Ngày xửa ngày xưa, bên Ai Cập có một vị
hiền triết tên là Zun-Nun. Ngày kia, một anh thanh niên đến và hỏi ông:
“Thưa ngài, tôi không hiểu tại sao những
người đáng kính như ngài luôn ăn mặc theo một cách giống nhau và luôn luôn đơn
giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một tí, không phải để khoe khoang,
nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ, thưa ngài?”.
Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn
ở tay ra, trao cho chàng trai và nói: “Này anh bạn trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của
cậu, nhưng trước tiên cậu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này
và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng”.
Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên
tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại: “Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc
nhẫn có thể bán được với giá đó”.
“Thử trước đã chàng trai, ai biết được
điều gì có thể xảy ra?”. Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn
vào hàng tơ lụa, rau cải, thịt cá và rất nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là không
ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói:
“Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra một số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua
chiếc nhẫn này cả”.
Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt
trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời: “Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường,
đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán nhưng chỉ lắng nghe xem
ông ta trả giá bao nhiêu”.
Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo
yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói: “Thưa ngài, những
lái buôn ở chợ rõ ràng không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm
vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của
nó thì gấp cả ngàn lần so với cái giá của những con buôn ở chợ”.
Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói: “Đó là
câu trả lời cho câu hỏi của anh, không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào
cách ăn mặc bề ngoài. Những lái buôn ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng những
nhà buôn vàng thì không như thế. Vàng và đá quý tồn tại bên trong mỗi con người,
chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn.
Cần có con tim để nhìn và cả một quá
trình dài lâu. Chúng ta không thể ngang nhiên đánh giá người khác mà chỉ dựa
vào những lời lẽ và cách cư xử trong một lúc nào đó. Nhiều lúc cái mà ta nghĩ
là vàng hóa ra là đồng thau, nhưng thứ ta tưởng là đồng thau thì lại chính là
vàng thật".
===
== <> == ===
Sự thật thì vàng hay đồng thời gian mới
chứng minh được tính chất của nó. Và phải cần đến người nhận định được giá trị
đích thực của nó.
Cũng không thể trách những người hàng
xén được, vì nhu yếu cơm ăn áo mặc hàng ngày, nên họ quá thực tế đấy thôi. Cái
gì bỏ vào mồm mà no bụng thì thực tế nhất. Nơi cục muối vẫn giá trị hơn cục
vàng, vì nó bỏ vào nồi làm ngon ngọt vị canh, còn cục vàng đâu có làm được như
thế.
Hầu hết loài người ai cũng nhận định cái
gì gần nhất, dễ thấy nhất, còn giá trị ẩn đằng sau đó thì tính sau đi. Cũng như
nhìn một cái cây không ra trái để ăn, người bình dân sẵn sàng chặt bỏ để thay
thế cây khác, trong khi đó nhà sinh vật học, môi trường học nhận thức được rằng;
chính nhờ những chiếc lá bé nhỏ của nó mà duy trì được sự sống, duy trì được nhịp
thở của nang phổi mỗi ngày.
Mặc cho các nhà đạo học, môi trường học,
sinh vật học, khoa học trên các thông tin đại chúng, trên các diễn đàn cứ gào
thét, thì người bình dân cứ phóng uế, xả rác, vứt bỏ các phế phẩm ra môi trường,
xuống kênh rạch thì có sao đâu.
Mỗi ngày cứ có nhiều tiền bỏ vào tài khoản,
có cơm để bỏ miệng là được, thỏa mãn các nhu cầu vật chất, đáp ứng được các việc
thiết yếu hàng ngày đó là thiết thực nhất.
“Phu xướng phụ tùng” quả thật không dễ.
Thế cho nên, Bá Nha và Tử Kỳ, người thì đàn, người thì ngồi nghe thôi mà nên
tri kỷ là vậy, lỡ một người mất đi rồi thì cây đàn bị đập bỏ, vì còn ai biết
thưởng thức nữa đâu. Phải có người hiểu, người biết lắng nghe, người nói ra người
cảm nhận thì mới thành tri kỷ là vậy. Và cái giá trị thật của đồng hay vàng có
thể cứ là đồng hay vàng theo thời gian, cho đến một ngày… một ngày có người nhận
ra.