéo ăn thì no/Khéo co thì ấm) rèn luyện những
kỹ năng để ứng phó có lẽ dễ hơn là ngồi thụ động trông chờ sự cứu rỗi nào đó.
Được mất, nên hư chúng ta được làm chủ cuộc đời mình thích hơn, “phẻ” hơn là sự
phó thác, vì “Độc lập thì Tự do, Tự do thì Hạnh phúc”.
Sau những thất bại nặng nề từ những
tranh chấp hơn thua, được mất trong cuộc sống nhiều người tìm tới nương tựa môi
trường tâm linh, đó cũng là cơ hội để nhìn lại và sự chuyển mình. Nhưng không
khéo tạo dựng sẽ biến tâm lý thành thái độ nương tựa dựa dẫm khi chỉ có niềm
tin mãnh liệt mà bản thân không hề có sự luyện tập và chuyển hóa nào. Tin tưởng
và chuyển mình bằng cách đánh mất niềm tin vào chính mình, phó thác hạnh phúc
và tương lai đời mình cho kẻ khác thì đó chắc chắn không phải là thái độ tin tưởng,
chuyển mình đúng đắn. Vì niềm tin tưởng rằng đối tượng lần này là những bậc
thánh, nên chắc sẽ không làm cho họ thất vọng như con người. Đó là một sai lầm.
Có những người siêng năng nghiên cứu và
thậm chí học thuộc rất nhiều giáo lý thâm sâu, rồi cố tạo cho mình cách nhìn
hay cách sống thật khác với mọi người. Nhưng rốt cuộc cũng vẫn gặp phải vô vàn
khó khăn với những vấn đề trong chính bản thân hay với những người thân sống bên
cạnh. Bởi thái độ ấy chỉ là sự "ăn mày chân lý" để tạo cho mình một
chân dung đẹp đẽ, một kiểu tô vẽ cho cái tôi đầy tự hào và cách biệt với mọi
người. Vì bản thân vẫn chưa từng có một trải nghiệm nào của riêng mình. Tuyệt đối
tin tưởng và dựa hẳn vào giáo lý, trong khi giáo lý chỉ có giá trị như tấm bản
đồ hướng dẫn con đường đi tới hạnh phúc. Tự bản thân giáo lý không phải là hạnh
phúc. Tự bản thân giáo lý chỉ là chiếc bánh vẽ do người ăn rồi ghi lại công thức.
Cho nên đồng hóa tâm thức sau khi đọc xong công thức trong khi mình vẫn đang
đói meo là một thái độ rất ư là nực cười.
Đối tượng ấy có thể là bậc thánh, là những
người rất mực thương yêu ta, hay là những kẻ đang rất tài giỏi. Nhưng rốt cuộc
họ cũng không thể nào gánh chịu và giải quyết được những khó khăn bế tắc cho
chúng ta. Họ chỉ đóng vai trò tác nhân, chứ không phải là chủ nhân trong khu vườn
tâm của chúng ta. Chúng ta cần đến sự trợ giúp như là phương thích kích hoạt tiềm
năng chính mình thông qua cửa ngõ niềm tin trong những lúc chúng ta đã cố hết sức
tính toán bằng lý trí mà không thể vượt qua nổi tình trạng bức ngặt.
Nên chúng ta thà chấp nhận hư hao công
việc hay tài sản, chứ nhất định không nhờ vả kẻ khác. Còn nếu chúng ta là kẻ
ham thích sự thành công và nổi bật nhưng lại không muốn dựa vào sức lực của
mình thì chúng ta phải chấp nhận cái giá điêu đứng của sự vay mượn. Khi ngã quỵ
hay không thể đứng vững vì phải tách ly ra khỏi đối tượng tức là ta đã bị đối
tượng ấy thao túng chủ quyền sống của ta rồi. Vì nếu đã từng trải nghiệm, chúng
ta sẽ thấy rõ mối nguy hại của sự nương tựa là rất dễ khiến chúng ta yếu hèn.
- lượm lặt -