Xu thế thời đại này là xu thế
phát triển của một nền vật chất ngày càng phong phú dồi dào. Trong cái phong
phú ấy cũng tạo cơ hội cho một môi trường “vàng thau lẫn lộn” với người làm ăn
không chân chánh. Hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái tràn lan trên thị trường và khiến
cho người tiêu thụ thật sự bối rối. Ngay cả những người sành điệu trong mua sắm
vẫn bị lừa như thường. Cứ mua hàng giả mà phải trả giá hàng thật. Oan lắm nhưng
biết kêu sao cho thấu trời!
Thử hỏi làm sao phân biệt được
khi giả và thiệt giống nhau về mẫu mã, nhãn mác, hình thức, tất tần tật mọi thứ
giống nhau. Chỉ có một cái khác nhau: đó là chất lượng mà chỉ khi nào người
tiêu dùng đem về sử dụng thì mới biết. Biết thì việc đã rồi. Đem mặt hàng bị lừa
ra so với hàng thật may mắn mua được trước đó, vẫn không thể nào phân biệt được.
Nhức đầu chứ không phải chuyện đùa đâu!
Thời nay người ta khéo giả lắm.
Khoai tây có nguồn gốc Trung Quốc chở về tận Đà Lạt, lấy đất Đà Lạt bôi lên rồi
chở đi các nơi tiêu thụ, làm sao người dân phát hiện ra? Dầu pha, dầu trộn đem
về tận lò ép dầu, đổ hẳn vào lò để thấy dầu từ trong máy chảy ra! Ai đến tận
nơi với hy vọng mua được dầu nguyên chất cũng bị lừa như thường. Chung quy, kiểu
gì cũng bị lừa, lừa khắp nơi nơi, lừa hết mọi người dưới vỏ bọc hoàn hảo.
Mua hàng giả, về dùng cũng ức,
nhưng xài xong rồi, cục ức cũng đi theo. Thế nhưng, giả trong quan hệ tình người
là vết thương kín đau dai dẳng âm ỉ. Thà như vết thương hở toét miệng rách da
lòi thịt ra vậy mà nhanh lành hơn. Đằng này, đạo đức giả là vết thương kín làm
tổn thương ghê gớm, mà lại khó lành. Chính cái lớp da mỏng manh che vết thương ấy,
cái gọi là “lịch sự”, “đãi bôi”, “xã giao” ấy nó giết chết tình người, tâm người
và con đường làm người của biết bao sinh vật đang được gọi là “con người”!
Đạo đức giả là giả vờ tử tế
để phô trương những hành động tốt, làm ra vẻ đối xử tốt với người khác
nhưng thực tâm lại đi hãm hại người đó. Đạo đức giả là trước mặt thì tử tế lắm,
sau lưng thì “đánh nguội” thường xuyên. Trong bóng đá, đánh nguội là hành vi
không hề đẹp và có khi phải nhận thẻ đỏ rời sân nửa chừng ah nghen!
Tôi không dám hồ đồ nhận
mình là đạo đức, nhưng đạo đức giả thì không. Tôi vẫn thích cách sống có sao thể
hiện vậy mà Phùng Quán viết trong “Lời mẹ dặn” rằng “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét
ai cứ bảo là ghét”. Từ bé, tôi đã có cách sống cương trực như thế. Mặc dù cách
sống này đem lại cho tôi nhiều phiền toái, nhưng cho đến bây giờ, tôi chưa bao
giờ hối hận.
Tôi nhớ lúc tôi học lớp 2,
có một bạn trên đường đi thăm người bà con, tiện đường, ghé vào nhà tôi chơi. Gặp
bạn, tôi mừng lắm, dù chúng tôi mới gặp nhau trên lớp khi sáng. Thế là hai đứa
chơi với nhau. Thấy nhà tôi có cây chanh giấy đang ra trái rất nhiều (thời ấy, ở
quê tôi vẫn ít người trồng loại cây này), bạn ấy hái 2 trái chanh sắp chín nhét
vội vào túi quần, nhưng chẳng may tôi thấy. Tôi làm thinh. Sau vài phút, bạn
tôi chào mẹ tôi về, rồi chạy đi. Không nghe bạn đề cập gì đến 2 trái chanh, tôi
đuổi theo kéo lại cho bằng được với lý do duy nhất “mày phải trở lại nhà tao
xin mẹ tao rồi mới được đem 2 trái chanh đi, mẹ tao có ở nhà mà mày làm vậy là
hái trộm”. Bạn mắc cỡ, không chịu quay lại. Tôi nói nếu vậy, mai tôi lên trường
thưa với cô giáo. (Hồi đó, đứa nào cũng sợ cô giáo lắm). Thế là bạn tôi miễn cưỡng
trở lại nhà tôi xin lỗi về việc hái 2 trái chanh. Mẹ tôi hái thêm cho bạn 5
trái nữa. Tôi nói “tao không phải quý 2 trái chanh, mà chưa xin thì không được
lấy. Chuyện này tao với mày biết thôi”. Bạn tôi ra về. Tôi muốn giữ kín câu
chuyện vì nghĩ trong việc này bạn sai, tôi đúng và giữ kín để bạn không xấu hổ
với người khác. Ấy vậy mà bạn tôi lại nghĩ khác, bạn ức vì việc đó, cho là tôi
quá đáng, bạn không sai. Thế là ngày mai, tôi lên lớp, bạn bè to nhỏ, có đứa
nói thẳng luôn, tại sao tôi làm thế với bạn. Tôi thật ngạc nhiên và chấp nhận sự
phiền phức do mình gây ra này mà không hề xem đó là một tai nạn. Tôi tiếp tục sống
theo cách đó đến giờ.
Với cách của mình, trong cuộc
sống, rắc rối tôi gặp cũng nhiều, người không ưa mình càng nhiều hơn, nhưng tôi
cảm thấy lòng bình yên lắm, khi không “xi mạ” cho mình một cái lớp áo đạo đức
giả nào. Những người diễn viên sau khi hoàn thành vai diễn trên sân khấu,
rời ánh đèn và âm thanh rộn ràng, họ cũng về nhà và phải tẩy trang để mặt mộc
chứ. Những người đạo đức giả cũng sẽ có lúc phải “về nhà”, đời thế nào cũng cho
họ đủ thời gian để tẩy trang và sống với con người mộc để cảm nhận đầy đủ những
việc họ làm chứ nhỉ?! Luật nhân quả vẫn vận hành mãi mãi; thời gian đi tới chứ
đâu có đi lui bao giờ.
Cùng với những thói ích kỷ,
đố kỵ, xu nịnh, a dua, thói đạo đức giả là một thói xấu đang hoành hành ăn mòn
mối quan hệ giữa con người và con người. Nó làm mất dần vẻ chân thực của đời sống
xã hội và dần làm băng hoại đời sống đạo đức từ cá nhân cho đến cộng đồng. Thói
đạo đức giả có mặt ở khắp mọi nơi, mọi chốn. Ghê tởm nhất là những người mang bộ
mặt quân tử mà đằng sau đó là thủ đoạn, nhỏ nhen. Những lúc mình lên bờ xuống
ruộng, họ cũng hè nhau đánh hội đồng, mà sau đó giở trò an ủi, thông cảm. Hẳn họ
quên rồi sao? chính họ cũng đã “ủi” mình trước đó mà may sao, sau chao đảo mình
cũng lấy lại thăng bằng, giờ thì “an” cái nỗi gì. Nếu họ chỉ “ủi” mà
không “an”, xem ra còn dễ chịu, vì dù sao, chuyện gì đến, rồi cũng
qua đi, mình sẽ bấm nút cho qua nếu họ không quay lại bày trò nhân nghĩa, cảm
thông.
Như trên đã nói, phải thừa
nhận một điều, thói đạo đức giả rất khó phát hiện. Mà khi phát hiện ra, đúng là
đến giai đoạn 3 bệnh “ung thư mối quan hệ”, hết thuốc chữa! Người thẳng tính,
muốn mọi thứ rõ ràng, làm việc có tính nguyên tắc thì rất dễ thấy và dễ bị lên
án vì họ cho là khó chịu. Nhưng buồn thay, thói đạo đức giả lại vẫn thường chung
sống với cộng đồng một cách… vui vẻ, ai cũng biết mà họ ngầm chấp nhận nhau.
Cho đến một ngày, nó di căn khắp trong mọi cách thể hiện trong mối quan hệ, thế
là đến giai đoạn 3. Con người dễ bị thói đạo đức giả dối lừa là bởi cái mặt nạ
giả nhân giả nghĩa của nó. Với vẻ bề ngoài, đạo đức giả cũng phô diễn vẻ đẹp của
nhân cách, cao thượng trong đối xử, thấu cảm trong chia sẻ. Vì vậy, những người
đã xi mạ này dễ chiếm được sự đồng cảm của số đông. Đây là thức ăn nuôi sống
thói đạo đức giả trong xã hội.
Biết giả, ngán giả, mà cứ gặp
giả. Thôi thì cứ tìm một góc nào đó xin chút không khí thừa để hít thở đi thôi!
(Hằng Như)