Cái đáng lo sợ nhất cho giới trẻ bây giờ
không phải là thiếu kiến thức, mà là thiếu niềm tin. Họ đã thôi bỡ ngỡ đến tỉnh
rụi trước sự giả trá. Họ từng nghe có những em học sinh đu dây qua sông đi học,
những đứa bé bị bóc lột lao động đến kiệt sức để kiếm tiền đóng học phí, nhưng
không biết những người có trách nhiệm cao nhất ở đâu? Họ cũng từng biết có những
cái chợ vô hình mà nơi đó người ta bán thần thánh, bán chức tước, bán trinh tiết
và bán cả mạng người. Người lớn im lặng. Nhà chức trách làm ngơ. Thử hỏi người
trẻ dựa vào đâu để tin có chánh nghĩa, có công lý? Họ lấy gì để tiếp nối đây? Đứt
đoạn mất rồi!
Đã lâu rồi, mỗi lần giở
trang nhật báo ra, ta không còn cảm giác rợn người và thương tâm trước những vụ
tai nạn giao thông thảm khốc nữa. Thay vào đó, ta lại thấy may mắn vì những người
thân của ta không có trong danh sách thương vong. Rồi như không có gì xảy ra,
ta thản nhiên lao vào dòng chảy giao thông như một cuộc chiến: tranh thủ vượt
đèn đỏ, bất chấp lằn đường, giành giật nhau từng khoảng trống trên đường, ăn vạ
hay hung hãn đánh nhau khi lỡ va chạm và hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả tai nạn
thật.
Tất nhiên, không phải đến bây giờ người
ta mới sống mặc kệ, nhưng phải nhìn nhận rằng cuộc tổng tấn công toàn diện của
kinh tế đã phá vỡ tan tành thành trì đạo đức, khiến biết bao kẻ cam tâm vứt bỏ
bản chất thiên nhiên của con người để trở thành cỗ máy vô tri. Ta thích kiểu sống
“độc lập” - không muốn đụng chạm tới ai và cũng không muốn ai phiền nhiễu tới
mình. Ta luyện tập thuần thục thói quen “mặc kệ” mọi biến động xung quanh, dù với
người thân, để thẳng tiến tới mục đích làm giàu hay thỏa mãn quyền lực. Như Đức
Dalai Lama từng than: “Chúng ta đã lên tới mặt trăng và trở về, vậy mà quá khó
để bước qua đường gặp người hàng xóm mới”