BA TỘI ĐÁNG CHẾT

Tề Vương có con ngựa quý chẳng may bị bệnh chết. Vua tức giận, truyền lệnh phanh thây quan giữ ngựa. Quan tướng quốc là Ấn Tử thấy vậy tâu:

- Muôn tâu, vua Nghiêu vua Thuấn lúc xử tội người phanh thây, chẳng rõ các ngài phanh từ đâu trước?

Tề Vương ngơ ngác, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi truyền giam tội phạm vào ngục.

Ấn Tử lại thưa:

- Tên tội đồ này chưa rõ tội trạng của nó, xin bệ hạ cho phép thần kể tội để hắn khỏi kêu oan.

Vua đáp:

- Phải

Ấn Tử bảo:

- Nhà ngươi có ba tội đáng chết:

Ðức vua sai nuôi ngựa để ngựa chết

Ðó là một loài ngựa rất quý.

Làm cho nhà vua mang tiếng là vì một con ngựa mà giết chết một mạng người.

Tội trạng nhà ngươi như thế thật là đáng xử trảm. Chỉ hiềm một nỗi là người chết đã yên thân mà để lại cho thiên hạ vì lỗi lầm của nhà ngươi, khinh oán đức vua…

Tề Vương nghe đến đây ngậm ngùi than:

- Thôi, tha cho nó! Kẻo ta lại mang tiếng bất nhơn…

Krishnamurti có nói: “Trong mối tương giao với tha nhân, ta chỉ giữ lại sự tương giao nào có lợi cho ta mà thôi.” Câu nói này nghe nói trái tai mà lại đúng biết mấy.

Vua Tề định phanh thây quan giữ ngựa vì ông ta không làm như ý, thiệt hại cho nhà vua. Ðến khi nghe lời Ấn Tử nói, giết tên giữ ngựa lại làm thiệt cho uy danh của mình, vua mới chịu tha. Lời can của Ấn Tử thật là khôn khéo, nhưng biết kềm chế được cái khí giận đang sôi sục, nuốt hờn mà tha thứ như Tề Vương không phải là một chuyện dễ làm. Vì thế, đây là một câu chuyện thuộc thế gian giới nhưng cũng đáng cho hàng nạp tử chúng ta suy gẫm vậy.

Sưu tầm