Có phải chúng ta nhớ lại, sau mỗi cơn giận,
chúng ta thường cảm thấy hối tiếc và ray rứt vì những phản ứng dại dột và thấp
kém của mình không? Chúng ta biết mỗi lần tức giận là mỗi lần chúng ta đánh mất
hình tượng đẹp và làm suy giảm niềm tin yêu trong mắt người khác, nên lòng cứ dặn
lòng sẽ không để cho cơn giận thao túng mình thêm lần nào nữa.
Thế nhưng khi gặp chuyện trái nghịch, nhất
là tổn hại đến quyền lợi hay danh dự, là cơn giận cứ không hẹn mà đến. Ngay lúc
ấy dù được người khác nhắc nhở chúng ta cũng gạt ngang, lý trí cũng phải đứng lặng
chào thua cảm xúc. Từ thất bại này đến thất bại khác, chúng ta dần trở nên căm
ghét cơn giận của mình. Bây chừ có thời gian ngồi lại nhìn nhận, hạt giống giận
trong chúng ta đã được nuôi dưỡng thường xuyên.
Chúng ta đã vô tình tạo
ra nó từ những điều bất như ý nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày mà chúng ta
không hay biết, như là: bực bội khi nôn nóng tới nơi cho kịp giờ mà lại bị kẹt
xe, bồn chồn khi phải xếp hàng mua đồ, gọi điện người thân mà họ không bấc máy,
thức ăn không vừa miệng, người kia quên chào hỏi… đến những phiền toái do chính
mình gây ra như: mở nhầm chìa khóa, uống nước bị bỏng miệng, trượt chân ở cầu
thang, tìm mãi không ra quyển sách, hồi tưởng về quá khứ đau buồn…
Nếu chúng ta không quan
sát và hóa giải bớt những phản ứng chống đối một cách âm ỉ từ những việc như thế,
kết quả cơn giận chắc chắn sẽ hình thành. "Tức nước vỡ bờ" Khi nguồn
năng lượng giận gần như được mặc định trong tâm thức, chỉ cần một hành động
không dễ thương hay một hoàn cảnh trái ý nho nhỏ cũng đủ làm cho nó bị kích động.
Nó sẽ nhanh chóng biến thành cơn giận dữ dội mà chính ta cũng rất bất ngờ. Có lẽ
đã đến lúc chúng ta phải làm cuộc hành trình trở lại cố hương từ việc
"ngăn giận và diệt giận" trong những tình huống nhỏ nhặt nếu như
chúng ta sợ "vỡ bờ"....