Khi rơi vào sự
kiềm toả của giận dữ hay hận thù thì ta sẽ không còn cảm thấy an vui, cả thể
xác lẫn tinh thần. Bất cứ ai nhìn vào cũng đều thấy được điều này và rồi sẽ chẳng
có ai muốn đến gần ta nữa. Ngay cả súc vật cũng tránh xa, chỉ trừ có rận và muỗi
mới đến gần để hút máu ta mà thôi ! Ta ăn không ngon, ngủ không yên, có thể bị
lở loét dạ dày, và nếu như tình trạng này kéo dài thì nhất định là những năm
tháng còn lại của cuộc đời ta sẽ bị thu ngắn.
Như thế có hay ho gì đâu ? Nếu ta
buông thả cho cơn giận tung hoành thỏa thích thì ta cũng không thể thanh toán hết
đám kẻ thù của ta được. Bạn đã thấy có ai thành công trong việc triệt hạ hết kẻ
thù của mình chưa ?
Khi vẫn còn
dung dưỡng trong ta kẻ thù nội tâm, tức là sự giận dữ hay oán thù, thì dù cho
hôm nay ta có đánh tan hết mọi kẻ thù đi nữa, ngày mai lại sẽ có những kẻ thù mới
xuất hìện. Kẻ thù đích thực của ta là các thứ nọc độc trong tâm thức : vô minh,
hận thù, tham vọng, ganh tị và kiêu ngạo. Đó là những kẻ thù duy nhất có thể
phá hoại hạnh phúc của ta.
Chỉ riêng giận
dữ và hận thù cũng đủ là nguyên nhân gây ra vô số bất hạnh trong thế gian này,
từ cảnh cãi vã trong gia đình cho đến những cuộc xung đột ở cấp độ lớn lao hơn.
Nó sẽ biến bất cứ một bối cảnh thú vị nào thành một tình trạng ngột ngạt. Không
có một tôn giáo nào lại ca tụng phẩm hạnh của những thứ đó. Trái lại mọi tôn
giáo đều nhấn mạnh đến vai trò của tình thương và lòng nhân từ. Chỉ cần đọc những
cảnh mô tả về thiên đường thì sẽ thấy người ta toàn nói đến cái an bình, đẹp đẽ,
hoặc mô tả những ngôi vườn kỳ thú đầy hoa, và theo tôi biết thì không hề thấy
nói đến xung đột hay chiến tranh trong cái khung cảnh đó. Người ta chẳng bao giờ
gán cho sự giận dữ một đức tính nào cả. Vậy phải xử trí như thế nào đối với sự
giận dữ?
Theo một số
người thì giận dữ không phải là một khiếm khuyết. Những ai không quen quan sát
tâm thức thì có thể cho nó là một thành phần thuộc bản chất của tâm thức, vì thế
họ chủ trương không nên kiềm chế mà trái lại cứ để cho nó bộc lộ ra ngoài. Nếu
quả thực là như thế thì sự dốt nát và mù chữ cũng phải được xem là thuộc vào
thành phần của tâm thức vì khi vừa chào đời ta chưa hề biết được điều gì cả.