THINH LẶNG

Ngày nay người ta sợ thinh lặng, người ta chạy trốn thinh lặng bằng đủ mọi cách khác nhau vì nghĩ rằng thinh lặng là trống rỗng và vô nghĩa, là phí phạm thời giờ cách vô ích. Bởi vì chúng ta đã quá quen sống trong vòng quay liên tục, náo nhiệt của việc làm, của âm nhạc, của phim ảnh và mọi thứ âm thanh.

Trong thời đại mà tốc độ đóng một vai trò quyết định: xe có tốc độ càng nhanh càng tốt, internet phải có đường truyền siêu tốc, fast food ngày càng phổ biến… nói chung cái gì tiết kiệm được thời gian thì càng tốt. Đây quả là những điểm đáng khen ngợi vì giúp con người có thể thực hiện được nhiều công việc hơn, phục vụ tha nhân tốt hơn.

Tuy nhiên, mọi việc đều có tính hai mặt của nó: tích cực và tiêu cực, lợi và hại; nhưng có lúc người ta quá đề cao lợi mà quên đi hại, nhấn mạnh tích cực mà bỏ quên tiêu cực thì có nguy cơ dẫn đến phiến diện và trở nên khập khiễng. Cụ thể, mặt tiêu cực của việc sống nhanh, ăn vội, yêu gấp, làm liền là con người dễ căng thẳng, thiếu kiên nhẫn, hay nản chí, mong muốn mau chóng đạt thành công và đó là nguy cơ đánh mất chính mình.

Quả thật, người ta không còn thời giờ để suy nghĩ về những việc mình đã và đang làm có ý nghĩa gì. Phải thành thật mà nói, xét ở một phương diện nào đó chúng ta cũng có tật hay bắt chước như loài khỉ, không biết có phải vì được sinh ra từ khỉ nên ta có tật đó chăng ? Làm vì thấy người khác làm, rồi từ từ cả bầy đều làm. Làm mà chẳng biết tại sao mình làm, lý do duy nhất là thấy người khác làm và mình làm theo.

Mặt khác, khi đề cao và tận dụng tốc độ, người ta ít chú ý đến sự liên hệ giữa tinh thần và thể xác. Gần đây, người ta bắt đầu nhấn mạnh trở lại về việc tinh thần có ảnh hưởng rõ ràng đến sức khỏe thể xác, và dần dà người ta bắt đầu nhận thấy thinh lặng có khả năng chữa lành và gia tăng sức mạnh nội tâm. Ngày nay, các bác sĩ tâm thần thường khuyên những người bị trục trặc về đời sống tinh thần phải dành thời gian thinh lặng nhất định nào đó trong ngày để có thể lành bệnh chứ không chỉ đơn thuần cho họ dùng thuốc an thần.

Tại sao người ta lại sợ thinh lặng đến thế nhỉ ?

bởi vì người ta muốn tận dụng thời gian để làm thật nhiều việc càng tốt, và công việc nói lên giá trị của một con người. Người nào thành công nhiều, người ấy có giá trị cao, nhưng có thật như thế không? nếu vậy những người bệnh tật, tâm thần cần phải loại bỏ đi.

Khi thinh lặng người ta phải đối diện với chính mình, với lương tâm. Cho nên, chúng ta chạy trốn thinh lặng, là chạy trốn chính mình.