Chúa Trịnh quanh năm ăn toàn sơn hào, hải vị, chả thiếu thức gì, mà vẫn không thấy ngon miệng.
Môt hôm, Quỳnh túc trực,
Chúa bảo:
- Ta ăn đủ của thơm vật lạ,
mà không biết ngon. Ngươi có biết thứ gì ngon thì nói cho ta hay?
- Tâu Chúa, Chúa đã xơi mầm
đá chưa ạ?
- Vị ấy ngon lắm à?
- Dạ, ngon lắm.
- Thật như thế thì làm để
ta nếm thử xem?
Quỳnh sai người lập tức đi lấy "mầm
đá" về ninh nhừ để làm đồ ngự thực, còn mình thì lủi về nhà lấy một lọ
tương ngon, một đĩa muối trắng. Lọ tương thì bịt thật kỹ ngoài đề hai chữ
"Đại phong" đem sang giấu một chỗ.
Chúa đợi lâu, thấy đói bụng, hỏi:
- Mầm đá
đã chín chưa ?
Quỳnh thưa:
- Chưa được.
Chốc chốc, Chúa lại hỏi,
Quỳnh tâu:
- Thứ ấy phải cho thật
chín, không thì lâu tiêu.
Khuya, Chúa lại hỏi. Quỳnh
biết Chúa đói lắm rồi, mới tâu:
- Xin Chúa hãy xơi tạm vài
thứ dã vị này, còn mầm đá xin dâng sau.
Rồi truyền dọn cơm tương với
muối dâng lên. Chúa đang đói, ăn ngon miệng. Trông thấy lọ đề hay chữ "Đại
phong" lấy làm lạ. Chúa hỏi:
- Mầm Đại phong là mầm gì
mà ngon thế?
- Bẩm là đồ dã vị thường
dùng.
- Là gì, nói lên cho ta biết?
- Bẩm tương ạ?
- Ngươi để hai chữ Đại
phong là nghĩa là sao?
- Bẩm Đại phong là gió lớn,
gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tuợng lo là lọ tương.
- Lâu nay ta khong ăn,
quên mất cả vị, sao ngon thế?
- Tâu Chúa, quả không sai.
Lúc đói thì ăn gì cũng ngon, no thì không thấy gì vừa miệng!
Chúa cười bảo:
- Ngươi nói phải. Thế ra
ngươi làm cho ta thật đói để ăn cho biết ngon, chứ đợi mầm đá thì biết đến bao
giờ cho chín.
** *** *** ** ** **
Người xưa thường nói, “Một
miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi đói muốn rã ruột mà bỗng nhiên có ai
cho hay tìm được chút thức ăn thì bạn có thể thốt lên rằng, “Thật không có hạnh
phúc nào bằng!”. Bạn sẽ ăn miếng thức ăn ấy một cách cẩn trọng, chân thành, cảm
nhận rõ rệt hương vị và giá trị của nó, và chỉ có bạn và nó trong giây phút đó.
Không thể đem sự hấp dẫn của
tiền bạc, quyền lực, hay tình yêu ra so sánh với cảm giác ấy được, vì mỗi thứ
trên đời này chỉ có giá trị hữu dụng trong từng hoàn cảnh. Cũng như khi no bụng
thì một mâm cỗ đầy ắp những món cao lương mỹ vị sẽ không mang lại ý nghĩa gì cả,
nếu có, nó chỉ làm thỏa mãn các giác quan hay lòng tham, chứ nó không đem lại
cái cảm giác tuyệt trần như khi đang đói thực sự. Người xưa so sánh hai cảm giác
ấy ngang bằng nhau là để nhắc nhở chúng ta phải biết trân quý những điều kiện
ít ỏi mà mình đang có, nhưng nếu xét về mặt hưởng thụ đúng nghĩa thì khi thiếu
thốn mà có được chút ít vẫn làm cho con người hạnh phúc sâu sắc hơn là khi đủ đầy
mà có thêm.
Như vậy bí quyết ăn ngon
chính là để bụng đói rồi mới ăn, và đây cũng chính là bí quyết sống hạnh phúc.
Thay vì tích góp thật nhiều tiện nghi theo mốt chung của xã hội “càng nhiều
càng tốt” thì bạn phải luôn đặt mình vào tình trạng “thiếu thốn một chút”. Thí
dụ bạn chỉ có năm bảy bộ quần áo thôi thì chắc chắn khi mặc bộ nào là bạn sẽ
nâng niu bộ đó, xem quần áo như là người bạn thân thiết của mình, thay vì có tới
năm bảy chục bộ mà bạn chẳng nhớ nổi mặt mũi và xuất xứ của chúng. Tình cảm
cũng vậy. Nếu người kia không biết cách tiết chế cảm xúc yêu thích mà bạn cũng
không đủ can đảm giới hạn sự đón nhận, thì chắc chắn sự nhàm chán và khinh lờn
trong bạn sẽ xảy ra.
Bạn vẫn còn “nướng” thời
gian trong những việc làm hết sức vô bổ là tại vì bạn có suy nghĩ rằng đời bạn
còn dài lắm. Có lẽ là bạn tưởng mình sẽ sống tới hai ba trăm năm lận, nên giờ
này bạn vẫn còn ham chơi, tha hồ tàn phá tuổi trẻ, tha hồ giận hờn, tha hồ hơn
thua nhau, tha hồ đuổi theo những giấc mộng xa vời... Chắc là phải đợi đến khi
bác sĩ “tuyên án” là bạn chỉ còn có vài tháng hay vài tuần nữa để sống thôi,
thì may ra bạn mới chịu quay về nắm lấy sự sống. Như vậy là vẫn còn may, chứ có
rất nhiều người chẳng còn kịp thở hay nhìn thấy mặt người thương trước phút từ
biệt cõi này nữa kìa.
Bạn nói rằng bạn đang làm
tất cả là để có được cuộc sống sung túc và an ổn? Nhìn kỹ lại xem. Có lẽ “sung
túc” không bao giờ đi chung với “an ổn”, và dường như càng “sung túc” là càng mất
“an ổn”. Nhưng, có được một cuộc sống sung túc thì sao, đó có phải là giá trị
cao đẹp nhất của đời người không? Bạn cũng biết cái cảm giác khi sắm được món đồ
yêu thích, khi mua được chiếc xe đời mới, hay khi sở hữu được căn hộ đắt tiền rồi
đó: sung sướng đến rơi nước mắt, đến quên ăn bỏ ngủ. Thế mà bây giờ bạn chẳng
có cảm giác gì đối với những thứ đó nữa hết. Thấy cũng bình thường. Vậy dựa vào
đâu mà bạn tin rằng khi có được một cuộc sống sung túc hơn là bạn sẽ có hạnh
phúc? Thực ra ý niệm về sự sung túc cũng mơ hồ lắm, cứ chạy đua theo kẻ khác
mãi thì chẳng biết thế nào mới gọi là sung túc. Và khi sung túc rồi bạn có chắc
là sẽ ngồi yên đó để tận hưởng không?
Bạn chỉ biết làm, chỉ có
tài đem về đủ thứ tiện nghi, nhưng bạn lại không biết hưởng, không có khả năng
thưởng thức những gì mình đã tạo ra. Bạn bỏ ra hai ba giờ đồng hồ để nấu một
món ăn cầu kỳ, hấp dẫn, vậy mà bạn lại không thể bỏ ra nửa giờ để đem hết sự
chú tâm vào việc thưởng thức món ăn. Bạn bỏ ra năm bảy năm trời để chinh phục một
người, vậy mà bạn lại than không có thời gian để ăn cơm chung hay chia sẻ những
niềm vui sâu sắc của người ấy. Bạn đang bị cái gì vậy? Bạn có đang thực sự sống
không?
Bây giờ mà bạn vẫn chưa biết
được thế nào là hạnh phúc, thì cố gắng thêm mười năm hay vài chục năm nữa cũng
vậy thôi. Bạn có thể có thêm điều kiện của hạnh phúc, nhưng bạn lại không thể
nhận ra và không thể tận hưởng chúng. Cho nên vấn đề là ở nơi bạn, nơi nhận thức
và thái độ sống của bạn, chứ không phải là phải chờ đợi thêm cái gì nữa ở bên
ngoài. Chỉ khi nào bạn tỉnh ngộ rằng, hạnh phúc là khi tâm hồn bình yên, không
còn lo lắng hay bị áp lực vì sự mong cầu, chấp nhận hết những gì đang xảy ra
trong hiện tại - trong bạn và xung quanh bạn, thì bạn mới có đủ năng lực và ý
chí để nâng niu sự sống.....