BỨC TRANH CUỘC SỐNG

Không gian và thời gian tĩnh lặng, tăm tối đều vô tận. Chợt có những ánh chớp đầu tiên loé sáng, đã có sự biến đổi từ năng lượng thành vật chất, sản sinh những đám mây bụi vật vờ, quy tụ lại tạo ra những hành tinh sơ khai không quỹ đạo. Chúng va chạm hỗn loạn, các vụ nổ bắn phá triền miên, vũ trụ bắt đầu hình thành từ đó.

Đó là câu chuyện vũ trụ quan của hàng tỷ năm về trước. Trong sự va chạm huyên náo, mặt trời mỗi lúc một to dần bởi gánh chịu nhiều thiên thạch và các hành tinh oanh tạc, bắn phá để rồi trở thành "người hùng", chúa tể của các hành tinh trong hệ mặt trời. Vô số những mảnh vỡ, tro bụi bắn ra từ mặt trời trôi nổi hút dính nhau tạo thành khối cầu lửa đỏ rực, rồi bề mặt của nó nguội dần và từ từ cuốn theo một quỹ đạo ổn định quay quanh mặt trời với khoảng cách hợp lý để hình thành nên sự sống sau này đó là hành tinh trái đất.

Qua nhiều tỷ năm tiếp theo, trái đất vẫn cô quạnh hoang vu sỏi đá, rồi những mầm sống thực vật đầu tiên xuất hiện. Mọi sinh vật đua nhau phát triển, những thực vật đơn bào, đa bào, thuỷ tức....những loài động vật bậc thấp, bậc cao, và một loài vượn ra đời.

Loài vượn không nằm trên chuỗi thức ăn cao nhất vì chúng tiến hoá cùng thời với những loài thú lớn hơn nên vẫn luôn bị loài thú săn bắt ăn thịt. Nhưng bù lại, chúng có bộ não rất lớn, tiềm năng cho sự phát triển sau này. Hành trình tiến hoá của loài vượn kéo dài thêm hàng triệu năm tiếp theo, để thích nghi hơn với việc săn bắt, chúng tiến xuống mặt đất và bước đi bằng hai chân. Đó là bước nhảy vọt của loài vượn trên "nấc thang" tiến hoá để trở thành loài vượn người.

Chúng bắt đầu biết tạo ra những công cụ thô sơ để săn bắn, hái lượm và sống thành bầy đàn lớn trong các hang núi. Giai đoạn này loài vượn dần hình thành những tập tính, thứ bậc xã hội phức tạp hơn. Từ con đực đầu đàn nắm giữ quyền lực, thống trị cả bầy rồi đến chia thành từng nhóm, từng bộ lạc, biết chăn nuôi trồng trọt...phải mất 2,5 triệu năm tiến hoá nữa, giờ đây chúng có tên loài người, chúa tể của muôn loài.

Đó là bức tranh toàn cảnh về sự có mặt của con người trên hành tinh này mà các nhà khoa học đã nghiên cứu trong phạm vi giới hạn của mình. Họ cho rằng vũ trụ hình thành bắt đầu từ vụ nổ bigbang lớn, từ đó tạo ra các siêu vật chất. Giới khoa học hiện đại tạm bằng lòng với giả thuyết rằng: "vũ trụ nguyên thuỷ là một cỗ máy gia tốc vĩ đại", rất nóng và chỉ có các hạt cơ bản như: Electron, Proton, Nơtron, Photon và Nitrino rồi trong quá trình tổng hợp các nguyên tử trong tự nhiên, chỉ có những nguyên tố nhẹ như: Đơteri, Hêli, Liti....được tạo ra.

Vậy trước vụ nổ Bigbang có những gì? Phải có thứ gì đó tạo nên vụ nổ? Tuyệt đối không thể từ điểm 0 (không có gì) tạo nên vụ nổ rồi sinh ra vạn vật được, như vậy sẽ đi ngược lại định luật bảo toàn năng lượng: "Năng lượng không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi..." Giả sử thời gian xảy ra vụ nổ Bigbang hơn 6 tỷ năm trước là có thật thì trước đó cũng đã tồn tại một thứ năng lượng gì đó thì mới hình thành vụ nổ được.....

...... Khi các viễn vọng kính nhìn đến những nơi cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng thì đã khẳng định rằng trong vũ trũ có hàng tỷ tỷ hành tinh và hệ mặt trời, lúc nào cũng có các hành tinh già cỗi tan hoại và các hành tinh mới tạo thành. Đến đây, chúng ta không cần tranh luận về đề tài con người tiến hoá từ loài vượn hay có từ hồi nào nữa. Cho dù khi trái đất mới hình thành, chưa có sự sống thì ở đâu đó trong vũ trụ vẫn có những hành tinh có con người sinh sống.

Vậy còn nhân sinh quan thì sao? Sự trăn trở, dằn vặt luôn đeo đẳng con người chính là sự hoại diệt của thân vật chất mà mình đang nương nhờ trong đó. Có một thế giới "siêu hình" sau cái "động hữu hình" này không? Sau khi phân huỷ, thể xác rồi trở về các bụi, còn bộ não con người đã và chứa đầy tư duy và tình cảm sẽ biến đổi thành một dạng nào?

Cuộc sống vẫn đầy bận rộn mưu sinh tính toán, nhưng ẩn sâu trong tiềm thức tôi luôn là những trăn trở về thân phận kiếp người. Có lẽ suy cho cùng, cuộc sống và mọi thứ mà tôi đã từng có và vun đắp, nâng niu yêu quý có trong cuộc đời rồi bất chợt một ngày kia tất cả tan biến vào hư không. Thế gian đúng là nơi ở trọ, gửi gấm mà thôi.....

Trích trong tác phẩm "giá trị cuộc đời"