“Dò sông dò biển dễ
dò, nào ai lấy thước để đo lòng người”.
Nhưng hãy lấy tiền ra đo,
một số lòng người đo được bằng tiền. Nhiều người có thể giữ mình ở mức vài ba
triệu, nhưng có thể thay đổi trước vài ba tỷ. Nhưng cũng có kẻ trước tiền bạc
không hề gục ngã, vẫn giữ vững giá trị và bản lĩnh của mình. Tiền bạc là chủ đề
rất khó, nên các bạn trẻ cần chuẩn bị một thái độ ứng xử phù hợp để có thể bắt
nó làm nô lệ, làm phương tiện để mình đạt được mission của cuộc đời.
Nếu không, nó sẽ trở thành
ông chủ, sai khiến mình, khiến mình khổ miết. Rồi lúc chết đi, mới giở nắp quan
tài thều thào nói lời cuối, rằng “ngày xưa tui biết tiền chết không mang
theo được như vầy thì tui đã khác. Nói xong đóng nắp quan tài lại rồi chết”
(trích tác phẩm “một cái chết dễ
thương”-TNBS xuất bản năm 2016).
ứng xử với tiền
Tony có một người bạn học chung cấp 1, sau
đó Tony chuyển trường. Bẵng bao nhiêu năm mất liên lạc, bạn ấy tự tìm đến. Lúc
đó Tony vừa mở công ty. Bạn đến kể chuyện 2 đứa ngày xưa tắm mưa thế nào, rồi
hoàn cảnh phải nghỉ học ĐH ra sao…Tony rất quý nên giữ lại, 3 ngày đãi tiệc nhỏ,
5 ngày đãi tiệc lớn. Tony chỉ bạn cách làm sổ sách giấy tờ, hy vọng là bạn làm
thủ quỹ cho công ty. Mình đi bán hàng cả ngày, có một người thân tín trong làng
trong xã, quen biết từ lâu giữ tiền giùm thì cũng yên tâm. Đi thu tiền khách
hàng, lần nào cũng bình thường, vài ba triệu, bạn đem về đầy đủ. Có lần bạn thu
50 triệu, chiều đó mọi người trong công ty ngồi đợi mãi. Rồi bạn về rất khuya,
bảo là bị rớt mất lúc đổ xăng, thề thốt khóc lóc um sùm, viết giấy cam kết sẽ
trả lại sau 5 năm, và tới giờ không liên hệ lại. Tony mất ngủ cả mấy đêm cân nhắc
cách giải quyết, vì biết bạn dùng số tiền đó để đổi lấy xe tay ga bạn hằng ao ước.
Cuối cùng Tony quyết định không làm lớn chuyện, vì
giá trị của bạn ấy chỉ là 50 triệu. Đúng mức giá ấy, bạn đã bán mình. May mắn
là mình chỉ mất 50 triệu chứ sau này làm thủ quỹ mà tiền hàng hoá lên đến mấy tỷ,
không biết ra sao.
Lúc thành lập 30 nhóm tình
nguyện, có nhiều chuyện bây giờ mới dám nói. Có bạn đến với chương trình với
tâm rất sáng, 1-2 triệu tiền lãi thì nộp vô nhóm ngay, nhưng thấy lãi 20 triệu
thì nghĩ khác, vội vã rời nhóm để tự kinh doanh, dễ ẹt, lên miền núi mua đặc sản
về thành phố bán ấy mà. Có nhóm không thèm đi họp, ban tổ chức nói gì cũng
không nghe, nói “mấy người không có quyền”. Có nhóm Tony yêu cầu công khai tài
chính là phớt lờ, nói không có thời gian, hỏi bạn này thì “dượng hỏi bạn kia
đi”. Tony phải nhắn tin cả chục đứa, năn nỉ, ra lệnh, yêu cầu…thậm chí chán quá
đòi đóng page chính Tony
Buổi Sáng, nhưng có bạn nói “tuỳ ông, ông không viết nữa thì kệ
ông chứ doạ tôi làm gì, đây không đóng page, không công khai tài chính. Page để
dành vài bữa chúng tôi kinh doanh cái gì đấy thì kêu ủng hộ, chúng tôi là người
khôn cả”. Có nhóm kiếm được vài ba chục triệu thì đòi “cho mỗi bạn 1 cặp vé về
quê ăn tết, vì tiền này là công sức các bạn”. Có nhóm sáng đến tối kiếm được 3
triệu thì đã nhậu hết 2 triệu để “bồi dưỡng sau một ngày lao động vất vả”,
trong khi cam kết ban đầu là chi phí gì cũng tự bỏ. Có bạn thì lấy tiền nhận
mua nho giùm rồi không chuyển hàng khiến nhóm kia khóc lóc, không ngủ được, dù
chỉ có mấy triệu đồng, nửa đêm còn nhắn tin “dượng đòi giùm nhóm con”. Tony nói
2 lần, bạn giải thích là bạn chuyển cho nhà vườn, nhà vườn không chuyển nho
cũng không chuyển lại tiền, bạn không đòi được nên thôi. Tony yêu cầu BTC gửi lại
tiền nhóm kia cho xong chuyện, may mà tiền sách Tonycho BTC
cũng còn khá để bù các khoản trời ơi này.
Dù các hiện tượng này chỉ
là cá biệt trong 400 tình nguyện viên vô cùng dễ thương và tử tế đợt rồi, nhưng
thế mới thấy, đụng tới tiền bạc, kẻ kém bản lĩnh sẽ thay đổi. Dù hôm trước nghe
chuyện, người này sẽ phê bình người kia, nhưng đến khi có chút tiền trong tay,
chính mình lại hành xử khác. Có bạn mượn tiền của Tony xong để khởi nghiệp, dù
chỉ vài ba chục triệu, Tonygọi
lại thì không nghe máy, nhắn tin không trả lời, một đi không trở lại như dũng
sĩ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy. Cho mượn thì biết trước là đã mất, nên Tony chuẩn
bị tinh thần, không bị sốc gì cả. Và may mà mình cũng giàu có quá, nấm rơm cứ
tưới nước là “mọc lên như nấm” bán được khối tiền, chứ làm ăn khó thì cũng đã
lao tới nhà chúng nó, sống mái một phen. Sẽ xõa tóc rũ rượi trước thềm, lừng lững
vô nhà, mắt trừng trừng đỏ lòm, miệng gầm gừ sùi bọt mép, Tony Tèo sẽ trở thành
Tony Phèo với chúng nó ngay, sẽ ‘you will know my hand’ ngay.
Như câu kết luận “human
nature is changeable” trong cuốn sách “how money changes the way we think and
behave”, việc mất quan hệ với những cá nhân ấy không để lại chút nuối tiếc nào.
Có thể các bạn ấy đã không nhận ra rằng mình đã thay đổi. Khi lòng tham nổi dậy,
lý trí và tình cảm sẽ bị che mất, hôm trước thì thương dượng Tony vô cùng, gửi thư “con confirm lại lần
nữa là con yêu dượng” nhưng hôm nay thì “tiền ơi tiền, cháu yêu tiền lắm”. Khi
lòng tham nổi lên, họ sẽ nghĩ chỉ họ đúng còn người khác sai hết. Tính tham lam
sẽ khiến chúng ta bỗng dưng có gương mặt trở nên xôi thịt, ánh mắt sẽ đảo tròng
liên tục, nhìn gian gian. Cái lạ là càng nghĩ về tiền, thì lại càng kiếm không
ra. Các bạn khó kiếm tiền là do khôn quá, thử một lần bớt khôn mà nghĩ cho người
khác xem sao.
Nhiều người nói “nếu tôi
trúng số độc đắc, tôi sẽ mua cái này cái kia cho người nghèo..” thì thực tế tới
lúc đó mới biết được. Phần lớn lúc trúng xong sẽ suy nghĩ “nó nghèo kệ nó, tiền
này của mình” nên sẽ dùng mua nhà mua cửa, đổi xe, đi du lịch,..những cái lợi
cho bản thân mình thôi. Có người nói, nếu tôi thành tỷ phú, tôi sẽ vẫn là
tôi…thì chỉ khi nào giàu có mới biết được có đúng hay không. Vì nhận thức, suy
nghĩ và hành động CÓ
THỂ SẼ THAY ĐỔI khi
có tiền trong tay.
Tony có một chị bạn thân, chị có căn nhà
ông bà để lại nhưng bị mất hết giấy tờ, giờ muốn có sổ hồng để bán phải truy lục
rất khó, chồng chéo mấy chục người thừa kế ở nước ngoài phải từ chối tài sản
thông qua hợp pháp hoá lãnh sự nên chị nghĩ chắc không bao giờ được. Chị thuê một
ông luật sư, nói anh giúp em, em mà có căn nhà này coi như món tiền trên trời
rơi xuống, em sẽ chia cho anh 1/3. Ông luật sư làm 2 năm mới xong giấy tờ. Có sổ
hồng trong tay, có người trả giá căn nhà 300 tỷ nên chị thấy tiếc. Gặp Tony, chị
kể ối cái này dễ ẹt, chị tự làm cũng được, hồi đó chị ngu quá nên mới nhờ luật
sư, trường hợp này dễ mà ông luật sư không nói, coi như là lừa chị. Chị chỉ đồng
ý cho 100 triệu thôi. Ông luật sư này đâm đơn, thắng kiện vì văn tự rõ ràng. Chị
gần như hoá điên, lảm nhảm cả ngày, dù ĐƯỢC 200 tỷ trong tay nhưng chị chẳng
quan tâm vì mãi nghĩ đến việc đã MẤT 100 tỷ. “Đồng tiền đi liền khúc ruột”,
cứ chiều chiều, chị kêu tài xế đánh xe Audi A8 chở chị ra bờ sông Phú Mỹ Hưng,
leo lên cầu Ánh Sao, vừa ngồi ăn mắc-ca vừa xoã tóc ngồi khóc đến sưng mắt. Khi
hoàng hôn buông tím ngắt trên dòng sông Nhà Bè chia đôi Đồng Nai Gia Định, khi
bìm bịp lẻ bạn kêu khắc khoải đến nao lòng, thì chị mới trở về biệt thự 20 tỷ,
trả thù ông luật sư. Chị rửa hình ông ấy ra, soi trên ngọn đèn, lấy kim chọt. Tối
chị lấy kim chọt miệng thì sáng mai ông luật sư sưng miệng, mồm vêu lên, cãi
không được. Tối chị chọt bụng thì ông luật sư đau bụng, chị chọt chân thì ông ấy
bị đau chân, có bữa không biết chị chọt chỗ nào mà ông luật sư chỉ còn mạnh
toán hoá, mấy môn sinh lý sử địa ông luật sư yếu hết trơn hết trọi.