CHÙA TO PHẬT LỚN

Đời sống vật chất của Phật tử khá lên, đã tạo điều kiện cho công việc hộ pháp được thuận lợi. 

Khác với quan niệm thuở xưa, chỉ cần một cốc thất nhỏ để trú mưa nắng cho việc tu tập ngày nay đã thay bằng quan niệm mới: Chùa chiền được xây dựng to lớn hơn, tượng Phật cũng theo đó được xây dựng để đạt những kỷ lục, nào là tượng Phật nằm lớn nhất, nào là tượng Phật lộ thiên lớn nhất...

Mục đích của việc này là là để tạo nên sự ảnh hưởng trong Phật tử, kêu gọi người tín tâm đến với những ngôi chùa có các công trình "đạt kỷ lục" này của mình nhiều hơn, làm sao phải tạo sức hút cho ngôi chùa mình tốt nhất.

Thế nhưng việc đáng làm nhất cho người đến chùa là được quý thầy, quý cô hướng dẫn những phương pháp tu tập để mang lại những lợi ích trong cuộc sống thì bị bỏ quên, mà hiện nay đi đến chùa nào cũng nghe quý thầy than thở về tiền bạc, rằng có nơi thì "chùa đang làm hàng rào", có nơi "chùa đang xây dựng thêm nhà Tổ", lại có nơi "chùa đang chuẩn bị chuyến từ thiện"...

Dẫu biết rằng việc xây dựng chùa chiền cũng như vận động quyên góp từ thiện cũng là những việc tốt, nhưng nếu các ngôi chùa cứ tập trung mãi vào những công việc này sẽ khiến cho ngôi chùa trở thành một nơi kêu gọi đóng góp hơn là một nơi dựa tinh thần cho Phật tử.

Tôi được biết có những chùa xây dựng suốt mấy năm vẫn chưa xong, với những ngôi chùa này thuộc 2 loại:

- Ngôi chùa xây dựng quá lớn, làm hoài vẫn chưa hết các hạng mục công trình, vừa xong hạng mục công trình này lại tiếp tục vận động Phật tử để xây dựng hạng mục công trình kế tiếp. Những ngôi chùa được như vậy cũng may mắn vì còn có người sẵn lòng ủng hộ, một phần do khả năng huy động tài chính của người quản lý chùa khá tốt.

- Trường hợp thứ hai có những ngôi chùa xây dựng làm mấy năm vẫn không xong, lý do là bảng vẽ công trình quá quy mô, vượt xa khả năng tài chính của chùa, nhưng những vị quản lý chùa vẫn cho tiến hành, vì vừa làm vừa hy vọng vận động Phật tử thêm, nhưng cuối cùng Phật tử cũng không có khả năng đành treo công trình lại. 

Việc quý nhà chùa đua nhau xây chùa to, đúc tượng lớn rồi tạo sự ảnh hưởng của mình đối với phật tử đã vô tình phân chia sự đoàn kết trong những người theo đạo Phật. Đã có người gặp tôi đi chùa và hỏi câu này: "Anh là đệ tử của thầy nào? là phật tử của chùa nào?" - Câu hỏi này chắc đã có nhiều người nghe và đôi khi cũng chính mình hỏi người khác; nghe qua rất đổi bình thường nhưng suy nghĩ kỷ một chút ta lại thấy có vấn đề, đã là người đi chùa thì chúng ta đều là người Phật tử, làm gì có cái chùa nào là của ai, tất cả đều là sự đóng góp của bá gia bá tánh, thầy trụ trì chỉ thay mặt tổ chức Giáo hội để quản lý, điều hành. Vì sao người ta có quan niệm ấy, cũng bởi chính cái chùa to và phật tử của chùa to.

Ở RG của một tỉnh miền Tây, đã từng có những lời đồi đoán rằng, có một ngôi chùa BK, quyết định xây dựng lại, vị thầy trụ trì đã vận động một cô Phật tử, cô này là chủ doanh nghiệp trên địa bàn và hứa cúng số tiền vài tỉ để xây chùa. Nhưng sau khi nói chuyện này với những người trong gia đình, chồng của cô đã không đồng ý, sự việc dẫn đến gia đình lục đục, và có sự phân chia tài sản, điều đáng nói ở đây là trước thông tin gia đình có xáo trộn, nhưng vị đứng đầu chùa BK vẫn không cho đó chuyện lớn.

Có những ngôi chùa, hòm công đức được trang bị quá nhiều, hầu như mỗi nơi có bàn thờ Phật là có một hòm công đức; từ Quan Âm lộ thiên (cúng tiền ở đây sẽ được Quan Âm cứu khổ?), đến trong chánh điện Phật Thích Ca (cúng ở đây sẽ được phước báo), bàn thờ Phật A Di Đà cũng có (cúng ở đây sẽ được Phật A Di Đà cứu), chỗ bàn Thư ký cũng có hòm công đức (cúng ở đây để xây dựng chùa, nhằm có phước nhà cao cửa rộng), và một chỗ nữa là nơi cầu an cầu siêu (cúng tiền ở đây sẽ có sức khỏe lúc còn sống, hoặc cầu siêu cho người đã mất)....

Thiết nghĩ, ngày nay chùa chiền đã đi quá xa trong việc quan trọng nhất là dạy đạo cho người đi chùa, thay vào đó là nặng về cúng kiếng, cầu phước...tôi không hiểu mục đích tu giải thoát giác ngộ của đạo Phật vì sao đã không còn ai nhớ đến.
Lệ Trí