NGÔI NHÀ LÀ CỦA CHÍNH MÌNH

Một bác thợ mộc đến tuổi về hưu nói cho ông chủ thầu biết những dự tính của mình trong thời gian sắp tới. Bác sẽ xin nghỉ hưu để vui hưởng tuổi già với con cháu. Bác biết rằng nếu nghỉ việc thì tài chính của gia đình sẽ có phần nào thiếu hụt nhưng bác tin rồi đây gia đình sẽ có cách xoay xở được.

Ông chủ thầu tỏ ra tiếc khi thấy người thợ lành nghề xin thôi việc. Ông ta đề nghị bác cố xây giúp cho ngành thêm một ngôi nhà nữa rồi nghỉ coi như là vì ông. Bác thợ đồng ý làm nhưng ai cũng hiểu rằng bác miễn cưỡng nhận lời chứ không thực lòng muốn nhận công việc này.

Bác ta gọi đại một nhóm thợ có tay nghề kém và mua những loại vật tư chất lượng kém để xây dựng căn nhà ấy. Khi ngôi nhà được xây xong, ông chủ thầu đến tiếp nhận công trình và trao vào tay bác chiếc chìa khoá nhà. Ông nói với bác:

- Đây là nhà của anh. Tôi biếu anh món quà này để cảm ơn anh đã làm việc cho công ty bấy lâu nay.
...................................

Thực tế thì chẳng có một nhà thầu nào lại hào phóng với những người thợ làm công như ông chủ thầu trong câu chuyện này cả. Nhưng vì câu chuyện ẩn chứa trong nó như một câu chuyện ngụ ngôn cho nên gạt qua những thành kiến như thế ta mới thấy nó thật khác.

Chúng ta thì có khác gì bác thợ ấy. Chúng ta xây dựng cuộc đời mình bằng cách cẩu thả, buông tuồng chạy theo những khoái cảm nhất thời, tuỳ tiện với tâm lý, hành vi, lời nói cạn cợt, sống đối phó thay vì tích cực và chủ động làm cho căn nhà thật tốt đẹp hơn. Ở một vài thời điểm quan trọng trong cuộc đời của mình, sức khỏe, nhan sắc.....chúng ta không chắc chiu trong các nghĩa cử thiện lành, không hề dùng sức lực để thực hiện mọi việc cho thật tốt. Thế rồi đến một lúc nào đó trong đời, khi trông thấy tình trạng tồi tệ và nhận ra rằng mình đang sống trong căn nhà do chính tay ta dựng nên thì chúng ta cảm thấy hối tiếc.

Giá như được biết trước, hẳn chúng ta đã hành động khác đi nhỉ? Nhưng thực tế thì chẳng ai biết trước được. Phía trước luôn là một dấu chấm hỏi (?), nhưng nếu ta bước tới bằng "chân phải" thay vì "chân trái" (tiêu cực - tích cực) thì đích đến có lẽ sẽ làm chúng ta thỏa mãn hơn.

Hãy hình dung mình là bác thợ mộc, còn cuộc đời chúng ta chính là ngôi nhà. Mỗi ngày chúng ta đóng đinh, lát sàn hoặc xây tường, chúng ta hãy xây nhà mình một cách khôn ngoan. Chúng ta chỉ có một lần xây nhà với một cuộc đời mà thôi. Ngay cả trong trường hợp chúng ta chỉ còn sống một ngày, ngày sống đó cũng đáng để chúng ta sống sao cho tử tế và có tư cách.

Cuối cùng tấm bảng gắn trên tường của căn nhà sẽ ghi rằng: "Sống là thực hiện một kế hoạch do chính mình vạch ra". Cuộc sống của chúng ta hôm nay là kết quả từ thái độ và những chọn lựa của chúng ta trong quá khứ. Cuộc sống của chúng ta ngày mai sẽ là kết quả từ thái độ sống và những lựa chọn của chúng ngày hôm nay.
Nghe sao giống triết lý nhân quả của nhà Phật vậy cà!

Nhan sắc sẽ tàn phai,
Chỉ nghiệp duyên để lại,
Căn nhà xây mới xong,
Tấm lòng ai đón nhận.