PHẦN 2: ĐẬP TAN NHÀ NGUYỄN (Chương 25)

Chương 25: Đánh Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc lên ngôi. - Nương Thành Nhân, Phúc Ánh làm chúa.
------oOo------
Ngày kia thiết triều, Nguyễn Nhạc trang trọng nói:
- Nguyễn Huệ đem đại binh vào Nam Hà đánh một trận giết được hai chúa nhà Nguyễn, toàn bộ đất đai từ Quảng Nam vào Gia Định đều thuộc nhà Tây Sơn ta cả. Thành Đồ bàn vừa mới sửa xong, ý ta mà lên ngôi Hoàng đế các khanh nghĩ thế nào?
Nguyễn Huệ vội bước ra can:
- Xin đại huynh chớ lên ngôi Hoàng đế!
Nguyễn Nhạc phật ý nói:
- Nay ta đã tiêu diệt xong nhà Nguyễn, thống nhất toàn cõi Đàng Trong, sao lại không lên ngôi Hoàng đế được?
Huệ quỳ xuống nói:
- Thưa đại huynh, dân nước Nam ta vẫn còn nhớ ơn vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh, nên trong lòng trăm họ chỉ có họ Lê làm vua mà thôi. Đến như họ Trịnh nắm quyền ở Đàng Ngoài, quyền nghiêng thiên hạ còn không dám truất bỏ nhà Lê. Họ Nguyễn ở Đàng Trong tự chủ hơn một trăm năm cùng họ Trịnh bảy lần giao chiến, cũng chỉ dám xưng Vương mà thôi. Nay nhà Tây Sơn ta mới dấy binh, ân đức cùng bá tánh chưa rộng khắp, nếu đại huynh lên ngôi Thiên tử e lòng người nhớ ơn nhà Lê mà oán Tây Sơn ta, ấy là một lẽ. Đại huynh đang nhận sắc phong của họ Trịnh làm Quảng Nam trấn thủ, nếu đại huynh lên ngôi Hoàng đế, Trịnh Sâm ắt mượn tiếng vua Lê cử đại binh vào đánh ta, ấy là hai lẽ. Hiện thời dù ta đã tiêu diệt được họ Nguyễn nhưng thủ hạ của chúng không phải không còn. Như Đỗ Thành Nhân rút vào căn cứ ở rừng Tam Phụ, các tướng Nguyễn là Lê Văn Quân, Hồ Văn Lân, Nguyễn Nghi, Tống Phước Khuông, Tống Phước Lương vẫn đang lẩn trốn trong rừng thừa cơ nổi dậy. Nếu nghe đại huynh lên ngôi vua dù dòng họ Nguyễn không còn ai nhưng chúng sẽ mượn tiếng phò Lê như ngày trước ta mượn tiếng tôn phò Hoàng tôn Dương vậy, ấy là ba lẽ. Vì ba điều bất lợi ấy nên em dập đầu xin đại huynh chớ lên ngôi Hoàng đế.
Nguyễn Nhạc giận lắm nạt:
- Ngày trước ta có ý xưng Vương, ngươi ba lần bảy lượt can ngăn. Nay binh ta hùng, tướng ta mạnh, ta định lên ngôi Hoàng đế ngươi lại viện đủ lý do quyết lòng cản trở là ý làm sao?
Nguyễn Huệ sợ hãi dập đầu dưới trướng thưa:
- Xin đại huynh bớt giận, em chỉ vì đại cuộc mới nói lời ngay thật mà thôi! Chờ ít năm nữa ta yên được lòng dân Gia Định, cho không còn mầm mống phản loạn bên trong, rồi ta mượn tiếng phò Lê đem quân diệt Trịnh thống nhất sơn hà, xoá bỏ ranh giới Linh Giang, cho dân một nước không còn cảnh binh đao khói lửa, anh em dòng giống không còn chém giết lẫn nhau, thì ân đức của đại huynh sẽ ngàn sau lưu truyền cùng sử sách. Nếu bây giờ đại huynh lên ngôi Hoàng đế, e rằng trong nước sẽ sinh ra biến loạn, quân Tây Sơn ta phải thọ địch khắp nơi. Xin đại huynh xét lại!
Nguyễn Nhạc nổi giận quát lớn:
- Nguyễn Huệ to gan dám bảo ta lên ngôi thì trong nước sẽ sinh ra biến loạn sao? Quân bây đâu lôi ra ngoài cho đánh ba mươi trượng cho chừa thói xàm ngôn phạm thượng.
Quân vệ sĩ vốn sợ uy Nguyễn Huệ đang còn chần chừ, Nguyễn Lữ bước ra quỳ bên cạnh Nguyễn Huệ khóc rằng:
- Xin đại huynh bớt giận, anh Huệ chỉ vì quốc dân mà nói lỡ lời. Xin đại huynh hãy nghĩ đến công lao hãn mã của anh Huệ mà tha cho anh ấy một phen. Từ ngày thân phụ mất đi, đại huynh nuôi dạy hai anh em, công lao ấy tạc dạ ghi lòng. Nếu anh Huệ có lỗi xin đại huynh dùng đạo nhà mà trị, chứ nếu lấy phép nước mà đánh anh Huệ ba mươi trượng thì còn gì xương thịt mà phụ mẫu tạo ra!
Nghe Lữ nói xong, Huệ ôm em mà khóc. Các tướng trông thấy đều quỳ xuống xin tha cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Nhạc trông thấy hai anh em ôm nhau quỳ khóc dưới trướng động lòng ứa nước mắt nói:
- Nể lời các tướng ta tha cho lần này. Nhưng đạo nhà không thể không trị!
Dứt lời Nhạc truyền quân đem roi mây đến, bắt Huệ nằm giữa điện tự tay cầm roi đánh vào mông ba mươi roi. Đánh xong bước lên ngai, Nhạc bảo:
- Ý ta đã quyết, còn ai can ngăn. Chém!
Năm Mậu Tuất (1778) Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Thái Đức, đổi tên thành Qui Nhơn thành Hoàng Đế Thành, phong con là Nguyễn Bảo làm Thái tử, Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Vũ Văn Nhậm, Trương Văn Đa làm Phò mã, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc, Đặng Văn Long, Đặng Xuân Bảo, Đặng Xuân Phong, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân đều phong làm đô đốc.
Việc lên ngôi của Nguyễn Nhạc vừa xong, các tướng Nguyễn Văn Tuyết, Văn Lộc, Văn Long rủ nhau đến tư dinh thăm Nguyễn Huệ. Huệ tươi cười mời vào nhà hỏi:
- Nay có việc chi mà các ông đến nhà Huệ đông thế?
Nguyễn Văn Lộc đáp:
- Hôm ấy Hoàng thượng giận đánh tướng quân ba mươi roi mây vào mông. Nghe nói tướng quân bị đau không ngồi được nên chúng tôi đến thăm tướng quân chớ không có việc gì cả!
Huệ cười nói:
- Hôm ấy Hoàng huynh tôi giận đòi đánh tôi ba mươi trượng. Nhưng Hoàng huynh rất thương yêu tôi đời nào lại đánh tôi như thế. Còn việc dùng roi mây giáo huấn, Nguyễn Huệ tôi từ nhỏ nhờ đại huynh răn dạy nay mới được nên người thì có chi là đau đớn. Các ông xem tôi vẫn ngồi được như thường đấy thôi!
Thấy Văn Tuyết nhìn quanh quất, Huệ hỏi:
- Văn Tuyết tìm ai thế?
Tuyết lại hỏi Huệ:
- Tiết chế Nguyễn Lữ đâu chẳng thấy?
Huệ đáp:
- Hoàng huynh cùng Lữ đệ thăm tôi vừa mới ra về.
Khi ấy Văn Tuyết mới nói:
- Hôm ấy nếu không nhờ Tiết chế đem tình cốt nhục ra can gián và anh em chúng tôi không đồng lòng xin hộ thì Hoàng thượng làm sao rút lời. Thế có phải là Long Nhương tướng quân bị ba mươi trượng xương tan thịt nát rồi không?
Huệ cười to đáp:
- Văn Tuyết nói sai rồi! Hoàng huynh ta thừa biết rằng ta bị tội các tướng tất phải xin cho. Hoàng huynh vì giận mà nói thế chứ nào cố làm tội ta.
Văn Long xen vào nói:
- Hoàng thượng là người nhân đức, thấy việc nghĩa dám quên mình, xem tướng sĩ như huynh đệ, phụ tử khiến người dưới quyền đều mến phục. Đến nỗi Hoàng thượng mới lên ngôi tôi đã nghe quân đồn trấn ải Cù Mông đặt câu ca rằng:
Ơn vua Thái Đức chí tình
Cù Mông vắng vẻ nhưng mình vẫn vui Xem thế đủ biết ân đức của Hoàng thượng đã rộng khắp phủ Qui Nhơn. Nhưng Hoàng thượng có hai tật nhỏ làm lu mờ đức lớn, thật đáng tiếc thay!
Văn Lộc hỏi:
- Hai tật nhỏ của Hoàng thượng là tật gì mà đến nỗi làm lu mờ đức lớn như thế?
Long đáp:
- Thứ nhứt là mộng làm vua khiến kẻ sĩ trong thiên hạ nghĩ rằng Hoàng thượng mưu định bá đồ vương mà giả nhân, giả nghĩa. Thứ hai là tánh đố tài không dám mạnh dạn cho Long Nhương tướng quân điều binh khiển tướng, làm chậm đi bước tiến của quân Tây Sơn ta trên con đường thống nhất giang san. Nếu Hoàng thượng cứ chuyên tâm trau dồi đức độ, giao binh quyền cho Long Nhương như ngày xưa Lư Bị giao quyền cho Gia Cát vũ hầu thì việc thống nhất giang san chỉ trong một sớm một chiều mà thôi.
Nghe Long nói xong Nguyễn Huệ nạt:
- Văn Long không được nhiều lời. Đại huynh ta giờ là vua một cõi Đàng Trong há để cho các ngươi đem ra bình phẩm hay sao? Nếu Hoàng huynh ta nghe được liệu cái đầu của ngươi có còn nằm yên trên cổ không?
Long sợ hãi vòng tay nói:
- Chẳng qua là đệ lấy làm tiếc cho sự nghiệp của nhà Tây Sơn ta mà thôi. Xin đại huynh bớt giận.
Nguyễn Huệ nét giận hầm hầm nói:
- Ngày trước Hoàng huynh ta tôn thầy làm sư phụ. Nhưng bây giờ dù thầy ta còn sống cũng không dám buông lời bình phẩm như ngươi vừa nói. Ta nể tình huynh đệ đồng sư môn mà tha cho ngươi một lần đó. Từ giờ trở đi nếu có kẻ nào còn đàm tiếu đại huynh thì đừng có trách ta là huynh đệ vô tình. Nói xong liền đuổi Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuyết đi về. Ba tướng sợ hãi bái tạ lui ra.
Trên đường về, Đặng Văn Long nói với Văn Tuyết và Lộc:
- Long Nhương tướng quân bị Hoàng thượng đố tài kiềm chế mà không oán, bị anh đánh oan giữa chỗ đông người mà không giận vẫn một lòng hiếu đễ, thật đáng phục thay!
***
Nói về Nguyễn Phúc Ánh băng rừng lội suối về rừng Tam Phụ nương náu Đỗ Thành Nhân. Nghe tin Nguyễn Huệ rút đại binh về Qui Nhơn, Ánh bảo Đỗ Thành Nhân:
- Nguyễn Huệ tưởng rằng đã giết hết nhà Nguyễn ta, nên rút đại binh về Qui Nhơn đề phòng quân Trịnh xâm phạm mặt Bắc, hắn để Nguyễn Uy ở lại giữ Trường Đồn, Lê Chu giữ Sài Côn, Phạm Ngạn giữ Trấn Biên. Vậy tướng quân hãy sai người đi khắp các nơi liên lạc với các tướng hiện đang lẩn trốn, bảo họ đem quân về họp tại căn cứ Tam Phụ của ta rồi chỉnh đốn binh mã lấy lại đất Gia Định, đừng nên bỏ lỡ thời cơ.
Đỗ Thành Nhân suy tư nói:
- Ngày trước lúc tôi làm phụ chính ở thành Sài Côn vì sợ Lý Tài giả hàng làm nội ứng cho giặc, nên mới giữ không cho chúa Định vương ra thành đón Lý Tài. Vì việc ấy mà các tướng bảo tôi làm phản quản thúc Chúa thượng. Nay tôi triệu tập các tướng làm gì họ chịu đến đây?
Ánh cười bảo:
- Việc này tướng quân chớ lo. Tôi sẽ viết mật thư cho người đi gọi. Các tướng biết tôi còn sống ắt sẽ đến ngay.
Thành Nhân cả mừng nói:
- Vậy phiền Hoàng điệt viết thư nói rõ tấm lòng trung quân của tôi để các tướng dẹp bỏ thành kiến, cùng quyết tâm khôi phục cơ đồ là Hoàng điệt giải oan cho tôi rồi vậy.
Nguyễn Phúc Ánh liền viết mật thư trao cho quân đi triệu tập các tướng. Ít lâu sau Lê Văn Quân, Hồ Văn Lân, Tống Phước Khuông, Tống Phước Lương, Nguyễn Nghi đem tàn quân về hội ở rừng Tam Phụ. Phúc Ánh ôm các tướng khóc rằng:
- Chú tôi là Thái Thượng vương, anh họ tôi là Tân Chính vương, cùng hoàng thân quốc thích và Tĩnh điệp hầu Nguyễn Đăng Trường đều bị quân Tây Sơn bắt giết hết cả rồi. Chỉ còn mình tôi tả xung hữu đột đưa mẹ và em vượt khỏi trùng vây chạy thoát mới viết mật thư triệu tập các tướng đến đây cùng nhau khôi phục cơ đồ mà tiên vương đã tốn bao công sức mới dựng nên.
Các tướng cùng khóc nói:
- Họ hàng vợ con chúng tôi đều bị quân Tây Sơn giết cả. Thù này không trả được còn sống trên đời làm gì nữa!
Đỗ Thành Nhân khuyên giải:
- Xin Hoàng điệt và các vị hãy bình tâm, dẹp bỏ ưu phiền để cùng nhau mưu bàn đại sự. Nay tuy hai chúa đã bị hại nhưng hoàng tộc hãy còn có Hoàng điệt Phúc Ánh. Vậy ta hãy tôn Hoàng điệt làm nhiếp chính quốc, Bình Tây đại Nguyên Soái cho an lòng tướng sĩ rồi sẽ khởi binh chiếm lại đất Gia Định tính kế lâu dài.
Ánh thoái thác:
- Tôi tuy là Hoàng điệt nhưng mới mười bảy tuổi, tài cán gì mà dám nhận chức ấy. Xin các vị hãy cử người khác cho.
Lê Văn Quân nói:
- Người xưa có câu: “Tài không đợi tuổi”, Hoàng điệt không có tài sao một mình có thể thoát khỏi trùng vây của giặc Tây Sơn được. Nếu Hoàng điệt không nhận chức ấy, thì sao gom được lòng dân về một mối mà chống giặc Tây Sơn?
Đỗ Thành Nhân thêm vào:
- Lời Lê tướng quân rất phải! Xin Hoàng điệt hãy thuận cho. Nếu ngại về việc điều binh khiển tướng đã có tôi đây bàn mưu định kế. Xin Hoàng điệt chớ lo!
Nói rồi liền ra hiệu cho các tướng quỳ xuống tung hô:
- Chúng tôi ra mắt Bình Tây đại Nguyên Soái!
Lúc ấy Ánh mới nói:
- Thôi các tướng đừng thi lễ nữa. Ta đâu dám phụ lòng các tướng. Vậy các vị hãy đứng lên cùng bàn việc khởi binh.
Nguyễn Ánh và các tướng cùng ngồi vào bàn.
Thành Nhân hỏi:
- Tuy Nguyễn Huệ đã rút đại binh về Qui Nhơn, nhưng quân Tây Sơn rất là thiện chiến. Muốn chiếm lại ba thành Trường Đồn, Sài Côn, Trấn Biên, ta nên dùng mưu chớ nên dùng sức, các vị có kế gì chăng?
Bàn qua tính lại mãi vẫn chưa có kế gì đánh quân Tây Sơn, bỗng nghe ngoài bản doanh có tiếng quân cười nói xôn xao. Nhân gọi quân vào hỏi:
- Ngoài kia có việc chi mà ồn ào thế?
Tên quân đáp:
- Thưa tướng quân! Trong quân của ta có một tên lính dung mạo giống tướng quân như tạc. Lúc đầu mọi người cứ ngỡ là tướng quân. Sau vỡ lẽ lấy làm lạ bèn xúm nhau mà coi nên bàn tán xôn xao thế!
Thành Nhân nhíu mày hỏi:
- Ngươi bảo dung mạo giống ta như tạc ư?
Tên quân đáp:
Thưa phải!
Nhân truyền:
- Đem hắn vào đây cho ta!
Võ sĩ dẫn tên quân vào. Quả nhiên người này vóc dáng nhỏ hơn, nhưng dung mạo giống Thành Nhân như tạc.
Thành Nhân trợn mắt bảo:
- Trên đời sao có sự lạ thế! Truyền quân đem chém!
Tên quân hoảng sợ van xin:
- Xin tướng quân tha mạng! Tôi chẳng may trời sinh giống tướng quân. Chứ từ trước đến nay chưa phạm tội gì. Xin tướng quân thương tình tha mạng!
Thành Nhân đáp:
- Trùng tên vua chúa là phạm huý, phải đổi tên khác. Mặt giống vua chúa là phạm mạo, phải đổi mặt khác. Không chém đầu ngươi sao tra đầu khác vào được?
Nói xong mặc tên lính khóc lạy van xin, Thành Nhân hô quân lôi ra chém! Bỗng một người bước ra nói:
- Tôi có một kế chiếm lại đất Gia Định như trở bàn tay!
Phúc Ánh hỏi Nhân:
- Người này là ai thế?
Thành Nhân đáp:
Người này trí dũng song toàn, là thuộc tướng của tôi tên là Võ Tánh.
Ánh thấy Võ Tánh tướng mạo đường đường, mặt mày cương trực khôi ngô trong lòng rất thích hỏi:
- Kế thế nào tướng quân hãy nói xem?
Tánh đáp:
- Tiểu tướng xin đem hai trăm quân vào thành Trường Đồn trá hàng. Nguyên Soái và các tướng phục sẵn bên ngoài khi nào thấy lửa hiệu và cổng thành mở thì đem quân tràn vào mà đánh. Phải lưu ý chớ cho quân chạy thoát thành về Sài Côn báo với Lê Chu. Chiến xong Trường Đồn ta dùng y phục quân Tây Sơn về Sài Côn lừa Lê Chu mở cổng thành. Nếu dùng kế này có thể chiếm được Trường Đồn, Sài Côn dễ dàng.
Thành Nhân cười bảo:
- Ta e rằng ngươi vào Trường Đồn xin hàng, Nguyễn Uy sợ trá hàng mà giết ngươi trước thì sao?
Võ Tánh đáp:
- Ta làm khổ nhục kế, Nguyễn Uy tất sẽ tin mà cho tôi quy hàng.
Ánh hỏi:
- Khổ nhục kế thế nào?
Tánh quỳ lạy Đỗ Thành Nhân nói:
- Tướng quân tha tội tiểu tướng mới dám thưa!
Nhân bảo:
- Vì đại cuộc sao bảo là tội! Ngươi cứ nói thử xem?
Tánh đáp:
- Khổ nhục kế chính là cái đầu của tên quân vừa bị chém đó. Ta cứ làm như vầy... như vầy... Nguyễn Uy ắt phải lầm mưu.
Thành Nhân khen:
- Thật là diệu kế. Nhưng ngươi nên cẩn thận, quân Tây Sơn rất thiện chiến. Nhớ năm trước thằng vô lại Văn Tuyết và thằng chăn trâu Văn Lộc mắc kế điệu hổ ly sơn, bị ta vây ở ấp Hoà Hưng mà vẫn vũ dũng dùng hai ngàn quân đánh lui năm ngàn quân của ta. Võ Tánh chớ nên khinh địch, hãy theo kế ấy lập tức thi hành.
Võ Tánh lãnh lệnh đi ngay.
***
Ngày ấy trong thành Trường Đồn, tướng Tây Sơn Nguyễn Uy nghe quân vào báo:
- Thưa tướng quân có một viên tướng dẫn hai trăm quân xưng là thuộc tướng của Đỗ Thành Nhân đứng dưới thành xin hàng.
Nguyễn Uy bảo tả hữu:
- Lúc Long Nhương tướng quân rút đại binh về Qui Nhơn có căn dặn ta rằng: “Đất Gia Định dễ đánh mà khó giữ, nên dùng ân đức để thu phục lòng dân”. Nay có tướng địch ra hàng nên ta dung nạp để tỏ rõ lòng khoan dung của Tây Sơn ta vậy!
Trong quân hầu cận có người nói:
- Đành rằng như thế nhưng làm thế nào để phân biệt thật giả? Ngộ nhỡ giặc trá hàng vào thành làm nội ứng thì sao?
Uy bảo:
- Ta cứ lên mặt thành xem hư thực thế nào rồi sẽ liệu sau!
Nói rồi nai nịt lên mặt thành quan sát. Thấy viên tiểu tướng dẫn hai trăm quân đứng dưới thành, Uy hỏi lớn:
- Nếu ngươi muốn về với Tây Sơn ta, thì có chi làm bằng không phải là gian kế chăng?
Viên tiểu tướng đáp:
- Tôi tên là Võ Tánh, là thuộc tướng của Đỗ Thành Nhân. Vừa rồi tôi khuyên Đỗ Thành Nhân ra hàng, Thành Nhân không nghe lại toan giết tôi, tôi bèn chém chết Đỗ Thành Nhân rồi cắt thủ cấp đem đến xin hàng.
Đoạn Võ Tánh giơ thủ cấp lên nói:
- Đây là thủ cấp của Đỗ Thành Nhân xin tướng quân xem lại.
Nguyễn Uy cả mừng bảo tả hữu:
- Ngươi mau đi gọi mấy tên quân trước ở trong quân của Đỗ Thành Nhân đến đây cho ta!
Vài tên quân đến, Uy hỏi:
- Các ngươi hãy nhìn xem thủ cấp kia có phải của Đỗ Thành Nhân chăng?
Tên quân đáp:
- Người cầm thủ cấp chính là Võ Tánh thuộc tướng của Đỗ Thành Nhân. Còn thủ cấp kia do người chết không giống người sống, nên ở xa chúng tôi không dám quyết.
Nguyễn Uy liền xuống thành, dàn quân làm hai hàng, tự mình cưỡi ngựa cầm đao đứng giữa rồi cho mở cổng thành. Võ Tánh vào thành rồi quỳ mọp dưới ngựa Nguyễn Uy dâng thủ cấp. Nguyễn Uy hỏi quân:
- Chúng bay xem cho kỹ có phải là thủ cấp của Đỗ Thành Nhân chăng?
Mấy tên quân nhìn tới nhìn lui một hồi rồi nói:
- Thưa tướng quân! Đây đúng là dung mạo của Đỗ Thành Nhân.
Nguyễn Uy lại hỏi:
- Không thể lầm lẫn chứ?
Quân đáp:
- Chúng tôi thường ở trong quân Đỗ Thành Nhân mấy năm trời không thể lầm lẫn được!
Lúc ấy Nguyễn Uy nhảy xuống ngựa đỡ Võ Tánh dậy nói:
- Ngươi chớ lo sợ, ta làm thế chẳng qua là sợ gian kế mà thôi. Nay biết ngươi thật bụng, ta lại chẳng thật lòng hậu đãi hay sao?
Võ Tánh lạy tạ ơn. Uy lại hỏi:
- Thường ngày ngươi có tài gì?
Tánh cung kính đáp:
- Tôi theo đòi võ nghệ cũng thạo nghề cung kiếm.
Uy đang vui vẻ liền bảo:
- Bình sanh ta rất thích võ nghệ. Vậy ngươi hãy biểu diễn vài đường cho ba quân biết vũ dũng của ngươi đi.
Tánh vâng lời liền cầm thương bỏ bộ mà múa. Đường thương linh hoạt lui tới nhịp nhàng trông rất là ngoạn mục. Ba quân thấy thế vỗ tay reo hò cổ vũ.
Uy hứng chí nhảy ra nói:
- Đánh võ một người sao hứng thú. Ta với ngươi thử sức cho vui.
Nói rồi cầm đao đánh với Võ Tánh. Kẻ đánh người đỡ, kẻ tiến người lui. Qua năm mươi hiệp bất phân thắng bại. Nguyễn Uy vờ núng thế bỏ bộ quay lưng tháo lui. Võ Tánh mừng rỡ nghĩ bụng: “Ta nhân dịp này giết chết Nguyễn Uy ắt là hàng được quân sĩ vậy”. Nghĩ xong nhảy theo đâm một thương trí mạng, chẳng ngờ Nguyễn Uy quay lại, một tay chụp lấy mũi thương, một tay vung đại đao chém hậu. Đao vừa đến cổ Võ Tánh, Nguyễn Uy liền dừng lại. Võ Tánh tháo mồ hôi hột phân trần rằng:
- Trong lúc đấu võ phải trổ hết tài nghệ. Nếu tướng quân không đánh thế võ này, thì đường thương của Tánh tôi vừa đến áo giáp của tướng quân liền dừng lại. Xin tướng quân chớ khá hiểu lầm.
Nguyễn Uy thu đao về cười lớn:
- Điều này ta há chẳng biết sao? Cũng như đường đao của ta vừa đến cổ ngươi liền dừng lại. Ngươi dùng thương pháp ắt phải có thế Hồi mã thương. Thế đà đao của người Qui Nhơn ta thường gọi là phản bối đao vậy!
Võ Tánh bái lạy:
- Tướng quân võ nghệ siêu quần, Tánh tôi rất lấy làm khâm phục.
Nguyễn Uy cả cười nắm tay Võ Tánh vào trong tướng phủ.
Đêm ấy nhân lúc Nguyễn Uy ngủ say, Võ Tánh lén chia quân mở bốn cửa thành, phóng hoả ở nhà chứa cỏ cho ngựa rồi chạy ra cửa Bắc thành đón quân mình.
Quân Nguyễn Phúc Ánh thấy lửa cháy trong thành Trường Đồn, lại thấy cửa thành mở toang liền ồ ạt xông vào thành. Nguyễn Uy đang ngủ nghe tiếng quân hò reo inh ỏi, giật mình thức dậy, lại thấy lửa cháy ngút trời. Uy thất kinh vội vàng mặc giáp cầm đao lên ngựa đem theo vài mươi tên quân tín cẩn nhắm cửa Bắc thành mà chạy. Gần đến cổng thành, Uy nghe Võ Tánh nói với quân Tây Sơn đang chiến đấu rằng:
- Quân ta đã chiếm được thành, các ngươi còn ngoan cố hay sao? Các ngươi đều là người Gia Định cả. Ơn chúa Nguyễn chưa đền sao theo giặc Tây Sơn? Còn không mau bỏ giáp quy hàng, ta hứa bảo toàn tính mạng cho các ngươi.
Nghe Võ Tánh nói quân Tây Sơn đều đầu hàng cả. Nguyễn Uy thấy vậy hơi giận ngút trời, chẳng nói chẳng rằng vung đao xông tới chém Tánh. Tánh đưa thương lên đỡ. Nguyễn Uy trong cơn giận sức mạnh vô cùng, Võ Tánh đánh không lại bị Uy chém một nhát trúng tay liền quay ngựa bỏ chạy.
Uy đuổi theo hét vang:
- Thằng súc sinh lừa đảo kia chạy đâu cho thoát!
Bỗng từ bên phải có tiếng rằng:
- Tướng giặc chớ hung hăng, có ta là Đỗ Thành Nhân đến đây.
Nguyễn Uy giật mình quay lại thấy một người cưỡi ngựa dung mạo giống hệt thủ cấp Võ Tánh dâng lúc ban ngày. Uy thất kinh nghĩ bụng, thằng này đã chết rồi sao lại còn đây. Võ Tánh nhân lúc Uy phân tâm liền quay lại đâm một thương vào giữa bụng Nguyễn Uy. Đâm xong Tánh bảo:
- Đây là thế Hồi mã thương của ta đấy!
Nguyễn Uy dùng hết hơi tàn gắng gượng nói:
- Nếu biết bụng ngươi quyết giết ta lúc thử võ, ta dùng phản bối đao chém chết cho rồi!
Nói xong nhào xuống ngựa mà chết. Quân Nguyễn chiếm được thành Trường Đồn, quân Tây Sơn thấy chủ tướng chết đều đầu hàng cả. Thấy Võ Tánh bị thương, Đỗ Thành Nhân để Đỗ Nhàn Trập ở lại giữ Trường Đồn cùng Võ Tánh, còn mình đem đại quân cùng Nguyễn Phúc Ánh tiến ra Sài Côn. Trước khi đi, Võ Tánh nói riêng với Đỗ Thành Nhân rằng:
- Nguyên Soái là người khôn ngoan sắc sảo, không phải thật thà nhu nhược như chúa Định vương ngày trước. Dù binh quyền ở trong tay chủ tướng, cũng xin chủ tướng hãy thật lòng phò tá, chớ để cho Nguyên Soái nghi ngờ.
Nhân cười đáp:
- Tánh thật là lo xa quá đấy. Lúc quản thúc Định vương trong thành Sài Côn, ta đã biết Nguyên Soái là người như thế nào rồi. Vả lại đường đường nắm giữ binh quyền không phải là ta thì còn ai vào đây nữa, việc gì ta lại không thực bụng tôn phò. - Nói rồi không chút nghi ngại dẫn quân đi.
***
Một đêm kia quân Tây Sơn ở cổng Nam thành Sài Côn nghe tiếng gọi: Mau mau mở cổng thành!
Quân canh nhìn xuống thấy một đạo binh đều vận quân phục của Tây Sơn cả. Liền hỏi:
- Binh nào! Ở đâu đang đêm gọi cổng thành!
Quân dưới thành đáp:
- Ta là Nguyễn Uy giữ Trường Đồn đây! Quân Nguyễn đánh Trường Đồn dân trong thành theo giặc nổi dậy, ta phải bỏ thành chạy về đây. Các ngươi hãy gọi tướng Lê Chu mau mở cổng thành.
Lê Chu lên mặt thành trông thấy toàn quân mình liền bảo quân mở cổng. Đỗ Thành Nhân, Võ Nhân dẫn binh vào thành đánh giết quân Tây Sơn. Nguyễn Phúc Ánh, Hồ Văn Lân, Lê Văn Quân, Nguyễn Nghi, Tống Phước Khuông, Tống Phước Lương nấp ở cánh rừng ngoài thành liền hò quân xông lên tiếp ứng. Quân Nguyễn tiến vào thành như thác, tiếng hò reo vang dậy đất trời. Quân Tây Sơn bất ngờ trở tay không kịp bị giết rất nhiều. Tướng Tây Sơn là Lê Chu mắc lừa quân Nguyễn phải bỏ thành thoát thân chạy về Trấn Biên. Nguyễn Ánh vào thành Sài Côn đến nhà Thái miếu, thấy linh vị Tiên vương đều bị quân Tây Sơn đập phá, nhang tàn khói lạnh. Ánh thề rằng:
- Thù này không trả được thề chẳng làm người, cùng anh em thằng buôn trâu Nhạc – Huệ quyết chẳng đội trời chung.
Thế rồi sai người sửa sang thái miếu đặt lại linh vị thờ cúng tiên vương.
Lúc bấy giờ Lê Chu chạy về Trấn Biên nói với quan trấn thủ là Phạm Ngạn:
- Tôi với ông và tướng quân Nguyễn Uy, ba chúng ta đều do Hoàng thượng chọn trong trường thi võ mà cho vào trấn đất Gia Định. Nay Nguyễn Uy tử trận ở Trường Đồn, tôi lại để mất Sài Côn. Tội của tôi đã đành, nhưng ngộ nhỡ Hoàng thượng hỏi vì sao ông không đem binh cứu viện thì ông trả lời thế nào?
Phạm Ngạn hỏi lại Lê Chu:
- Giờ ta phải làm sao?
Chu đáp:
- Ông hãy ở lại giữ thành Trấn Biên. Hiện tôi còn được hai ngàn quân. Ông vui lòng cho tôi mượn thêm một ngàn quân mã và năm mươi khẩu đại bác. Tôi sẽ đem binh chiếm lại Sài Côn. Khi ấy Hoàng thượng có hỏi là hỏi tội tôi chứ ông không có tội gì cả!
Phạm Ngạn nghe xong lấy làm phải cho Lê Chu mượn quân, Lê Chu liền dẫn binh đi ngay. Nào ngờ có một tên quân dưới trướng Phạm Ngạn vốn người Gia Định nghe lén được cuộc nói chuyện giữa Lê Chu và Phạm Ngạn, mới lẻn trốn về Sài Côn báo cho Phúc Ánh hay. Ánh liền cho quân mai phục. Lê Chu dẫn quân đi được nửa đường đến một đoạn đường vắng bỗng nghe tiếng hò reo vang dậy, quân Nguyễn từ bốn mặt xông ra.
Lê Chu thất kinh than:
- Thôi ta đã lọt vào trận mai phục của giặc rồi!
Than rồi quay lại liều chết phá vây. Lê Chu tả xung hữu đột giết quân Nguyễn máu đỏ chiến bào, nhưng vòng vây dày quá, Lê Chu đánh một hồi thấm mệt mà chưa ra khỏi trận. Lê Chu liệu bề không thoát được, lấy gươm đâm cổ tự vẫn. Nguyễn Phúc Ánh thừa thắng sai Lê Văn Quân đem quân tiến đánh Trấn Biên. Tướng Tây Sơn giữ Trấn Biên là Phạm Ngạn thấy thanh thế quân Nguyễn lớn quá phải bỏ thành Trấn Biên chạy về Bình Thuận. Từ ấy đất Nam Hà, Gia Định lại thuộc về quân Nguyễn cả.
***
Ngày ấy Nguyễn Phúc Ánh ở trong thành Sài Côn họp các tướng bàn việc quốc gia.
Đỗ Thành Nhân quỳ tâu:
- Nay quân ta đã thu phục được đất Gia Định. Vậy Nguyên Soái hãy mau mau xưng Vương hiệu, kế tục nối nghiệp Tiên vương cho an lòng tướng sĩ. Rồi danh chánh ngôn thuận kéo quân ra trị tội Nguyễn Nhạc dám ngông cuồng lên ngôi Hoàng đế.
Nguyễn Phúc Ánh hỏi:
- Đối với các tướng ta có đáng được xưng Vương chăng?
Tống Phước Khuông nói:
- Nguyên Soái mới khởi binh mà đã khiến cho lòng người qui thuận. Đi đến đâu anh hùng hào kiệt đều xin theo dưới cờ, đánh một trận đã chiếm xong ba thành ở Gia Định. Tài thế ấy, đức thế ấy, chính nghĩa thế ấy sao không đáng để xưng Vương?
Rồi quay sang các tướng bảo:
- Chúng ta cùng tôn Nguyên Soái lên ngôi Vương.
Khuông nói xong mọi người đều quỳ cả. Riêng Thành Nhân vừa quỳ vừa nói:
- Nguyên Soái lên ngôi Vương là thuận lý. Vì chỉ có một mình Nguyên Soái là con cháu nhà chúa mà thôi.
Nguyễn Ánh lên ngôi Vương, phong Đỗ Thành Nhân làm Ngoại hữu – phụ chính – Thượng tướng công và thăng thưởng cho các tướng.
Từ ấy về sau nhân dân gọi nhà Nguyễn của vua Thái Đức là nhà Nguyễn Tây Sơn. Vì vua Thái Đức phát tích ở ấp Tây Sơn, phủ Qui Nhơn. Gọi nhà Nguyễn của Nguyễn Vương là nhà Nguyễn Gia Miêu. Vì họ nhà chúa Nguyễn phát tích ở ấp Gia Miêu, phủ Thanh Hoá. Và gọi giai đoạn lịch sử ấy là thời: Nhị Nguyễn tranh hùng!

xem tiếp: Chương 26: Võ Tánh náu thân rừng Tam Phụ. - Nguyễn Vương đại bại Thất Kỳ Giang.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...