(không ai tắm được hai lần trên một dòng
sông, hôm nay lang thang sắp xếp lại nhà cửa, vô ý chạm tay tới chiếc giường khảm
ngọc ngày nào, dùng mắt làm chổi quét đi quét lại chiếc giường đến 3 lần như thế.
Bụi rơi lả tả, ván nhện bay phất phơ, chiếc giường vẫn như ngày nào, màu gỗ vẫn
sáng bóng...... Đẹp và thước tấc vừa vặn kinh khủng, xin mọi người có duyên có
dịp hãy nhín chút thời gian quý giá leo lên ướm lại thử có dư, thừa, thiếu thốn
hay vừa vặn như năm xưa.......)
Ngày xửa ngày xưa, có một
tên tướng cướp hùng cứ ở một sơn trại hiểm trở. Hắn có rất nhiều lâu la bộ hạ
cùng vô số ngọc ngà châu báu, nhưng tướng cướp chỉ quý nhất là một chiếc giường
bằng vàng giát ngọc bích.
Tướng cướp rất hãnh diện về chiếc giường
này và hắn tìm được một cách quảng cáo tên tuổi mình cùng chiếc giường được nổi
danh ngang nhau.
Mỗi khi bắt gặp người lạ mặt lai vãng đến
gần sơn trại, tướng cướp cho lâu la áp đặt nạn nhân lên chiếc giường quý.
Ba trường hợp có thể xảy ra:
1. Nếu tầm thước nạn nhân dài hơn chiếc
giường, bọn cướp sẽ cắt phần đầu hoặc chân thừa ra.
2. Nếu nạn nhân có khổ người ngắn hơn
chiếc giường, bọn cướp sẽ kéo dài người bị nạn cho đến lúc y nằm vừa vặn trên
giường mới thôi.
3. Nếu tầm thước nạn nhân vừa vặn với
chiếc giường, bọn cướp sẽ không tha cho y được trở về quê quán.
Bằng cách quảng cáo này, bọn cướp và chiếc
giường vô cùng nổi danh.
*
* * *
Gẫm lại thì loài người chúng ta ai cũng
có sẵn một cái giường như thế và chúng ta cũng độc đoán không thua không kém gì
tên cướp nọ.
Tùy theo trình độ sở học, hoàn cảnh môi
trường sống làm việc mà chúng ta cũng lập nên những khuôn vàng thước ngọc để đối
chiếu và cân đo đong lường mọi người xung quanh.
Vì vậy mà trong cuộc tương giao với
nhau, chúng ta thường bực bội khó chịu khi thấy sao mà chẳng có ai làm vừa bụng
mình hết, vừa vặn với ly tấc của chiếc giường mình tạo ra.
Chiếc giường của tướng cướp còn có một tầm
mức cố định, trong khi thước đo của mỗi người chúng ta thì lại được cấu tạo bằng
những chất liệu vay mượn từ xã hội, từ kiến thức giảng đường, từ truyền thống
tâm linh, của tôn giáo, của dân gian, của số đông, của những người uy tín. Từ
truyền khẩu đến ghi chép trong sách vở và của nhà bác học “Google” nên rốt cuộc,
chúng ta chỉ tự làm khổ mình và khổ người mà thôi.
Chiếc giường hôn nhân còn phải nói!
Không dám nói thì đúng hơn, vì biết gì đâu mà nói!
Những người làm luật, làm văn hóa, làm
giám đốc, làm bề trên, có uy có quyền, có danh có phận, có địa vị hơn một chút
thường đeo mang chiếc giường giá trị hơn người dân quê mùa, chân lấm tay bùn.
Ngày đầu lên nhậm chức, cái thuở chưa là
gì khi còn là chú tí, anh tèo, chị mắm thím muối, ả thị nở nào đó, chỉ là chiếc
giường gỗ cây tạp thôi. Nhưng theo thời gian mà coi, cứ trèo lên cao một chút
thì chất liệu và ly tấc chiếc giường cũng khác một chút.
Đó là cách đem chiếc chiếc giường ra làm
khuôn mẫu áp dụng cho Thiên hạ.
Ở khía cạnh khác là chính bản thân thì
sao?
Cái thói quen phung phí, sa đà, nghiện
ngập, đam mê… các hình thức vật chất bên ngoài, là lý do bị người thân phiền
trách, cha mẹ, anh em, vợ chồng cằn nhằn, dư luận xã hội lên án. Người trong cuộc
cũng cảm thấy ray rức, bức bách, khó chịu và muốn thay đổi, hoàn thiện chút
chút theo khuôn mẫu chiếc giường do người thân đưa ra thước tấc.
Nhưng thói quen quá mơ hồ và mịt mờ, dễ
nhận biết nhưng khó bỏ, nên thay vì ý thức chân chính rồi gọt bỏ dần dần. Thì
ngược lại, nằm lên chiếc giường đấy rồi cựa quậy, rốt cuộc lại bị đến hai cái
khổ. Một là do chính các thói quen hành hạ, hai là do thái độ người thân xung
quanh dày vò.
Lại nữa, những người được nhân danh là đạo
đức hay những tín đồ ngoan đạo, tu hành lâu năm thường càng dễ nằm lên chiếc
giường này. Mỗi ngày cứ đem hết sức bình sinh ra để cố gắng nằm yên, nằm vừa vặn
với chiếc giường Thánh thiện mà các Giáo chủ, các Tông đồ, các Thánh - Hiền
Nhân đã cưa đục, cắt mộng, lồng ghép được ghi chép lại trong kinh sách.
Trong khi đó, khoảng cách giữa sự thánh
thiện và trình độ chuyển hóa lại khá xa khoảng một "gang tay". Đôi
khi chính lòng háo hức tham cầu trở thành thánh thiện, đã che khuất tâm thức có
thật. Mỗi ngày thờ cúng và lễ bái, cầu nguyện rồi nhìn vào tâm thức của mình bằng
những kinh nghiệm quý báu của đấng tâm linh, những bậc tiền bối rồi cứ ngỡ đó
là trình độ của mình.
Mặt khác, để nằm yên vị với khuôn mẫu của
chiếc giường đó, nhiều khi phải dùng ý chí để đè nén, ức chế các thói quen thường
tình của một con người rất bình thường để vừa vặn kích cỡ của chiếc giường. Gọt
đẽo, cắt tỉa theo hướng tự nhiên thì thoải mái, cân đối nhẹ nhàng. Để phù hợp
mà phải co, bóp lại, kéo, nới dãn ra thì lâu ngày có nguy cơ khó lường.
Trong này (nội tâm) đang hừng hực mà bên
ngoài cố tỏ ra trầm tĩnh, hiền hòa thì có lúc cũng nổ tung cỡ như quả bom nguyên
tử bung ra rồi lan tràn khuếch đại tùm lum.
Đang không thể tha thứ một người chỉ vì
còn quá yêu thương bản thân mình, mà lại phấn đấu gò đục, dán keo lên tâm thức
mình nhãn hiệu từ bi, bác ái. Rốt cuộc bề ngoài tuy đã tha thứ nhưng trong lòng
vẫn còn ấm ức không vui.
Đôi khi, một người không từng hiểu biết
chân lý lại còn dễ nhìn nhận chính mình hơn là kẻ nhân danh đã hấp thụ chân lý,
bởi muốn tới chân lý phải đi bằng đôi chân trải nghiệm chứ không phải bằng cái
đầu tưởng tượng.
Chân lý (chiếc giường) có thể làm người
ta thanh cao thánh thiện nhưng mặc khác nó cũng làm người ta sống dở chết dở nếu
không biết cách sử dụng nó.
Chiếc giường vẫn thế, vẫn nổi danh và vẫn
đo lường bằng ly tấc, khuôn mẫu sẵn có vô hình vô ảnh nhưng lại tạo ra nỗi đau
niềm khổ thực tế mỗi ngày không vô hình vô ảnh chút nào.
Nói linh tinh, nói dài dòng mà không góp
một chút tháo gỡ, tiêu hủy chiếc giường thì tệ quá!
Nếu tình cờ hay cố ý chạy theo thói quen
độc đoán của tên cướp thì sẽ đưa đến bức xúc, căng thẳng trí não liền. Theo tệ
ý của chúng tôi, khi nhận biết như thế thì ngay lập tức hít thở sâu, nhớ lại
tên cướp, nhớ lại sự độc đoán của hắn đang lãng vãng đâu đây và hãy nhớ ai cũng
có quyền được sống, được hít thở trong khuôn mẫu, không gian của họ.
Nói theo số đông thì tạo hóa đã cho họ
cái khuôn vậy rồi.
Nói theo dân gian thì “ở bầu thì tròn, ở
ống thì dài”, con người có cái số, cái phận.
Nói theo tôn giáo thì nghiệp quả đã chế
tác, sản xuất. Thượng đế đã ban hay giáng cho họ một sự an bài thế rồi.
Và cuối cùng là chân lý có bao giờ được
chứng nhận bởi cơ quan bảo hộ nào đâu và chẳng ai, một nhà bác học, một tôn
giáo nào độc quyền cả, vì có dựa vào tiêu chuẩn ISO quốc tế đâu mà mãi so đo
hén!