Có một người phụ nữ đem một
lồng chim đến chùa, chú tiểu mừng rỡ đón lấy toan mở cửa thả ra. Người phụ nữ
giằng lại, nói:
- Không phải tôi phóng
sinh ở đây đâu. Tôi chỉ gởi đây rồi mai trở lại lấy.
- Chứ bà định làm gì với lồng
chim đó.
Người phụ nữ giải thích:
- Chú
không biết sao, ngày mai có lễ ở chùa dưới phố, tôi sẽ đem đến đó phóng sinh.
Chú tiểu thở dài ngẫm
nghĩ: "Phố cách đây cả trăm cây số lại phải đợi đến ngày mai, chắc nghiệp
của bầy chim này còn nặng".
==
== = =<><>= = == =
Phóng
sinh là một việc làm được phát khởi từ lòng yêu thương các mạng sống bị giam cầm,
bắt nhốt chứ không phải từ tâm mong cầu thỏa mãn lợi ích cho riêng bản thân
mình.
Có thể nói rằng khắp các
chùa Việt Nam, nơi nào có phóng sanh thì nơi đó có chim, cá, rùa… bị bắt mang về
để phóng sanh. Có lẽ người thả chim, thả cá phóng sinh ai cũng có chung một ước
nguyện là “cầu phúc”. Người già ốm yếu thì cầu mong cho khỏe mạnh; người đau
lâu ngày nguyện thả đủ 100 - 200 con; người có thân nhân bị tù đày cũng muốn
mua chim, mua cá thả với hi vọng người thân họ sẽ sớm thoát khỏi cảnh cá chậu
chim lồng. Có người trước khi thả còn quỳ xuống xì xụp khấn vái cầu xin cho gia
đạo được bình yên vô sự...
Hãy dành một chút thời
gian ngẫm nghĩ mà xem. Những con chim đang tự do trên bầu trời, những con cá vẫn
tung tăng vẫy vùng trong nước bỗng dưng một ngày nào đó, chúng bị sa vào bẫy, bị
nhốt vào lồng, vào chậu thi thoảng người ta tưới nước lên chúng, gọi là tắm cho
mát, rồi sau đó mang đến trước cổng chùa để chờ một ai đó phát tâm từ bi mà mua
đi phóng sanh. Những con chim con cá nhỏ tội nghiệp này trở nên nhút nhát, khờ
khạo và ngơ ngác khi được phóng sanh. Chúng không biết mình phải bay phải bơi
đi đâu và cũng không biết rằng để bị bắt và để được thả, đôi cánh đôi vây nhỏ của
chúng, sinh mạng của chúng phải chở cả giấc mộng áo cơm của nhân quần, của văn
hóa tín ngưỡng ngạo cười.
Thả chim thả cá phóng sinh
là một việc thiện và rất dễ làm, chỉ cần có tiền bỏ ra là được, nhưng chính
hành động dựa theo quán tính, dựa vào niềm tin cạn cợt trong tín ngưỡng nông cạn
đó đã tiếp tay cho đội quân chuyên đi săn lùng bắt các loại chim, gom góp các
loài lươn, ốc, cá cơm vào những dịp lễ, vô tình tiếp tay cho những người đi
đánh bắt gây thêm nghiệp sát. Để có được một con đến tay người thả, ắt sẽ có
nhiều con bị chết vì mệt mỏi, bệnh tật. Cha, mẹ bị bắt thì con cái bơ vơ. Anh
chị em đồng loại bị giam cầm thì kẻ ở lại đơn độc. Loài chim, loài cá không
khác gì con người.
Ở đời, hễ bề mặt càng lớn
thời bề trái càng to. Càng đông người thả thì càng đông người bẫy chim, càng
đông người săn lùng khiến cho các loài chim nhỏ bé như manh manh, vồng vộc, áo
già, cú lý, lá rụng, chim sắt... không còn chốn dung thân. Đúng là cái vòng luẩn
quẩn mặt khác của việc sinh sát.
Xem ra, người mua chim mua
cá phóng sinh và người bán chim bán cá phóng sinh chỉ cách nhau có một đường
ranh thiện và ác rất là mơ hồ trong sự trộn lẫn của khói hương mê tín. Người
mua giúp cho chim được giải thoát đồng thời cũng giúp cho “đội quân” đánh bắt
tiếp tục tàn sát chim muông. Đó chính là sự lầm lẫn và lợi dụng thuyết từ bi để
tạo nghiệp.
Vậy chúng ta phóng sinh thế
nào cho đúng?
Phóng sinh là khi gặp một
con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp
bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Phóng sinh phải phát xuất từ
lòng yêu thương, không vì ý nghĩa tư lợi (như cầu sống thọ, cầu may mắn, giải
trừ tật bệnh,…). Và nếu không như vậy thì việc phóng sinh thấy thì dường như
thiện nhưng như suy gẫm thì thấy quả là ác vô cùng.
Phóng sanh mà cá thịt vẫn
thèm thuồng, lòng yêu thương sự sống không khởi sinh, còn nói gì đến chuyện
nuôi dưỡng!
Phóng sinh là bằng cái tâm
chứ đừng theo phong trào, làm việc bằng tư duy chứ không chạy theo số đông.
Phóng sinh là tự do, không
phân lượng lớn nhỏ, ít nhiều, không chọn ngày giờ tốt xấu, không nên chờ dịp
này hay dịp khác,…. Vì các loại lươn, cá, ốc, thú rừng,… bị săn bắt phục vụ cho
người ăn thịt lúc nào, ngày nào cũng có; mà thời lượng nào thì sự nguy cấp cũng
đều như nhau. Nên khi ta phát tâm từ bi thì liền thực hiện - tùy vào khả năng từ
một, hai con đến muôn ngàn con cũng phải lập tức cứu thoát chúng – càng nhanh
càng tốt, mà chẳng cầu được ai biết đến.
Khi phóng sinh cần thực hiện
âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt, vì việc làm này không nên kích thích lòng
tham của những người săn bắt trở lại.
Nghi lễ tôn giáo chỉ là
hình thức rườm rà không nhiều hiệu lực ; chó mèo heo gà thông qua cử chỉ săn
sóc, nựng nịu, vỗ về thì chúng mới cảm nhận được năng lượng yêu thương từ chúng
ta, mở miệng nói yêu thương chúng suông - chúng chẳng hiểu gì hết. Cho nên, khi
phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo; tránh cho các sinh vật phải chịu
kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng phải mất
mạng trước khi được ta phóng thích.
Hiện tại những ngày đầu
năm Giáp Ngọ, Việt Nam đã công bố có 2 người đã tử vong; 17, 18 người ngất ngư
trên giường thoi thóp cũng từ dịch cúm gà vịt. Các chủng virut cúm biến đổi phức
tạp hơn cũng đang được báo động trong sự truyền nhiễm từ động vật sang người.
Loài người đã quá thông minh trong công nghiệp chăn nuôi, phá vỡ quy trình sinh
trưởng và phát triển tự nhiên của các chủng loài bằng các thức ăn chế biến sẵn
và nuôi dưỡng trong môi trường lồng ghép tù túng các cá thể sinh vật thì bây giờ
cần phải trả giá. Nghiệp sát chất chồng thêm nghiệp sát, mỗi lần heo, gà, vịt bị
dịch thì lùa vào bao tiêu hủy, chôn vùi…. Thú rừng tàn diệt, chó mèo không tha,
châu chấu, bọ cạp, bọ rầy chẳng chừa món gì, tất cả đem ra làm ráo trọi.
Đầu năm xì sụp khấn vái,
xin sức khỏe, xin giầu sang, xin vinh hoa phú quý, xin may mắn phát tài, xin đủ
thứ. Nhưng với thực trạng hiện nay, con người không có nhận thức tích cực hơn
thì “mã đáo” sẽ “công thành” mang lại cho con người ngược lại những điều xin xỏ.
Tóm lại, thay vì dùng tiền
mua chim mua cá phóng sinh theo thường kỳ, theo tín ngưỡng thì tốt nhất chúng
ta thay đổi thực đơn bằng chay lạt hàng ngày, động viên khuyến khích mọi người
thay đổi thói quen bớt ăn cá thịt trong tháng trong năm. Một người, hai người,
ba người…. một ngày, hai ngày, ba ngày….bớt cá thịt nghĩa là giảm thiểu sự bắt
giết sinh mạng trong một ngày, hai ngày, ba ngày… coi bộ thiết thực hơn.