
Dạo gần đây một số bạn trong nhóm kể thường
thấy có bóng người lui tới lúc nửa khuya , kể cả nghe tiếng nước chảy nhưng khi
vào nhà tắm thì chẳng thấy ai, cả nhóm cho là hoa mắt. Có một số bạn chẳng biết
thế nào vừa đến ca trực người cảm thấy mê mệt, chỉ muốn ngủ, không phải vì bạn ấy
thiếu ngủ và đôi khi nằm ở góc nào trong phòng trực ngủ rất ngon nhưng ngắn,
khi tỉnh dậy người cứ như trên mây một lúc mới bình thường trở lại. Một số bạn
còn có triệu chứng khó thở, người rất xanh nhợt nhạt sau những lần thực tập ở
khoa chấn thương nhiều người liên tục qua đời.
Có một bạn trong nhóm biết chút Phật
pháp khuyên nên niệm Phật hay trì Chú Đại Bi và có lần bạn ấy trì chú thì một bạn
hôn trầm đã tỉnh dậy. Con phân vân không hiểu là những gì chúng con thấy có
đúng không? Có oan hồn thật sự trong bệnh viện không? Tại sao họ chưa siêu
thoát? Nếu chúng con phải trì chú thì nên trì chú nào là đúng nhất? Chúng con
xin cảm ơn ạ.!
ĐÁP:
Oan hồn, hồn ma, ma, cô hồn gọi chung là “ma”:
Bàn đến “ma”, “hồn ma bóng uế” đối với
Phật giáo là việc không tưởng! Người Phật giáo cũng không tin là có ma. Phật
giáo quan niệm ma là những nghiệp lực, chướng duyên cản trở quá trình tu chứng
của người đệ tử đức Phật, như: ma tiền tài, ma danh vọng, ma sắc đẹp, ma ngủ
nghỉ, ma ngũ dục… chứ không có vấn đề ma nhác, ma hiện hình cho người đời thấy,
ma báo mộng, đưa tin…
Theo từ điển Việt Nam của Thanh Nghị thì
hồn ma, oan hồn là bóng hình quái dị của người đã chết mà lắm người tin rằng có
thể hiện ra. Như nói “ma da” là ma dưới nước, oan hồn, ma xó, cô hồn. Hồn ma là
sự ám ảnh đối với người sống, “hồn ma” là hiện tượng mà mọi người tin là có, hoặc
có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và “hồn ma” có thể xuyên qua khe hở, qua cửa,
qua tất cả vật thể để đến với người sống, lúc bấy giờ người sống gọi là “ma
nhác”. Câu chuyện “ma” là câu chuyện vô cùng hấp dẫn, nói mãi không hết chuyện
“ma”. Người sợ “ma” bao nhiêu thì thích nghe nói chuyện “ma” bấy nhiêu… Thật ra
“hồn ma” là một hiện tượng “vô thể” đối lập với “hữu thể”!
Như người bệnh mới vừa bị cưa mất khúc
chân, người đó vẫn còn cảm giác bên khúc chân bị cưa mất về sự đau đớn, nhức nhối.
Sự đau đớn nhức nhối ở khoản không bên khúc chân vừa bị cưa mất gọi là “chân
ma”.
Nghe nói có người chết trên giường bệnh
trong một bệnh viện lớn, vắng vẻ, xe hồng thập tự vừa đưa xác người chết xuất
viện về quê… việc nầy đối với các Bác sĩ thì chẳng là gì! Nhưng với người bình
thường vừa đến đây có cảm giác lành lạnh sờ sợ, khi vào bên trong đi ngang các
phòng bệnh, nghe chuyền tai nơi đây hôm qua có người chết vừa đem ra khỏi giường…
Cái cảm giác có người chết nằm trên giường, hôm qua còn người nằm, hôm nay
không còn người nằm, liền nảy sanh sợ chỗ đó gọi là “sợ hồn ma bóng uế”.
Đối với các tôn giáo:
Nói đến ma, hồn ma, oan hồn,
mọi người tiến bộ trên hành tinh nghĩ ngay đến tôn giáo, chỉ có những người làm
công tác tôn giáo mới hóa giải vấn đề hồn ma. Một số tôn giáo và nền văn hóa
dân gian quan niệm, con người gồm thể xác (mang tính chất vật chất) và linh hồn
(mang tính chất phi vật chất). Khi thể xác chết, linh hồn xuất khỏi thể xác. Nếu
linh hồn đó không có cơ hội đầu thai hoặc nơi trú ngụ chung với các linh hồn khác
mà tương tác với cõi thực có con người sẽ gọi là "ma", "hồn
ma"; nhưng nếu các phần phi vật chất đó tương tác với cõi thực của con người
theo tình cảm, theo trách nhiệm được giao của các tôn giáo thì lại gọi là
"hồn", "linh hồn", "thánh", "thần",
"thiên sứ".
Theo Phật giáo:
Con người, nói chung là
chúng sanh sau khi chết, không có một linh hồn, oan hồn nào tồn tại sau khi
thân ngũ uẩn tan rã! Thân chúng sanh gọi là thân ngũ uẩn hay ngũ ấm, gồm có sắc,
thọ, tưởng hành và thức: sắc dụ cho máu thịt gân xương v.v… và tâm (thọ, tưởng,
hành, thức) dụ cho tâm thức, sự hiểu biết tạo ra nghiệp lực, hình thành một con
người.
Có thể hiểu cách khác:
thân người gồm có đất, nước, lửa, gió (là máu, thịt, gân, xương), tâm là thức đại,
không đại (là sự hiểu biết); sau khi qua đời, đất, nước, lửa, gió được trả về với
đất, nước, lửa, gió; thức đại, không đại được trả về với hư không và tái sanh dựa
vào dữ liệu từ "tài khoản" nghiệp lực khi sống đã tạo. Như vậy, không
còn gì ở lại thế gian nữa, làm gì có hồn ma hay oan hồn?
A + (B + C + D + E) = F, A tan rã thì dựa
vào cái gì để có F. Một máy tính (computer) muốn hoạt động được phải có phần cứng
(hardware) và phần mềm (software). Không có phần cứng thì dựa vào đâu mà
"hệ điều hành" thiết lập và hoạt động?
Việc cúng cầu siêu cho hương linh người
qua đời, ngày kỵ giổ mời ông bà về thọ hưởng là đứng về mặt nghi lễ tín ngưỡng,
tưởng niệm người quá cố. Tưởng niệm không phải tin rằng có linh hồn tồn tại sau
khi chết, tưởng niệm nói lên đạo đức của người con Phật, không quên ân sâu nghĩa
nặng của cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, quá thế nhiều đời, cũng như cha mẹ tại
tiền. Tưởng niệm cũng chính là để đáp ân sanh thành dưỡng dục của người con Phật.
Còn cúng thí thực cho các “oan hồn” để được siêu thoát là sản phẩm của quan niệm
"dương sao âm vậy" và ý nghĩa từ thiện: người chết còn nghĩ đến huống
gì người đói nghèo!
Con người hình dung về hồn ma:
Từ xưa cho đến nay, hồn ma vẫn là bí ẩn
đối với nhân loại, có những câu chuyện hư cấu về hồn ma, nhưng cũng không thể kết
luận được có phải hư cấu hay không. Sự bí ẩn của hồn ma xuất phát từ giới hạn
tri thức và hiểu biết của con người (nói chung) và các nhà khoa học (nói
riêng).
Người ta hình dung, hồn ma thường được
miêu tả là một dạng người, nhưng thông thường là "trắng bạc",
"cái bóng lờ mờ", "nửa trong suốt", hay "tựa như sương
mù", "đống đen thùi lùi". Hồn ma không có cơ thể sống như con
người, hoặc chỉ là bộ xương người biết đi. Xã hội của các oan hồn theo nhiều
người là "âm phủ" còn chỗ ở của hồn ma là cái mộ (sống cái nhà, thác
cái mồ) vì vậy họ xây dựng nhà mồ rất đẹp có nhiều nghĩa địa khang trang như một
thành phố. Nhưng hồn ma cũng có thể vương vất ở những nơi tăm tối, vắng vẻ nơi
có liên quan đến họ khi còn sống.
Ở một số tín ngưỡng dân gian:
Người ta quan niệm, người có
"duyên" với hồn ma mới có thể nhìn thấy hồn ma hoặc chỉ những người
có khả năng đặc biệt còn gọi là các nhà ngoại cảm là có thể thấy và tương tác với
hồn ma. Nhiều người cho rằng oan hồn (ma) có khả năng biết tất cả những gì người
sống nghĩ, có khả năng biết được các việc đã, đang và sắp xảy ra, hoặc có khả
năng tác động lên thể xác, lời nói của người sống như hiện tượng lên đồng, tác
động lên cảm quan người sống như dắt người sống đi lạc vào bụi, xúi người sống
ăn đất mà tưởng ăn bánh hoặc hồn ma có thể tác động lên vật chất như tạo ra tiếng
động, tắm trong nhà tắm nữa đêm, rung cây, xô lệch bàn ghế...
Người ta quan niệm, oan hồn theo nghĩa
đen tức là người chết không do từ một nguyên nhân cố định (bệnh chết, già chết)
như xe đụng hết, bị lạc đạn chết, bị chết vì nước, lửa, lốc xoáy… gọi là chết
oan, chết tức tửi. Người chết không có người cứu, không có người tụng kinh, đưa
linh, nên người đời gọi đó là những oan hồn, còn ẩn khuất đâu đây chưa siêu
thoát. Cứ nghĩ như thế mãi theo thời gian và cho rằng người chết đó không siêu
thoát nên thành “ma đói, ma ngã ba đường cái, ma oán, oan hồn, cô hồn”.
Chính vì từ xưa đến nay không có một sự
chứng minh hay giải thích cụ thể, và những gì vượt ra khỏi năng lực của giác
quan nên các thầy (cúng, bói, đồng,....và cả thầy chùa) mới có đất "dương
oai diễu võ".
Lời khuyên:
Tâm lý con người ai cũng có
một bản năng đó là sự sợ hãi, bất cứ thứ gì tác động đến cái tôi ích kỷ thì lo
lắng, phập phòng, sợ hãi. Khi ấy não bộ kích khởi trí tưởng tượng phong phú dựa
vào các dữ liệu nghe nhìn trước đó. Cho nên, người ta loan báo, rỉ tai những
chuyện “hồn ma” thì khi ấy trí tưởng của các bạn sẽ nghĩ đến ma, thấy ma, nói
chuyện ma, nghi có ma và cảm thấy sợ sệt ma, nhất là những nơi vắng vẻ…
Bạn có thấy những oan hồn,
nghe những sinh hoạt của oan hồn, nghe tiếng nước chảy trong bồn tắm, nghe
trong người của bạn có hiện tượng khác, ngầy ngật, ợ ngáp, khó thở… đó là do tưởng
thức của bạn lâu nay thu thập qua các thông tin, những câu chuyện rồi ghi chép
lại trong ký ức, mỗi lần mỗi chút, trí tưởng sẽ càng được xây dựng và nuôi dưỡng,
củng cố lớn lên. Và bây giờ cảm thọ cùng trí tưởng có cơ hội dựa vào chế tác cảm
giác. Lạ thường, càng chú ý, càng thêm thắt thì cảm giác càng dâng cao.
Về đạo đức tâm linh, nếu bạn có niệm chú
hay niệm thím mà trí tưởng vẫn niệm ma thì cảm giác sợ sệt vẫn không thay đổi.
Mở nhạc lên, nghe tụng kinh hay niệm Phật đi.... là cách đánh thức ý thức để
quay về với thực tại, khi hướng ý thức bận tâm vào việc khác thì năng lượng
dành cho trí tưởng cũng bị chấm dứt. Tóm lại, trong lòng niệm (ghi nhận) Phật
thì có Phật, niêm ma thì có ma.
Thực tập chuyên sâu hơn, bây giờ bạn cần
phải "văn ôn võ luyện" để giáo dục cảm xúc và trí tưởng. Tập thói
quen thay đổi ý nghĩ bằng câu thần chú: "ma không thật có, là sóng nắng,
là chiếc bóng, là sự tưởng tượng, là mộng huyễn....". Để lớn mạnh ý thức,
mỗi khi nghe ngóng các câu chuyện ma quái thì luôn niệm câu thần chú đó để trí
tưởng không có cơ hội vẽ vời, thêm thắt. Có cơ hội nên tìm đọc "sách Linh
hồn không có" của nhà xuất bản tôn giáo ấn hành để tham khảo thêm.
Thời đại mà các phương tiện hiện đại và
các quy luật sống đã được các nhà khoa học vạch ra và soi rọi. Với khoa học, thế
giới này, tất cả con người, thiên hà, đại địa, cỏ cây, hoa lá, thượng cầm hạ
thú.... cũng chỉ tồn tại trong hình thức "sóng và hạt" hay "ánh
sáng và năng lượng" thì "hồn ma bóng quế" là cái quái gì kia chứ?
Sinh viên y khoa là các nhà khoa học trẻ, tại sao không vận dụng kiến thức và
tư duy thực tại? Trai đàn chẩn tế, giải oan bạt độ thai nhi, người lớn, chỉ là
hình thức tháo gỡ để giải phóng cảm xúc bất an, ray rức, hối hận, ăn năn
"ăn sắn" và thể hiện nghĩa cử nhân đạo của người sống với kẻ chết, của
các thai phụ lầm lỗi.
(Chữa ngọn không trị gốc).
Cứ quảng bá các sản phẩm văn
hoá ăn mặc hở hang, văn hoá nghe nhìn kích dục....thì phá thai cứ tiếp tục phá
thai. Cứ lái xe ẩu, bằng dỏm, thiếu đạo đức, thiếu ý thức....thì nạn nhân giao
thông vẫn cứ gia tăng. Cứ phát triển các trò chơi bạo lực, đồ chơi súng ống,
phim ảnh bạo động chém giết, sát hại động vật, ăn thịt.....thì nạn nhân của hiếp
dâm, do sát hại cứ nhân lên. Có lẽ ngày nay sợ "ma sống" "ma
tuý" thì hơn là "ma chết".
Chúc các bạn có được niềm
tin trong sáng và đời sống lành mạnh.
Chào thân ái!